Thứ sáu, 26/04/2024 14:04 (GMT+7)
Thứ sáu, 28/01/2022 10:00 (GMT+7)

Tại sao cứ phải đắn đo khi mở cửa du lịch?

Theo dõi KTMT trên

Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng Việt Nam giờ đã tương đối yên tâm để mở cửa du lịch càng nhanh càng tốt. Với tỷ lệ bao phủ vaccine trong top đầu thế giới và chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ về câu chuyện ngoại giao vaccine tại một Hội nghị ngoại giao tuần trước: “Chúng ta đã vận động tích cực để các nước, đối tác nhượng lại, mua, vay… Nói chung là làm tất cả biện pháp để có vaccine… Lúc đó không sĩ diện gì hết, miễn có vaccine”.

Bộ Y tế cho biết, tính đến chiều 25/1, Việt Nam đã tiêm gần 177,4 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong tổng số 209,6 triệu liều vaccine đã tiếp nhận. Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 160,5 triệu liều, trong đó mũi 1 là 70,5 triệu liều, mũi 2 là 67,7 liều, còn lại là mũi 3, mũi bổ sung. Việt Nam hiện đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng tỷ lệ bao phủ vaccine trên toàn cầu.

Tại sao cứ phải đắn đo khi mở cửa du lịch? - Ảnh 1

Việt Nam giờ đã tương đối yên tâm để mở cửa du lịch càng nhanh càng tốt.

Nằm ở  top đầu thế giới với tỷ lệ bao phủ vaccine, với chủ trương kiên định “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, câu chuyện mở cửa hoàn toàn du lịch đang được thảo luận sôi nổi hơn bao giờ hết.

Ngành du lịch đang ngóng đợi từng giờ

Tuy được chọn là nơi đăng ký tổ chức Năm du lịch Quốc gia 2021 nhưng trong năm, do tác động của đại dịch, tỉnh Ninh Bình chỉ đón 1,3 triệu lượt khách, tương đương 50,47% so với năm 2020. Trong đó, khách quốc tế là 20.500 lượt. Doanh thu mang về từ ngành du lịch ước đạt 935 tỷ đồng, tương đương 59,05% so với năm 2020.

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác du lịch năm 2021 và triển khai nhiệm vụ cho thấy, giải pháp trọng tâm năm 2022 của tỉnh Ninh Bình, trong năm ngoái, khoảng 8.600 lao động trên tổng số 14.500 lao động trực tiếp trong ngành du lịch tỉnh buộc phải tạm ngừng hoặc nghỉ việc, 250/690 cơ sở lưu trú phải đóng cửa hoặc phải thu hẹp quy mô.

Một hướng dẫn viên du lịch tự do - chị Thu H (Ninh Bình) cho hay: “Nhiều tháng trời gần như không có thu nhập, mọi chi tiêu trong gia đình phụ thuộc vào đồng lương của chồng. Đến giờ, chỉ mong khách nước ngoài trở lại để sớm quay lại với công việc”.

Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều lao động trong ngành du lịch suốt 2 năm vừa qua.

Tại sao cứ phải đắn đo khi mở cửa du lịch? - Ảnh 2

Biểu đồ: Khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 2015-2021.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 157.300 người, giảm 95,9% so với năm 2020 và giảm 99,1% so với năm 2019. Trong đó chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.

Tín hiệu phục hồi yếu ớt của khách du lịch quốc tế nói riêng và ngành du lịch nói chung là một trong những nguyên nhân đóng góp vào mức giảm tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021.

Cần lưu ý rằng vào năm 2019, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, du lịch đóng góp 9,2% vào GDP quốc gia. Do vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 6,5-7% trong giai đoạn 2021-2025 như Quốc hội đề ra, phục hồi du lịch đóng vai trò rất quan trọng. Và để phục hồi du lịch, sớm tiến tới mở cửa hoàn toàn là động thái cần thiết.

Tại sao cứ phải đắn đo khi mở cửa du lịch? - Ảnh 3
Biểu đồ: Đóng góp của ngành du lịch trong tăng trưởng GDP giai đoạn 2015-2021.

Ngày 24/1 vừa qua, trong cuộc Hội thảo "Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế" do Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chủ trì, nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự đồng thuận trong chủ trương mở cửa hoàn toàn sớm nhất có thể.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề xuất mở cửa ngay từ 1/2 để doanh nghiệp xúc tiến các chương trình thu hút khách, các hãng hàng không cũng vào cuộc nhanh nhất có thể. Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Hồng Quang cũng đề nghị mở cửa du lịch từ đầu tháng 2 để thị trường có thời gian chuẩn bị, do khách quốc tế khi đi du lịch thường lên kế hoạch trước nhiều tháng.

Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết đang đề xuất lộ trình tiếp tục thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn 2 từ nay đến 30/4 và mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ ngày 1/5.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Tương đối yên tâm mở cửa”

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói về vấn đề này:

Phải mở càng nhanh càng tốt. Khi các quốc gia trên toàn cầu tăng tốc để khôi phục, tại sao ta lại cứ đắn đo, đi chậm làm gì?

Thứ nhất, nếu không mở cửa du lịch thì không chỉ riêng ngành du lịch khó khăn mà còn gây hiệu ứng lan tỏa tới các ngành lân cận khác, làm giảm tăng trưởng kinh tế của đất nước, gây khó khăn cho công ăn việc làm của người lao động.

Tại sao cứ phải đắn đo khi mở cửa du lịch? - Ảnh 4
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Thứ hai, rủi ro thì lúc nào cũng có, mà các nước khác họ đang tiến tới mở cửa rồi. Càng những nước mở cửa sớm thì kinh tế phục hồi càng tốt hơn. Nếu kinh tế mạnh lên thì khả năng đầu tư cho y tế để chống chọi với dịch bệnh cũng sẽ tốt hơn.

Còn nếu ta mở chậm, ta sẽ tụt hậu so với các nước khác. Kinh tế khó phục hồi, cuộc sống người dân khó khăn, sinh kế của hàng triệu người bị đe dọa thì chính điều đó lại gây thêm nguy cơ về y tế, về sức khỏe của người dân.

“Phải mở càng nhanh càng tốt. Khi các quốc gia trên toàn cầu tăng tốc để khôi phục, tại sao ta lại cứ đắn đo, đi chậm làm gì?”.

Thứ ba là ở Việt Nam, bài học trong đợt dịch vừa rồi là quá đau đớn cho cả ngành y tế và nền kinh tế. Đến nay, Chính phủ, Quốc hội đều đã chủ trương ưu tiên phòng chống dịch và đầu tư nâng cao năng lực y tế cơ sở, nâng cao độ phủ vaccine. Tất cả những điều đó làm ta yên tâm hơn.

Ngay cả khi dịch bệnh trở lại thì ta cũng tự tin rằng ta sẵn sàng hơn rất nhiều rồi, khả năng chống chọi của ta tốt hơn nhiều rồi. Chắc chắn sẽ không lặp lại câu chuyện bùng dịch đau đớn như quý II, quý III năm ngoái, đặc biệt ở các tỉnh miền Nam.

Mở cửa không chỉ để phục vụ lợi ích doanh nghiệp du lịch. Hãy nhìn xem, biết bao nhiêu ngành liên quan đến du lịch, nào ăn uống, lưu trú. Rồi các ngành liên quan đó lại tác động đến bao nhiêu ngành khác nữa.

Về vấn đề Việt Nam hoàn toàn có nền tảng đầy đủ để mở cửa du lịch sớm, bà Chi Lan cho hay, ngay lúc này, dịch đang lan tràn ở phía Bắc nhưng nói chung từ chính quyền đến người dân đều bình tĩnh hơn, cách ứng xử hợp lý hơn, đỡ gây ảnh hưởng đến hoạt động xã hội cũng như hoạt động kinh tế, đó là nhờ kinh nghiệm đối phó với dịch cũng như độ phủ vaccine rất cao. Điều này trái ngược hẳn với phản ứng trước đây khi độ phủ vaccine chưa có. Trên cơ sở này, tôi nghĩ chúng ta tương đối yên tâm để mà mở cửa du lịch.

Khi tỷ lệ bao phủ vaccine cao rồi thì khả năng dịch bệnh gây ra thiệt hại lớn về sinh mạng là không quá nghiêm trọng như trước. Những người tiêm vaccine rồi cũng có nguy cơ bị lây nhiễm nhưng triệu chứng rất nhẹ, nhanh khỏi.

Quan trọng hơn, cho đến nay, mục tiêu của đa số các nước trên thế giới là hạn chế triệu chứng nặng, hạn chế tử vong chứ không phải chỉ hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Thậm chí các quốc gia trên thế giới họ không coi chủng Omicron gần đây là biến chủng cuối cùng đâu, nhưng họ vẫn mở cửa trở lại. Hiện Việt Nam cũng đang đi theo xu hướng chung của các nước với phương châm sống chung an toàn với dịch.

Với ý kiến của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cho rằng mở cửa là cần thiết nhưng không nên nôn nóng, vì thời gian qua tuy mở ra song cũng có địa phương chưa đón được khách. Bà Chi Lan cho hay, thái độ thận trọng của một số nhà lãnh đạo là tốt, nhưng cũng cần quan sát mà thấy sự đồng tình của đông đảo người dân để mà hành động. Xét cho cùng, với người dân, sinh kế và kinh tế quan trọng lắm.

“Thái độ thận trọng của một số nhà lãnh đạo là tốt, nhưng cũng cần quan sát mà thấy sự đồng tình của đông đảo người dân để mà hành động”.

Thời gian qua thí điểm một số tỉnh nhưng chưa đón được đông đảo khách là vì sao? Vì chỉ mở từng tỉnh thì rất khó. Người ta đến Việt Nam không chỉ để thăm một vài tỉnh. Đất nước mình trải dài như thế, biết bao nhiêu địa điểm đẹp. Thậm chí người ta có cả chương trình du lịch cho cả vùng Mekong hay các nước ASEAN chứ đâu phải chỉ đi du lịch chỉ đi một nơi.

Việt Nam là một quốc gia thống nhất, có nhiều điểm đến khác nhau. Đành rằng Phú Quốc rất hấp dẫn, nhưng du khách chỉ ở đấy vài ngày rồi lại tiếp tục đi các điểm khác chứ đâu phải đến theo kiểu nghỉ dưỡng 2-3 tuần ở một điểm rồi đi về? Chỉ một số rất ít người đi theo kiểu đó thôi. Tôi cho rằng Việt Nam không thể chỉ mở vài tỉnh được, ta cứ mở hoàn toàn, có chiến lược xúc tiến thì du khách quốc tế sẽ quay lại sớm.

Nói về thời điểm hợp lý để mở cửa, bà Chi Lan cho biết, ngành y tế phối hợp với các bộ ngành và Chính phủ đã tính toán và thấy rằng mở cửa vào khoảng tháng 5 là hợp lý. Tôi nghĩ có lẽ cũng nên như thế.

“Đất nước đang đứng trước cơ hội và cả sức ép lớn phải bật lên nhan hơn để đạt được những mục tiêu xa hơn… Ta cần những cú bật nhất định mới đạt được khát vọng”.

Hơn nữa, đất nước đang đứng trước cơ hội và cả sức ép lớn phải bật lên nhanh hơn để đạt được những mục tiêu xa hơn mà chúng ta đặt ra như trong năm 2030 trở thành nước thu nhập trung bình cao, 2045 thành nước thu nhập cao.

Chưa nói đến việc có đạt mục tiêu hay không, nhưng khát vọng vươn lên có cuộc sống tốt đẹp hơn là khát vọng chung của quốc gia, và ta cần những cú bật nhất định mới đạt được khát vọng đó.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tại sao cứ phải đắn đo khi mở cửa du lịch?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới