Thứ bảy, 27/04/2024 04:50 (GMT+7)
Thứ ba, 30/11/2021 11:00 (GMT+7)

Tầm quan trọng của cây xanh với mục tiêu Net Zero 2050

Theo dõi KTMT trên

Cây xanh giữ vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu lượng khí CO2 trong khí quyển, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường và điều hòa khí hậu. 

Việt Nam hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0”

Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 diễn ra ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước đang phát triển kể cả tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó, thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.

Theo kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường (BAU) của Việt Nam, đến 2050 tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức 1495,4 triệu tấn CO2tđ, trong đó, năng lượng là 1210 triệu tấn CO2tđ, chiếm 81%, LULUCF giảm chiếm 4%, nông nghiệp chiếm 10%. Vậy, năng lượng sẽ là ngành quyết định về tổng lượng phát thải và mục tiêu phát thải ròng bằng không của Việt Nam.

Tầm quan trọng của cây xanh với mục tiêu Net Zero 2050 - Ảnh 1
Chương trình trồng 1 tỉ cây xanh góp phần quan trọng.

Với xu hướng toàn cầu chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch, kỷ nguyên than đang khép lại và các dự án than mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong huy động tài chính. Tại Hội nghị COP26, ngoài tuyên bố Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đã tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu, Tuyên bố chung toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch.

Chương trình trồng 1 tỉ cây xanh góp phần quan trọng

Theo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, một cây xanh trưởng thành cao trên 30 m có thể hấp thụ khoảng 22,7 kg khí CO2 trong một năm. Con số này tương đương với lượng khí CO2 do một chiếc xe hơi thải ra môi trường khi chạy được đoạn đường 41,5 km. Trong khi đó, thông qua quá trình quang hợp, trung bình một cây trưởng thành có thể cung cấp lượng oxy cho 4 người sử dụng.

Bên cạnh khí CO2, cây xanh còn có khả năng hấp thụ các chất độc hại từ không khí khác như anhidrit, sunfua, fuo, clo, amoniac… Cơ chế này được hình thành do quá trình quang hợp, cây sản xuất các ion âm (NAI), có khả năng hấp thụ những chất dạng hạt lơ lửng và thanh lọc không khí. Ngoài ra, cây xanh còn có thể hấp thụ, chuyển hóa nhiều chất độc hại trong đất và nguồn nước.

Cùng với đó, cây xanh còn được biết đến như “tấm lá chắn” có khả năng cản bụi cho các đô thị lớn hay khu công nghiệp. Theo thông tin từ Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, một cây xanh có tán lớn và rộng có thể cản được 10-30 kg bụi. Nhờ đó, nồng độ bụi thổi qua một cây xanh có thể giảm đi 20-60%.

Hệ thống rễ đâm sâu của cây giúp đất tơi xốp hơn, nhờ đó khi mưa lớn nước sẽ thẩm thấu nhanh, góp phần giảm tình trạng ngập úng tại đô thị. Trong khi đó, tại khu vực trung du và miền núi, rừng rậm giữ vai trò chủ chốt trong điều hòa dòng chảy. Rễ cây cũng tạo cho đất kết cấu chắc chắn hơn, giảm xói mòn, sạt lở khi mưa lớn.

Nhờ tạo ra các khoảng trống trong đất, hệ rễ cây góp phần quan trọng trong việc dự trữ mạch nước ngầm cho mùa khô. Tán lá rộng lớn của cây xanh có khả năng điều tiết nhiệt độ, giảm sự bốc hơi của nước, từ đó góp phần cải thiện tình trạng hạn hán ở nhiều địa thương.

Với những vai trò kể trên, nhiều quốc gia và tổ chức môi trường đã xác định trồng thêm cây xanh là giải pháp quan trọng góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu. Nghiên cứu của Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ vào năm 2019 từng đưa ra kết luận: “Cách tốt nhất để chống biến đổi khí hậu là tiến hành một chiến dịch trồng thêm cây xanh với quy mô tương đương diện tích của nước Mỹ”.

Ở Việt Nam, trồng thêm cây xanh cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu để chống lại biến đổi khí hậu, giảm khí thải nhà kính, đồng thời cải thiện cảnh quan, nâng cao chất lượng sống của người dân và hướng đến phát triển bền vững. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất sáng kiến trồng một tỉ cây xanh trong 5 năm tới. Nguyên Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ rừng nâng cao chất lượng rừng, vận hành hiệu quả hồ chứa nước đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống người dân. Ngày 31/12/2020, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỉ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Ngày 1/4/2021, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký phê duyệt Đề án trồng một tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025. Đề án nêu rõ, phát triển cây xanh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, đưa việc trồng cây xanh thực sự trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tích cực của tất cả người dân, tránh thực hiện phô trương, hình thức, là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thế nào là mục tiêu phát thải ròng bằng không khả thi?

Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã đưa ra các tiêu chí để xác định xem một mục tiêu phát thải ròng là tốt hay không, cụ thể:

Cần thực hiện ngay: Giảm lượng phát thải trong thập kỷ này là rất quan trọng nếu chúng ta muốn tránh những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu. Bất kỳ mục tiêu phát thải ròng dài hạn nào cũng phải được bổ sung bằng mục tiêu ngắn hạn.

Cần có kế hoạch đáng tin cậy: Bất kỳ mục tiêu phát thải ròng nào đều phải đi kèm với một kế hoạch rõ ràng và hành động dài hạn, không được chỉ dựa vào việc bù trừ khí thải nhà kính.

Cần triển khai đủ nhanh: Mục tiêu phải giảm lượng phát thải đủ nhanh trong thập kỷ này và đảm bảo các quốc gia đang chia sẻ công bằng.

Cần công khai quá trình thực hiện: Mục tiêu và kết quả giảm phát thải khí thải nhà kính cần được báo cáo công khai ít nhất hàng năm.

Cần bao gồm tất cả các loại khí thải nhà kính: Mục tiêu giảm phát thải khí thải nhà kính phải bao gồm tất cả các loại khí thải nhà kính và tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tầm quan trọng của cây xanh với mục tiêu Net Zero 2050. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới