Thứ ba, 05/11/2024 15:40 (GMT+7)
Thứ ba, 30/07/2024 16:15 (GMT+7)

Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn hầm lò khai thác than: Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân

Theo dõi KTMT trên

Tối ngày 29/7, tại Quảng Ninh đã xảy ra vụ tai nạn hầm lò đặc biệt nghiêm trọng khiến 5 công nhân tử vong. Đây không còn là “hồi chuông cảnh báo” về tai nạn hầm lò tại các đơn vị thành viên của TKV. Bởi đã có rất nhiều vụ việc thương tâm xảy ra trước đó.

Tai nạn nghiêm trọng tại hầm lò vẫn tái diễn

Khoảng 22h10 tối ngày 29/7/2024, tại lò chợ chống bằng giá thủy lực mức -110 vỉa 12 thuộc dự án khai thác hầm lò phần mở rộng mỏ Suối Lại giai đoạn 1, Công ty Than Hòn Gai (TP.Hạ Long) đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng. Theo đó, nhóm 5 công nhân đang làm việc thì đột ngột xảy ra sự cố tụt lở than. Sự cố này đã khiến 5 người bị vùi lấp trong đất đá dẫn đến tử vong.

Các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân. Được biết, mỏ Suối Lại chính thức khởi động khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ từ tháng 11/2022. Đơn vị khai thác tại mỏ này là Công ty Than Hòn Gai, thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn hầm lò khai thác than: Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân - Ảnh 1
Nghề thợ mỏ đối mặt với rủi ro cao về tai nạn lao động, đe dọa tính mạng. (Ảnh minh họa)

Đây không phải là vụ tai nạn hầm lò đầu tiên xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản. Cách đây không lâu, vào ngày 13/5/2024, sự cố lở lò than xảy ra tại Phân xưởng khai thác 7, Công ty Than Quang Hanh - TKV (TP.Cẩm Phả) đã làm 3 người tử vong, 1 người bị thương. Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định là do đá vách đột ngột bị sập đổ trong lúc các công nhân đang làm việc, gây xô dạt từ giá chống số 9 đến giá chống 17.

Theo tài liệu địa chất, mỏ than này có cấu tạo địa chất rất phức tạp, được đánh giá là mỏ xếp loại 3 về điều kiện khó khăn khi khai thác. Theo quy trình an toàn lao động, trường hợp gặp đá vách không xuống khi khai thác một luồng than, các công nhân buộc phải khoan cưỡng bức, và khi đang khoan thì xảy ra sự cố.

Trước đó, vào ngày 3/4/2024, sự cố cháy khí metan đã xảy ra tại gương lò XV5-140 số 2, Phân xưởng Đào lò 2, thuộc Công ty Than Thống Nhất - KTV (TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh) khiến 4 người tử vong và 7 người bị thương. Vị trí làm việc của các công nhân thương vong nằm cách nơi xảy ra cháy khí metan khoảng 200m. Theo chia sẻ của một công nhân may mắn thoát nạn, tai nạn xảy ra rất nhanh trong tích tắc, như một luồng khí nén xuất hiện cuốn tất cả ra xa.

Liên tục nhiều năm qua, các vụ việc tai nạn lao động nghiêm trọng gây thiệt hại về người xảy ra tại các đơn vị thành viên của TKV. Cụ thể, ngày 26/8/2023, tại phân xưởng khai thác 3, Công ty Cổ phần Than Vàng Danh - TKV (TP.Uông Bí) đã xảy ra tai nạn hầm lò khiến 4 công nhân tử vong. Nguyên nhân do thời gian trước đó ở khu vực mỏ than có nhiều trận mưa, lưu lượng nước mưa từ 30-70mm dẫn đến bị ngấm nước. Khi nhóm công nhân đang làm việc, bùn và than trôi từ thượng vận chuyển số 3 xuống gây tai nạn.

Trong một thông báo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, các doanh nghiệp thuộc TKV trên địa bàn tỉnh này đã để xảy ra 5 vụ tai nạn, làm chết 5 người trong 6 tháng đầu năm 2023.

Theo báo cáo của TKV tại Hội nghị sơ kết 9 tháng đầu năm 2022, trong 9 tháng này, toàn Tập đoàn đã để xảy ra 16 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, trong đó có 17 công nhân tử nạn. Đáng chú ý là vụ nổ mìn câm ở Công ty Than Nam Mẫu (TP.Uông Bí) khiến 2 thợ lò tử vong, một người bị thương; vụ tai nạn tại Công ty Than Quang Hanh (TP.Cẩm Phả) khiến 13 thợ lò bị kẹt trong hầm lò suốt 2 tiếng.

Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn hầm lò khai thác than: Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân - Ảnh 2
Hiện trường một vụ sạt bùn trong hầm lò khai thác của Công ty Cổ phần than Cọc Sáu - TKV. (Ảnh tư liệu)

Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân

Sau mỗi vụ tai nạn nghiêm trọng tại các hầm lò khai thác than, các cơ quan hữu quan đều có công văn chỉ đạo khắc phục hậu quả và có biện pháp ngăn chặn kịp thời các vụ tai nạn tương tự. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về an toàn lao động trong các hoạt động khai thác than trên địa bàn, không để xảy ra các trường hợp tương tự.

Thế nhưng, nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm vẫn tái diễn tại các đơn vị thành viên của TKV, đặt ra câu hỏi về công tác đảm bảo an toàn lao động và quản lý, kiểm soát rủi ro tại những doanh nghiệp này có được thực hiện nghiêm túc, đúng và đủ hay không?

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, có một số nhóm nguyên nhân chính gây ra tai nạn lao động là: Chưa đảm bảo công tác quản lý, tổ chức điều hành sản xuất, chỉ đạo thi công của cán bộ công trường, phân xưởng; chưa dự báo, phát hiện kịp thời những nguy cơ mất an toàn. Người lao động còn hạn chế về trình độ, kinh nghiệm, ý thức, nhận thức trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, thiếu thận trọng trong thao tác; chủ quan, vi phạm nội quy, quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn.

Thủ tướng chỉ đạo nóng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục hậu quả vụ tai nạn tại Công ty than Hòn Gai - TKV (Quảng Ninh).

Ngay khi nhận được thông tin vụ tai nạn hầm lò tại Công ty than Hòn Gai – TKV tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 74/CĐ-TTg ngày 30/7/2024 chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục hậu quả và có biện pháp ngăn chặn kịp thời các vụ tai nạn tương tự.

Công điện gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh; Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo gửi lời thăm hỏi ân cần, chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình, thân nhân người bị nạn; đồng thời chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Lãnh đạo Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam trực tiếp đến hiện trường vụ tai nạn để chỉ đạo khắc phục hậu quả và thăm hỏi gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn.

Để khắc phục hậu quả và có biện pháp ngăn chặn kịp thời các vụ tai nạn tương tự, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh khẩn trương tổ chức thăm hỏi chu đáo, kịp thời hỗ trợ động viên gia đình các nạn nhân tử vong và làm các thủ tục liên quan đến nạn nhân tử vong.

Đồng thời, tiếp tục tập trung chỉ đạo Công an tỉnh và các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, kịp thời khắc phục hậu quả vụ tai nạn, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có). Chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn lao động trong các hoạt động khai thác than, không để xảy ra các trường hợp tương tự.

Trong một vụ tai nạn lao động có nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có nguyên nhân của người lao động và người sử dụng lao động (là giám đốc, phó giám đốc, cán bộ phòng ban chuyên môn, cán bộ chỉ đạo sản xuất cấp công trường, phân xưởng). Một công nhân từng may mắn thoát nạn khi xảy ra sự cố ở hầm lò ở Quảng Ninh chia sẻ rằng: "Rất nhiều trường hợp cũng làm tắt, làm ẩu và có thể xảy ra tai nạn. Đấy là những bài học trong nghề công nhân”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, TS.Bùi Mạnh Tùng, Phó Trưởng bộ môn Khai thác hầm lò, Đại học Mỏ - Địa chất cho biết: Những hiểm họa chủ quan và khách quan xảy ra trong hoạt động khai thác hầm lò không chỉ là một nguyên nhân nào đó mà có nhiều nguyên nhân khác nhau như: Nổ khí mê tan và nổ bụi than, bục nước và lụt mỏ, sập đổ đất đá ở đường lò và sập đổ than ở lò chợ, cháy mỏ… Đặc biệt trong thời gian gần đây thì do độ sâu khai thác tăng lên, dẫn đến công tác điều khiển áp lực mỏ gặp nhiều khó khăn nên sự cố về cháy nổ khí và sập lò cũng tăng lên.

Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn hầm lò khai thác than: Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân - Ảnh 3
Cần tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn lao động trong khai thác than. (Ảnh minh họa)

Trước những hiểm họa tai nạn trong khai thác hầm lò, ngành than cần triển khai một giải pháp tổng thể, từ công tác lập quy hoạch đến công tác đào tạo nguồn nhân lực; đồng thời quan tâm, đầu tư toàn diện cho công tác an toàn. Ngoài ra, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của bộ, ngành, các địa phương, những người đứng đầu phải có sự quán xuyến, tăng cường kiểm tra, giám sát, thậm chí là xử phạt. Nếu có vi phạm nghiêm trọng nguy cơ ảnh hưởng tính mạng, tài sản của người lao động thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với người lao động, cần chú ý tuân thủ các quy định về an toàn lao động để đảm bảo quyền lợi cho chính bản thân mình. Trong trường hợp phát hiện chủ sử dụng lao động chưa thực hiện quy trình đảm bảo an toàn lao động, cần thiết phải cử đại diện công đoàn yêu cầu phía chủ sử dụng lao động thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và quyền lợi đối với người lao động.

Đến thời điểm này, tai nạn hầm lò tại các đơn vị thành viên của TKV không còn là “hồi chuông cảnh báo” mà đã trở thành vấn đề cấp bách về an toàn lao động trong mỏ khai thác than. Kính đề nghị các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý về an toàn vệ sinh lao động trong khai thác than; Tập đoàn TKV và các đơn vị thành viên nâng cao trách nhiệm và triển khai hiệu quả các giải pháp bảo đảm an toàn cho người lao động.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, TS.Bùi Mạnh Tùng, Phó Trưởng bộ môn Khai thác hầm lò, Đại học Mỏ - Địa chất cho biết thêm về một số giải pháp mà ngành mỏ nên thực hiện để giảm thiểu tối đa sự cố như sau:

1. Cần có những định hướng và giáo dục tuyên truyền nhiều hơn nữa về công tác an toàn, để trách nhiệm và ý thức người lao động được nâng cao thêm một tầm mới. Qua đó, thấy rõ được sự nguy hiểm và tổn thất của các sự cố trong quá trình khai thác than hầm lò. Làm cơ sở để xây dựng nền “Văn hóa an toàn lao động” trong các đơn vị khai thác mỏ.

2. Tăng cường huấn luyện, kiểm tra giám sát về thực hiện an toàn bảo hộ lao động trong khai thác mỏ hầm lò.

3. Tiếp tục đầu tư đổi mới trang thiết bị tự động hóa trong công tác phòng ngừa hiểm họa xảy ra đối với khai thác mỏ hầm lò.

4. Triển khai nghiên cứu, ứng dụng các loại hình công nghệ tiên tiến và tự động hóa từng phần cho các công đoạn của quá trình sản xuất mỏ.

Sông Hồng

Bạn đang đọc bài viết Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn hầm lò khai thác than: Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Không khí lạnh tăng cường, có nơi xuống dưới 15 độ
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hôm nay 5/11, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng tới các khu vực khác. Nhiệt độ thấp nhất có nơi giảm xuống dưới 15 độ.

Tin mới

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Không khí lạnh tăng cường, có nơi xuống dưới 15 độ
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hôm nay 5/11, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng tới các khu vực khác. Nhiệt độ thấp nhất có nơi giảm xuống dưới 15 độ.