Thứ sáu, 22/11/2024 11:57 (GMT+7)
Thứ năm, 29/12/2022 13:41 (GMT+7)

Tầm nhìn xa sông Hồng trong Quy hoạch Thủ đô

Theo dõi KTMT trên

Việc quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ tạo điều kiện để Hà Nội hướng đến khai thác một quỹ đất lớn có giá trị kinh tế cao, tạo dựng những khu nhà ở sinh thái, không gian xanh, không gian công cộng...

Đô thị phải quay mặt ra sông

Có lẽ chưa một đồ án quy hoạch phân khu nào trên địa bàn Hà Nội lại có sức thu hút dư luận đặc biệt như Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Việc Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ là cơ sở và cơ hội để khai thác hiệu quả tiềm năng khu vực, hình thành diện mạo mới cho Thủ đô.

Hà Nội lâu nay phát triển "quay lưng" vào sông Hồng, trong khi lẽ ra phải làm ngược lại, đưa thành phố "quay mặt" vào dòng sông đã hình thành nên nền văn hóa của chúng ta. Vì vậy định hướng trên là đúng và thực ra ý tưởng này đã có cách đây 20 năm.

Tầm nhìn xa sông Hồng trong Quy hoạch Thủ đô - Ảnh 1

Việc Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ là cơ sở và cơ hội để khai thác hiệu quả tiềm năng khu vực, hình thành diện mạo mới cho Thủ đô. (Ảnh minh họa)

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho hay: "Tính ra, đã có đến hơn 10 dự án của các cơ quan nghiên cứu, hợp tác trong và ngoài nước về quy hoạch sông Hồng nhưng chưa thực hiện được". Một số nguyên nhân gây khó khăn cho việc triển khai quy hoạch sông Hồng được chỉ ra như: Hành lang thoát lũ vẫn còn nhiều vướng mắc; chưa có số liệu khí tượng thủy văn từ thượng nguồn; cần rất nhiều nguồn lực vật chất…

Vẽ ra Quy hoạch mà thiếu thông tin đầu vào và thiếu tiền là căn bệnh muôn thủa của tư duy quy hoạch chủ quan dẫn đến thiếu cơ sở khoa học và phi kinh tế đã gây tác hại nhiều chục năm qua.

Do vậy Luật Quy hoạch 2017 ra đời đã thay đổi căn bản phương pháp lập quy hoạch, trong đó việc tích hợp quy hoạch là yêu cầu cốt lõi, được nghiên cứu đồng bộ và đảm bảo tính liên kết, thống nhất giữa các ngành, lĩnh vực, tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Nhưng sau 6 năm Luật ban hành, cơ quan chủ lực lập quy hoạch Thủ đô vẫn còn loay hoay. Lãnh đạo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho hay, chưa có một văn bản pháp luật nào hướng dẫn nội dung này. Và đây là một trong số những nguyên nhân căn bản khiến cho công tác lập quy hoạch ở Hà Nội và TP.HCM gặp nhiều trở ngại.

Nhìn lại, chúng ta hãy tự hỏi những bản quy hoạch và quản lý quy hoạch như thế nào mà hôm nay Hà Nội tắc nghẽn giao thông, úng ngập, ô nhiễm, thiếu hụt không gian công cộng… Vậy đó có phải là cách quản trị hiệu quả hay không, hay cần tư duy và cách làm khác?

Theo định hướng, sông Hồng là trục trung tâm Hà Nội, nhưng liệu dòng sông có đủ nước cung cấp sinh hoạt và sản xuất cho 10 triệu cư dân Hà Nội, gần 30 triệu cư dân đồng bằng châu thổ? Đây là vấn đề không được xác định trong các bản quy hoạch trước đây, chưa rõ có gì mới trong quy hoạch lần này?

Câu hỏi trông chờ vào cơ quan lập "Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình". Khởi động từ năm 2016, song đến nay quy hoạch chưa xong, nước bao nhiêu vẫn là ẩn số.

Báo cáo "Việt Nam - hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn" của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết lưu vực Sông Hồng - Thái Bình có diện tích 155.000 km2 và lượng nước chảy vào Việt Nam từ ngoài lãnh thổ là 137 tỷ mét khối. Sông Hồng nhiều nước như vậy nhưng mấy năm nay Hà Nội luôn căng thẳng nước phục vụ sản xuất vụ Xuân… Lý do đơn giản là 9 tỷ mét khối tích trên hồ thủy điện sông Đà phải mở cửa xả lũ, nước trôi về các trạm bơm đẩy nước vào sông Nhuệ và các kênh dẫn phía Nam, nhưng sông Hồng ngày càng cạn; trước đây chỉ cần xả 3 tỷ mét khối đã đủ bơm nay xả 4 tỷ mét khối vẫn thiếu. Sông cạn tới mức phải đóng cống vì sợ nước từ kênh chảy ngược ra sông.

Hà Nội năm 2021 đã xảy ra tình trạng trạm bơm có mà không dùng được, phải lập trạm bơm dã chiến cho vụ Xuân; năm 2022 phải lập tới 8 trạm bơm dã chiến và hàng chục trạm bơm ứng cứu khác.

Giấc mơ thành phố bên sông

Sông Hồng đã cạn nhiều nhưng Hà Nội còn tính bơm nước sông Hồng vào pha loãng nước sông Tô Lịch, sông Nhuệ đang ô nhiễm nặng vì xả thải do đô thị hóa bừa bãi. GS.TS Nguyễn Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) từng cảnh báo: "Sông Hồng chảy qua nhiều tỉnh, thành nên không thể một địa phương nào đó thích thì lấy nước, khi lấy nước làm nông nghiệp sẽ không ai thắc mắc nhưng lấy phục vụ mục đích khác cần giải thích rõ, nếu không tính toán kỹ, việc lấy nước từ sông Hồng có thể làm thay đổi dòng chảy, tác động đến hai bờ sông và dồn lượng bùn, cát xuống cống Xuân Quan (Hưng Yên) - cống của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải".

Sông Cái - sông Mẹ, dòng sông nuôi sống dân cư đồng bằng châu thổ cả ngàn năm qua, nay lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông thì nên chăng chuyển hóa toàn bộ không gian nằm ngoài đê hiện trạng thành không gian trữ nước quốc gia, đảm bảo thoát lũ an toàn và trữ đủ nước sạch mùa khô hạn.

Như vậy thì người dân sống ven bờ, ngoài bãi phải được ưu tiên định cư ổn định, và có thể là định cư vào các dự án bất động sản quy mô hàng nghìn ha trên nền ruộng lúa đang ế ẩm, đọng vốn, hoặc nhận đất rào tôn để hoang vài năm, hàng chục năm nay. Thiết nghĩ đó chính là một trong những giải pháp đô thị thông minh thực chất nhất: Dân được định cư an toàn, ổn định; quốc gia đảm bảo an ninh nguồn nước vững bền; doanh nghiệp thoát nạn nợ nần chồng chất.

Hướng tới lòng sông được mở rộng thành không gian xanh, an lành, sông Hồng không chỉ là mặt tiền của thành phố đôi bờ mà sẽ trở thành bộ mặt của cả đất nước phồn thịnh, có tầm nhìn xa đảm bảo tương lai lâu dài cho con dân đất Việt.

Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch - Kiến trúc 1 (Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội) Nguyễn Lan Hương trước đó cho biết: Giải pháp Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được thiết kế bảo đảm tuân thủ toàn diện các yêu cầu, mục tiêu của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011; tuân thủ Quyết định số 257/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình” ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến góp ý của Bộ NN&PTNT. Trong đó, giải pháp quy hoạch về đê và đường ven sông là nâng cấp đê hiện có thành đường chính khu vực. Giải pháp quy hoạch đường giao thông trên nguyên tắc không thu hẹp không gian thoát lũ, bảo đảm an toàn chống lũ, đáp ứng nhu cầu giao thông...

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Tầm nhìn xa sông Hồng trong Quy hoạch Thủ đô. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới