Thứ năm, 19/09/2024 08:48 (GMT+7)
Thứ năm, 29/08/2024 14:48 (GMT+7)

Tại sao khi giá tiêu tăng doanh nghiệp vẫn than lỗ?

Theo dõi KTMT trên

Theo doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu, giá tiêu biến động tăng cao, khách hàng nhập khẩu là người được hưởng lợi nhiều nhất còn các doanh nghiệp xuất khẩu chịu thiệt hại lớn...

Tính đến ngày 28/8, giá tiêu trung bình trên thị trường nội địa dao động quanh ngưỡng 143.000-144.000 đồng/kg, phục hồi từ mức đáy hai tháng thiết lập hồi giữa tháng 8 là 137.000 đồng/kg.

Tại sao khi giá tiêu tăng doanh nghiệp vẫn than lỗ? - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Giá tiêu tăng cao sẽ có ảnh hưởng hai mặt, một nhóm hưởng lợi và một nhóm chịu thiệt. Ông Hồ Trí Nhuận - Giám đốc Công ty Gohan cho hay, người được hưởng lợi nhiều nhất là khách hàng nhập khẩu trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu chịu thiệt hại lớn.

Theo ông Nhuận, thời điểm tháng 5, 6, lượng hàng xuất khẩu tăng đột biến. Đây cũng là lúc giá tiêu đạt đỉnh 170.000 - 180.000 đồng/kg. Tuy vậy, giá xuất khẩu chỉ khoảng 100.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp buộc phải mua giá cao, bán giá thấp. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu bán với giá 140.000 đồng/kg ở nước sở tại.

Nguyên nhân của tình trạng này không chỉ đến từ nguồn cung suy giảm (ảnh hưởng bởi thời tiết và xu hướng chuyển đổi cây trồng của người dân), mà còn bắt nguồn từ giới đầu cơ.

Ông Nhuận cho biết, nhiều người “ôm” tiêu từ đầu năm và đã chốt lời nhưng sau đó, họ lại mua với giá đỉnh. Tổng thể thị trường, người lỗ nhiều hơn người có lời. Người có lời thì chỉ khoảng 5.000 đồng/kg nhưng người lỗ thì lên đến 30.000 - 40.000 đồng/kg.

Ông Nhuận cho hay, thị trường biến động quá sốc, không chỉ đơn giản là vì cung - cầu mà còn do đầu cơ. Những doanh nghiệp lớn top đầu cũng phải chịu đau thương khá nặng.

Cùng quan điểm, ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Simexco Đắk Lắk cũng cho rằng, áp lực của doanh nghiệp hiện nay đang rất lớn.

Ông Huy nhấn mạnh, giá xuất khẩu trung bình của doanh nghiệp thấp hơn so với giá thu mua từ thị trường trong nước. Tuy vậy, nông dân lúc nào cũng nghĩ doanh nghiệp lãi lớn. Thực tế thì với bối cảnh thị trường biến động mạnh hiện tại, doanh nghiệp nào cũng phải cố gắng để duy trì tồn tại trước đã.

Nhận định về thị trường từ nay đến cuối năm, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cho hay, dự báo chu kỳ tăng giá sẽ tiếp tục kéo dài. Bởi nếu vụ mùa hồ tiêu tới, dù có được mùa hơn một chút so với vụ mùa vừa qua, thì cũng không thể bù lại được diện tích hồ tiêu đã mất đi trong thời gian vừa qua và hiện nay vẫn đang tiếp tục mất.

Theo ông Bính, chúng ta đang ở khúc cuối cùng của tồn kho những năm trước đây. Các doanh nghiệp chia sẻ, họ mua được 10 tấn hồ tiêu thì trong đó có khoảng 3 - 4 tấn hồ tiêu là hàng cũ, đã trữ được từ 2 - 3 năm.

Như vậy, nếu hết hàng trữ thì lượng hồ tiêu sẽ thiếu trầm trọng. Điều đó cũng đồng nghĩa nguồn cung tới đây thiếu là điều gần như chắc chắn. 

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê dự báo chu kỳ tăng giá tiêu tới đây sẽ kéo dài. Dự báo, giá hồ tiêu không chỉ lên mức 300.000 - 400.000 đồng/kg mà có khi còn lên nữa.

Trong khi đó, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam nhận định sức mua của thị trường Trung Quốc chưa có dấu hiệu cải thiện cho đến cuối năm nay. Tuy vậy, nhu cầu hạt tiêu thế giới ngày càng tăng và khu vực EU vẫn là thị trường tiêu thụ lớn đối với hạt tiêu Việt Nam. Bên cạnh đó, năng lực chế biến hồ tiêu của các doanh nghiệp Việt Nam rất lớn, có thể đạt 140.000 tấn/năm là cơ hội giúp ngành tiêu Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

Về giá tiêu tuần này, chuyên gia kỳ vọng đà tăng sẽ tiếp tục. Chỉ còn một vài ngày nữa tới kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, lực mua dồn dự báo sẽ giúp giá tiêu khôi phục lại như thời điểm đầu tháng 8/2024.

Bích Ngọc

Bạn đang đọc bài viết Tại sao khi giá tiêu tăng doanh nghiệp vẫn than lỗ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới