Thứ sáu, 22/11/2024 21:38 (GMT+7)
Thứ năm, 05/05/2022 15:00 (GMT+7)

Tái cơ cấu ngân hàng thương mại góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển an toàn, bền vững

Theo dõi KTMT trên

Việc tái cơ cấu nâng cao khả năng cung ứng vốn tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD), góp phần tăng trưởng bền vững nền kinh tế, ứng phó hiệu quả với diễn biến bất thường của đại dịch Covid-19.

Bối cảnh diễn biến kinh tế vĩ mô thực hiện tái cơ cấu tổ chức tín dụng

Thực hiện tái cơ cấu TCTD Việt Nam có quan hệ rất mật thiết đến diễn biến kinh tế thế giới và kinh tế trong nước. Trong các năm 2020-2021, bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường: căng thẳng thương mại giữa các nước: Mỹ - Trung Quốc; Nhật Bản - Hàn Quốc; Hàn Quốc - Trung Quốc; Mỹ - khối EU; Nga - phương Tây gia tăng.

Đặc biệt là đại dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng và tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chưa bao giờ Chính phủ, các cơ quản quản lý tài chính và Ngân hàng Trung ương các nước lại thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, chưa từng có tiền lệ, với quy mô lớn, hàng nghìn tỷ USD để vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Tái cơ cấu ngân hàng thương mại góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển an toàn, bền vững - Ảnh 1
Tái cơ cấu ngân hàng thương mại góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển an toàn, bền vững. (Ảnh minh họa)

Giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh và đứng ở mức thấp trong thời gian dài cho đến năm 2020 và đầu năm 2022 tăng cao nhất trong 7 năm qua. Theo đánh giá của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thế giới đang chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế hoàn toàn khác với các cuộc khủng hoảng trước đây (SBV, 2019-2021).

Ở trong nước, cùng với tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ xảy ra liên tiếp chưa từng có, gây thiệt hại về người và tài sản, khiến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và người dân càng gặp nhiều khó khăn. Trước bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời có những chính sách đồng bộ, quyết liệt và sáng tạo để vừa phòng, chống dịch, hạn chế đến mức thấp nhất tác động của dịch bệnh, đồng thời, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và phục hồi và duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý.

Triển khai các giải pháp tái cơ cấu tổ chức tín dụng

Một trong những thành công quan trọng của ngành ngân hàng trong các năm gần đây, đặc biệt là hai năm (2020-2021) là ổn định hệ thống các TCTD trên cơ sở nền tảng kết quả thực hiện quyết liệt các biện pháp theo Đề án tái cơ cấu tổng thể hệ thống các TCTD, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội. Ở giai đoạn 2 của Đề án, trong 5 năm qua,

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rất quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp, điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt ứng phó kịp thời với diễn biến dịch bệnh, thực hiện tốt các nhiệm vụ đặt ra cho cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như các TCTD.

Kết quả tái cơ cấu TCTD nếu dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế chủ yếu về xếp hạng theo mô hình Camel đối với các NHTM Việt Nam hiện nay được thực hiện độc lập của một công ty nước ngoài đã cho thấy vị thế này đến hết năm 2021 của các ngân hàng. Cụ thể, xếp hạng Quý IV/2021 theo mô hình Camel đối với các NHTM Việt Nam được Công ty Chứng khoán Yuanta thực hiện và công bố trong Quý I/2022 cho thấy, trong số 27 NHTM được xếp hạng, Vietcombank (VCB) tiếp tục dẫn đầu, là NHTM đứng đầu bảng xếp hạng theo mô hình Camel...

Theo đó, VCB có tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp chỉ 0,64%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) tăng vọt lên 424%, cao nhất ngành ngân hàng Việt Nam. Tỷ lệ CASA tăng nhẹ lên 35,7%.

MB đã vươn lên vị trí thứ 2, tiếp đến là ACB và Techcombank (TCB); đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng là MSB; tiếp theo các vị trí trong nhóm 1 NHTM hàng đầu là: TPBank (TPB), Sacombank (STB), BIDV (BID), VietinBank (CTG), OCB.

Tính đến hết Quý IV/2021, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của toàn ngành ngân hàng đã tăng lên và đạt 146% vào cuối tháng 12/2021. Tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành ngân hàng giảm còn 1,34% (giảm 28 điểm phần trăm hay giảm 0,28% so với quý trước và giảm 0,06% so với cùng kỳ năm 2020).

Tỷ lệ NIM giữa các NHTM sẽ có xu hướng khác nhau trong năm 2022. Lãi suất cho vay có thể vẫn sẽ tiệm cận với mức hiện tại do các NHTM sẽ tuân thủ theo quy định của NHNN nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế. Vì vậy, các NHTM có chi phí huy động vốn thấp nhờ tỷ lệ CASA cao sẽ hỗ trợ NIM tốt hơn so với các ngân hàng khác. Tham khảo kết quả xếp hạng theo mô hình Camel ở Hình 1 dưới đây.

Tái cơ cấu ngân hàng thương mại góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển an toàn, bền vững - Ảnh 2

Phân tích theo mô hình Camel là một phương pháp phân tích tình hình hoạt động và rủi ro của ngân hàng. Mô hình Camel là viết tắt chữ cái đầu tiếng Anh của 5 chỉ tiêu:

Capital Adequacy (Mức độ an toàn vốn)

Asset Quality (Chất lượng tài sản)

Management (Quản trị)

Earnings (Thu nhập)

Liquidity (Tính thanh khoản).

Trong đó, NIM là chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi bình quân và lãi suất cho vay bình quân của NHTM, hay khoản thu nhập chênh lệch lãi suất trong hoạt động tín dụng của NHTM. CASA là tiền gửi không kỳ hạn tại NHTM (CASA: Current Account Savings Account). Đây là loại tiền gửi tiết kiệm ngân hàng mà khách hàng chủ động gửi, rút tiền mặt nhiều lần và hưởng lãi suất không kỳ hạn được tính qua từng ngày. Dịch vụ tiền gửi CASA giúp người gửi tiền kiểm soát lượng tiền một cách chính xác nhất, tiện lợi thực hiện các giao dịch thanh toán trong bất kỳ thời điểm nào theo nhu cầu đầu tư, kinh doanh, chi trả của mình.

Tuy nhiên, đối với NHTM, đây là nguồn vốn giá rất rẻ, tức chỉ trả lãi suất không kỳ hạn chưa tới 1%/năm so với lãi suất các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên là 4-7%/năm. Do đó, các NHTM cạnh tranh mạnh mẽ thu hút CASA, giải pháp có tính chất quyết định đó là miễn phí giao dịch cho khách hàng.

Niêm yết cổ phiếu trên thị trướng chứng khoán

Tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt thời điểm tháng 8/2018, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đến 2020 sẽ hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các Ngân hàng TMCP trên sàn chứng khoán Việt Nam (SBV, 2019-2021).

Trong bối cảnh đó, đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức bất ngờ ngay từ đầu năm 2020, tác động tiêu cực đầu tiên lên hoạt động kinh doanh của các NHTM, trong đó có kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán vốn đã được các ngân hàng chuẩn bị kỹ và được kỳ vọng từ nhiều năm trước.

Mặc dù vậy, trong năm 2020, có 9 Ngân hàng TMCP niêm yết trên sàn chứng khoán hay chuyển sàn thành công. Cụ thể, VietCapitalBank, NamABank, Saigonbank đã chính thức giao dịch trên UPCoM và PGBank, ABBank chính thức giao dịch vào ngày 24/12/2020 và ngày 28/12/2020. Trong khi đó, hàng loạt NHTM chuyển sàn niêm yết cổ phiếu: ACB chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE, LienVietPostBank và VIB chuyển từ UPCoM lên niêm yết HOSE. MSB là Ngân hàng TMCP duy nhất niêm yết thẳng lên HOSE trong năm 2020 (SBV, 2019-2021).

Bước sang năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có thêm nhiều mã chứng khoán của các NHTM được niêm yết mới. Ngân hàng TMCP Phương Đông (Mã: OCB) đưa gần 1,1 tỷ cổ phần lên sàn HOSE, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - Mã: SSB) niêm yết hơn 1,2 tỷ cổ phần tại HOSE; Ngân hàng TMCP Việt Á (Mã: VAB) đăng ký giao dịch gần 445 triệu cổ phần ở thị trường UPCoM; Ngân hàng TMCP Việt Á từ ngày 25/2/2021 chuyển từ sàn UPCoM lên sàn HNX.

Cũng trong năm 2021, các Ngân hàng TMCP đã đưa thêm vào thị trường hơn 12 tỷ cổ phiếu thông qua việc niêm yết mới, đăng ký giao dịch trên UPCoM và phát hành thêm. Như vậy, so với cuối năm 2020, lượng cổ phiếu ngân hàng lưu hành hiện tại đã tăng thêm gần 33%.

Một số đợt phát hành cổ phiếu lớn có thể kể đến như: VPBank phát hành 1,97 tỷ cổ phần trả cổ tức và thưởng; VietinBank phát hành 1,1 tỷ cổ phần để trả cổ tức còn lại của các năm: 2017, 2018 và 2019 với tổng tỷ lệ 29,07%; MB phát hành gần 980 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 35%; ACB phát hành 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 25%; BIDV đã kịp đưa thêm gần 1,04 tỷ cổ phiếu vào lưu hành thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu; SHB cũng tăng lượng cổ phiếu trên thị trường thêm 539,2 triệu đơn vị sau khi chào bán thành công cho các cổ đông hiện hữu.

Số liệu thống kê từ HOSE và HNX cho thấy, tính đến hết ngày 31/12/2021, số cổ phiếu lưu hành của 27 NHTM Việt Nam niêm yết và giao dịch trên UPCoM đạt hơn 49 tỷ đơn vị, chiếm hơn 1/4 tổng lượng cổ phiếu lưu hành toàn thị trường.

Tái cơ cấu ngân hàng thương mại góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển an toàn, bền vững - Ảnh 3

Đến hết năm 2021, BIDV (mã chứng khoán BID) đang có số cổ phần lưu hành nhiều nhất ngành ngân hàng với 5,059 tỷ đơn vị. Đồng thời, đây cũng là doanh nghiệp niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với gần 58.059 tỷ đồng. Xếp ngay sau là các ngân hàng: VietinBank, VPBank và MB với số cổ phiếu lưu hành lần lượt đạt: 4,806 tỷ đơn vị, 4,445 tỷ đơn vị và 3,778 tỷ đơn vị.

Ở phía ngược lại, PG Bank là ngân hàng TMCP có số lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường ít nhất với 300 triệu đơn vị, tương ứng vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng; cao hơn PG Bank thì Saigonbank, Kienlongbank và Viet Capital Bank là những ngân hàng TMCP có số lượng cổ phiếu lưu hành dưới 400 triệu đơn vị.

Trong năm 2021 có 7 NHTM không đưa thêm cổ phiếu vào lưu hành là: Vietcombank, Sacombank, Eximbank, ABBank, NCB, Saigonbank và PG Bank. Trong đó, Vietcombank đã chốt danh sách cổ đông để phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức. Số cổ phiếu này sẽ sớm về tài khoản nhà đầu tư trong đầu năm 2022. Tương tự, ABBank đã chào bán thành công hơn 114 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, số cổ phiếu mới vẫn chưa được đưa vào lưu hành. NCB cũng đã được NHNN chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.500 tỷ đồng, thông qua chào bán 150 triệu cổ phiếu ra công chúng. Mặc dù vậy, đến cuối năm 2021, việc tăng vốn của NCB vẫn chưa được thực hiện.

Sacombank, Eximbank, Saigonbank và PG Bank là những NHTM không có kế hoạch tăng vốn trong năm 2021. Trong đó, Sacombank đã không chia cổ tức trong suốt 6 năm qua do phải tập trung mọi nguồn lực xử lý nợ xấu theo Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2015-2025. Tại kỳ họp Đại hội năm 2021, Sacombank kiến nghị NHNN để sử dụng toàn bộ phần lợi nhuận chưa phân phối hơn 6.000 tỷ đồng để chia cổ tức, tăng vốn điều lệ, đáp ứng kỳ vọng của cổ đông nhưng đã không được NHNN chấp thuận.

Nhóm NHTM là ngành có tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam thể hiện nổi bật nhất kết quả tái cơ cấu TCTD, nâng cao năng lực tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao uy tín. Trên mặt bằng nền kinh tế chịu nhiều biến động các năm 2020-2021, việc gia tăng tỷ trọng là một yếu tố cho thấy nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chống chịu tốt trước các cú sốc của nền kinh tế, đặt bên cạnh các nhóm ngành như: bất độngsản, tiêu dùng thiết yếu, tiện ích đều có tỷ trọng giảm càng cho thấy thành quả đáng ghi nhận trên (HOSE và HNX, 2019-2021).

Việc niêm yết trên HOSE có thể mang lại nhiều lợi ích cho các ngân hàng TMCP, trong đó, cơ hội tăng vốn chủ sở hữu, tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, thể hiện xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trong và ngoài nước kỳ vọng các cổ phiếu sẽ được định giá lại, nếu được chuyển niêm yết sang HOSE.

Nhu cầu chuyển sàn niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng TMCP có thể do áp lực cạnh tranh, vì các NHTM xếp ở hàng vị trí thứ hai và các NHTM khác có quy mô tương đương đang niêm yết thẳng trên HOSE. Việc niêm yết trên HOSE cũng cải thiện cơ hội thu hút vốn đầu tư trong thời gian tới với định giá tốt hơn.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Tái cơ cấu ngân hàng thương mại góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển an toàn, bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới