Cây xanh có còn được coi là 'hồn phố thị'?
Hiện nay cây xanh ở đô thị nước ta chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Dù cây xanh đô thị là thành tố quan trọng trong cấu trúc đô thị.
Cây xanh gắn bó với mọi mặt của cuộc sống
Với môi trường tự nhiên, cây xanh đô thị giúp hấp thụ CO2, sản sinh oxy, giữ nước mưa, củng cố nền đô thị, điều tiết khí hậu bằng bóng đổ và làm mát, hấp thụ chất độc từ đất và nước, kể cả diệt khuẩn trong không khí… Hệ thống cây xanh tạo sự đa dạng sinh học về thế giới tự nhiên trong đô thị cả loài và cá thể, cung cấp thức ăn cho động vật sống trong đô thị…
Với xã hội và con người, cây xanh là yếu tố tăng cường chất lượng môi trường đô thị như giảm ô nhiễm và tiếng ồn; Giúp cải thiện tinh thần và sức khỏe – nhất là sức khỏe tinh thần, rút ngắn thời gian phục hồi bệnh tật; Tăng sự giao tiếp xã hội giữa con người, tạo sự tiện nghi và hạnh phúc…
Cây xanh đô thị đóng góp cho kinh tế ở chức năng giảm năng lượng sử dụng trong công trình, góp phần tăng giá trị bất động sản – nhất là hiện nay, khi con người quan tâm hơn đến môi trường sống xanh và sạch, đồng thời làm đẹp cảnh quan đô thị, tăng giá trị du lịch từ văn hóa và môi trường…
Như một quy luật, đô thị càng hiện đại, mở rộng thì các yếu tố tự nhiên càng mất dần vì không gian dành cho thiên nhiên bị thu hẹp. Hệ sinh thái đô thị ngoài thành phần hữu cơ và vô cơ còn có thành phần thứ 3 là những gì con người xây dựng nên. Ở xứ nhiệt đới hai mùa mưa nắng như TP.HCM, cây xanh vừa là tự nhiên vừa là nhân tạo, trở thành gạch nối giữa con người với tự nhiên, giữ gìn và mang lại cho thành phố sự hài hòa, nhân văn và thân thiện.
Cây xanh ở đô thị nước ta chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ
Theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam: Diện tích cây xanh đô thị của các đô thị ở Việt Nam, trong đó bao gồm chỉ tiêu đất cây xanh, tổng diện tích đất cây xanh cho toàn đô thị, từng khu vực đô thị, diện tích đất để phát triển công viên – vườn hoa chưa được quan tâm và đầu tư thích đáng.
Cụ thể, tỉ lệ đất cho việc trồng cây xanh, công viên so với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện đạt rất thấp. Việc các khu đô thị mới thiếu vắng các không gian công cộng như quảng trường, vườn dạo, vườn hoa, công viên, cây xanh… đã làm cho chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị suy giảm.
Kiến trúc sư Chính kết luận: Gần như những quy hoạch cây xanh đô thị được đưa ra đều bị phá vỡ bởi nhiều lý do.
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, hiện nay cây xanh ở đô thị nước ta chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Tại các vùng đô thị hóa nhanh, chưa có vành đai xanh để bảo vệ môi trường.
Hệ thống cây xanh mới hình thành, tập trung tại các đô thị lớn và trung bình, còn tại các đô thị nhỏ, cây xanh chiếm diện tích không đáng kể. So với các tiêu chuẩn và quy chuẩn thì tỉ lệ diện tích đất dành cho cây xanh còn rất thấp.
Thiếu bóng cây tại Hà Nội và TP.HCM
Chỉ cần nhìn ở 2 thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM, ta thấy một thực trạng là các cây xanh ngày càng thiếu vắng nhường chỗ cho các công trình đường xá, nhà cửa.
Những con đường xanh một thời được mệnh danh là đẹp nhất Thủ đô như Láng Hạ, Phạm Văn Đồng… cây cổ thụ đã không còn. Hệ quả là những mùa nóng vừa qua người dân Thủ đô đã phải đặt tên cho những con đường rợp bóng cây trước đây thành những tuyến đường “nóng rẫy”.
Mặc dù Hà Nội đã rất tập trung trồng mới cây xanh nhưng diện tích thảm xanh trên đầu người chưa đạt, còn thiếu so với tiêu chuẩn cần thiết về cây xanh đô thị. Thậm chí, trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội năm 2011 đã đưa ra nhiệm vụ là phải loại bỏ khỏi vành đai xanh (thuộc lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy) hàng trăm dự án đô thị trong tổng số hơn 740 dự án được rà soát, nhưng trên thực tế đến nay các dự án đô thị, bất động sản tại khu vực này vẫn dày đặc.
Với TP.HCM, tình trạng cũng tương tự, như những rặng xà cừ, hàng me có tuổi đời cả trăm năm trên đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai, Cách mạng Tháng Tám, Phạm Ngọc Thạch… cũng đã biến mất; Những khoảng không gian xanh công cộng từ các công viên cũng bị thu hẹp nhường chỗ cho các nhà hàng, các khu vui chơi giải trí, các bãi giữ xe…
Tại TP.HCM, hiện trạng vỉa hè trong các khu dân cư hẹp, do quá trình đô thị hóa nhanh, các nhà cao tầng ngày một nhiều, cho nên thiếu không gian phát triển cây xanh. Các chủng loại cây có tính hướng quang cao như lim xẹt, phượng vĩ, sọ khỉ, bò cạp nước… thường bị lệch tán, nghiêng ra đường hoặc nơi có không gian rộng nên cây có nguy cơ gãy đổ cao trong mùa mưa bão.
Đồng thời, tại những khu vực có nhiều nhà cao tầng còn tạo hiệu ứng gió đường hầm khiến hướng gió, sức gió thay đổi và gia tăng đột ngột khi có giông, lốc cũng là một trong những nguyên nhân làm cho cây xanh dễ ngã đổ.
Theo thống kê, diện tích cây xanh ở Thành phố hiện chỉ có 0,55 m2/người, đạt khoảng 8% so với chỉ tiêu quy hoạch đô thị từ 6 – 7 m2/người. Để đạt được 1 m2 diện tích cây xanh trên đầu người vào năm 2030, trong những năm tới, Thành phố sẽ tăng thêm 650 ha đất cho công viên cây xanh.
Cùng với đó, quy hoạch cây xanh trên các tuyến đường, công viên vừa phù hợp với văn hóa, truyền thống của dân tộc, vừa phù hợp với điều kiện khí hậu. Qua đó, hy vọng sẽ tạo ra một lá phổi xanh, một không gian xanh mang nét đặc trưng các tuyến đường, công viên của thành phố.
Nguyễn Linh (T/h)