Thứ tư, 08/01/2025 17:12 (GMT+7)
Thứ ba, 07/01/2025 16:13 (GMT+7)

“Tấm vé thông hành” vào chuỗi cung ứng toàn cầu từ khóa đào tạo về quản lý phát thải

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, Viện Phát triển Doanh nghiệp và Chính sách (IBPD) và Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược đào tạo cấp chứng chỉ về giảm phát thải khí nhà kính.

Thỏa thuận này đánh dấu sự hợp tác trong chương trình “Quản lý phát thải khí nhà kính trong chuỗi cung ứng toàn cầu,” thuộc dự án hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.

“Tấm vé thông hành” vào chuỗi cung ứng toàn cầu từ khóa đào tạo về quản lý phát thải - Ảnh 1

Hơn 2.000 doanh nghiệp đối mặt áp lực kiểm kê khí nhà kính

Theo quy định từ các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản, doanh nghiệp nhập khẩu phải thực hiện báo cáo kiểm kê khí nhà kính. Quy định này đặc biệt đáng chú ý với các cơ chế như Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) của EU, yêu cầu báo cáo lượng phát thải đối với các ngành như sắt thép, xi măng và nhôm. Đây là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi vừa phải chịu áp lực chi phí tăng do thuế carbon, vừa đối mặt nguy cơ mất thị trường nếu không tuân thủ.

Thực tế, hiện có 2.166 doanh nghiệp tại Việt Nam thuộc diện phải kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10% trong số này nhận thức được trách nhiệm của mình. Việc thiếu thông tin không chỉ dẫn đến rủi ro pháp lý mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh, mất cơ hội xuất khẩu và có nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, kiểm kê khí nhà kính không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm với môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao vị thế trên thị trường. Khóa đào tạo chuyên sâu về quản lý phát thải khí nhà kính vì thế mang ý nghĩa chiến lược, giúp doanh nghiệp không chỉ tuân thủ quy định mà còn tận dụng cơ hội từ xu hướng xanh hóa toàn cầu.

Khóa đào tạo “Quản lý phát thải khí nhà kính trong chuỗi cung ứng toàn cầu”

Chương trình “Quản lý phát thải khí nhà kính trong chuỗi cung ứng toàn cầu,” do Viện Phát triển Doanh nghiệp và Chính sách (IBPD) phối hợp cùng Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) tổ chức, kéo dài trong 3 ngày đào tạo chính quy dự kiến tại Nghệ An, Hà Tĩnh và Hải Phòng. Chương trình được thiết kế toàn diện, tập trung cung cấp kiến thức chuyên sâu về hệ thống yêu cầu pháp luật và các nguyên tắc quản lý khí nhà kính theo tiêu chuẩn ISO 14064.

Khóa đào tạo hướng đến nhiều đối tượng học viên, bao gồm cán bộ quản lý môi trường tại doanh nghiệp, chuyên gia tư vấn từ các công ty luật, nhà quản lý chuỗi cung ứng, và các cá nhân chịu trách nhiệm lập hoặc thẩm định báo cáo phát thải khí nhà kính. Sau khi hoàn thành khóa học, học viên sẽ có khả năng thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính, đảm bảo tính minh bạch và chính xác của các báo cáo, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình quản lý phát thải, giảm thiểu rủi ro và chi phí. Đặc biệt, những cá nhân này còn có thể đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ đối tác quốc tế về môi trường và bền vững.

Chương trình hợp tác hướng tới hai mục tiêu cốt lõi. Trước hết, nhằm nâng cao nhận thức và tích hợp quản lý phát thải khí nhà kính vào các hoạt động đào tạo, giúp doanh nghiệp không chỉ tuân thủ quy định pháp luật mà còn tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, chương trình chú trọng đào tạo đội ngũ chuyên gia đạt chuẩn quốc tế trong lĩnh vực đánh giá phát thải khí nhà kính. Sau khi hoàn thành khóa học, các học viên sẽ được cấp chứng chỉ song dấu từ Viện Phát triển Doanh nghiệp và Chính sách (IBPD) và Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT), khẳng định năng lực chuyên môn và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Chia sẻ về việc hợp tác, đại diện Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) đã khẳng định cam kết thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược, tận dụng tối đa lợi thế của cả hai bên. Cam kết này bao gồm việc triển khai các hoạt động đào tạo, khảo thí và cấp chứng chỉ liên quan đến quản lý phát thải khí nhà kính, tiêu chuẩn ISO 14064 cùng các lĩnh vực liên quan khác. Đại diện cũng bày tỏ quyết tâm phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức các chương trình đào tạo, thúc đẩy áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao năng lực chuyên môn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường toàn cầu.

Ông Đinh Văn Hoàng - Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp và Chính sách (IBPD) nhấn mạnh: “Thế giới đang chứng kiến những nỗ lực không ngừng trong việc giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện các cam kết mạnh mẽ tại COP26 và COP27. Tại Việt Nam, Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra danh mục các lĩnh vực phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Đây không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về môi trường từ các đối tác quốc tế".

“Tấm vé thông hành” vào chuỗi cung ứng toàn cầu từ khóa đào tạo về quản lý phát thải - Ảnh 2
Ông Đinh Văn Hoàng - Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp và Chính sách (IBPD)

"Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu này, chúng ta không chỉ cần công nghệ mà còn cần một đội ngũ nhân lực được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng. Đó là lý do tại sao việc triển khai chương trình đào tạo này có ý nghĩa hết sức quan trọng.” - ông Hoàng nói.

Chia sẻ thêm về sự kiện này, ông Đinh Văn Hoàng cho biết, việc ký MOU hợp tác giữa Viện Phát triển Doanh nghiệp và Chính sách (IBPD) và Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) là một bước đệm quan trọng đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa hai bên, từ đó không chỉ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao năng lực quản lý phát thải khí nhà kính, mà còn đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực chuyển đổi xanh và hội nhập quốc tế.

PV

Bạn đang đọc bài viết “Tấm vé thông hành” vào chuỗi cung ứng toàn cầu từ khóa đào tạo về quản lý phát thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đề xuất cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn. Theo đó, Bộ đề xuất 4 lĩnh vực được phép thử nghiệm tại cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.

Tin mới