Thứ sáu, 03/05/2024 18:33 (GMT+7)
Thứ sáu, 25/02/2022 20:00 (GMT+7)

Tắm gội khi mắc Covid-19 có làm bệnh ‘trở nặng’ hơn?

Theo dõi KTMT trên

Dịch Covid-19 hiện đang có nhiều diễn biến phức tạp trên cả nước. Lượng F0 tăng cao mỗi ngày và cùng với đó là vô số câu hỏi băn khoăn của người dân về dịch bệnh này.

Bệnh nhân Covid có nên tắm không là băn khoăn của rất nhiều người hiện nay. Theo đó, người mắc Covid-19 có thể sốt cao (hoặc sốt hâm hấp), khàn tiếng, đau họng, ho, sổ mũi, nghẹt mũi, đau nhức mình mẩy, ăn uống kém, tiêu chảy, nôn... Ở một số người, các triệu chứng này nhẹ, thoáng qua, mau chóng phục hồi; cũng có người triệu chứng rầm rộ, nặng, kéo dài.

Nhiều người cho rằng "không nên tắm gội", vệ sinh thân thể vì nhiều lý do như làm bệnh nặng hơn, nước lạnh làm cơ thể yếu hơn, trúng "phong hàn" (gió lạnh), cơ thể đang bệnh dễ cảm nhiễm ngoại tà... Tuy nhiên, quan niệm này chưa phù hợp cả về khoa học và lý luận học cổ truyền.

Trong giai đoạn bệnh toàn phát, người bệnh cần phải chú trọng chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống dinh dưỡng, không vận động quá mạnh, có thời gian dưỡng bệnh và phục hồi.

Tắm gội khi mắc Covid-19 có làm bệnh ‘trở nặng’ hơn? - Ảnh 1
Dịch Covid-19 hiện đang có nhiều diễn biến phức tạp, lượng F0 điều trị tại nhà tăng cao mỗi ngày. (Ảnh minh họa)

Trao đổi với VietNamNet, BS Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) khẳng định: “F0 kiêng tắm là quan niệm sai lầm”.

BS Khanh nói: “Thời tiết miền Bắc đang lạnh, người bệnh có thể tắm bằng nước ấm, không tắm gội bằng nước lạnh, tránh tắm bồn trong thời gian đang bệnh (không ngâm toàn thân trong bồn tắm). Sau đó, chúng ta mặc đồ luôn trong phòng tắm, không để tình trạng ra khỏi phòng mới mặc đồ khiến cơ thể bị lạnh đột ngột”.

Bác sĩ khuyến cáo thêm, sau tắm gội nên lau khô thân thể và tóc bằng khăn bông, tránh dùng quạt hay đứng nơi có gió để phòng ngừa cảm nhiễm phong hàn. Bởi nếu không tắm, cơ thể mất vệ sinh, ngứa ngáy gây ra tình trạng khó chịu, mất ngủ khiến bệnh nặng thêm, BS Khanh nhận định.

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng chỉ rõ, F0 nếu có hiện tượng sốt cao thì không nên tắm. Thế nhưng điều này cũng không có nghĩa là không vệ sinh thân thể. Thay vào đó, F0 nên lau người bằng nước ấm. Việc thay quần áo hàng ngày để đem đi giặt riêng, khử khuẩn... là việc cần thiết làm mỗi ngày để tránh lây nhiễm mầm bệnh cho các thành viên khác.

Ngoài ra, theo y học hiện đại, các biện pháp xông hơi có tác dụng làm thông thoáng đường hô hấp, tinh dầu gây cảm giác thư giãn, nâng cao hệ miễn dịch, giúp người cảm cúm mau khỏi bệnh.

TS.BS Quan Thế Dân, từng tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu Becamex Bình Dương khuyến cáo về cách xông đúng cách. Tuy nhiên, theo bác sĩ, xông hơi không thể tiêu diệt virus, xông quá nhiều lần gây mất mồ hôi, mất các chất muối trong cơ thể, làm rối loạn chuyển hóa, cơ thể càng yếu hơn. Xông hơi nhiều lần, súc họng nước muối nhiều lần làm tổn thương niêm mạc hô hấp, dễ gây bội nhiễm thêm các bệnh hô hấp khác.

"Người mắc Covid-19 có thể xông mũi họng hoặc xông hơi toàn thân, ngày một lần, giúp hệ hô hấp thông thoáng, tinh thần thư giãn, mau lành bệnh. Nhưng nhắc lại, biện pháp này không diệt virus, do đó không nên xông hơi, súc họng ngày nhiều lần. Không xông quá nóng hoặc xông quá lâu gây tổn thương niêm mạc hô hấp, gây hại nhiều hơn. Mỗi lần xông nên chỉ từ 10 - 15 phút là đủ", bác sĩ Dân khuyến cáo.

F0 nên làm trong tiết trời miền Bắc với nền nhiệt độ xuống thấp như hiện nay. Bất cứ F0 nào chưa có điều kiện tắm thì cũng nên lau người bằng nước ấm sẽ giúp dễ chịu, phòng tránh lây nhiễm bệnh tốt hơn.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo, F0 nên tắm bằng nước ấm. F0 không nên dùng nước lạnh ngay cả khi nhiệt độ ngoài trời nóng bức hay ấm áp. Nước ấm sẽ có tác dụng thư giãn cơ bắp, giúp F0 cảm thấy dễ chịu hơn khi tắm. Từ đó giúp F0 nhanh hồi phục sức khỏe hơn. 

Mỗi lần tắm chỉ tắm 5-10 phút, tắm ở nơi kín gió, sau khi tắm xong cần lau khô người và nhanh chóng mặc quần áo, sấy tóc khô.

Lưu ý thêm, tất cả những điều này không chỉ áp dụng với F0 là người trưởng thành mà F0 là trẻ nhỏ cũng áp dụng bình thường. Cha mẹ nên tuân thủ để tránh bệnh tình của con thêm nặng cũng như nguy cơ lây nhiễm cho cả gia đình.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tắm gội khi mắc Covid-19 có làm bệnh ‘trở nặng’ hơn?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

ROX Cons được vinh danh tại 2 bảng xếp hạng của Vietnam Report
Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng ROX Cons Việt Nam vào "Top 10 nhà thầu xây dựng hạ tầng - công nghiệp năm 2024" và "Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam" theo khảo sát của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report).

Tin mới