Thứ tư, 15/01/2025 15:14 (GMT+7)
Thứ năm, 14/11/2019 16:30 (GMT+7)

Tái chế rác thải: Cái bóng 10%

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam mới chỉ tái chế rác thải được gần 10% và nhiều năm nay, chúng ta vẫn loay hoay chưa vượt qua “cái bóng” giới hạn này.

Trong khi đó, phân loại, tái chế rác thải còn được xem là tiêu chí của một xã hội văn minh, nhiều nơi trên thế giới đã đạt ngưỡng tái chế chất thải lên đến 99%, nhưng tại sao ở nước ta, việc phân loại rác thải không hiệu quả, thậm chí là nói rất hay mà không thể làm?

Chúng ta đã có quá đủ bài học kinh nghiệm để biết được “ách tắc” của vấn đề này nằm ở đâu. Và đã “điểm mặt, đặt tên” là không phân loại cộng với đổ bừa bãi. Không những thế, phương tiện thu gom cũng đổ chung thùng xe, cho dù rác có khi đã được phân loại. Hệ quả tất yếu dẫn đến nhiều khu xử lý rác thải dù được đầu tư tiền bạc thiết bị, nhân sự có chuyên môn, công nghệ hiện đại cũng không thể xử lý, tái chế, đốt bỏ được và không còn con đường nào khác là phải chôn lấp để còn nhận tiếp những thứ hổ lốn thải ra mỗi ngày.

Tái chế rác thải: Cái bóng 10% - Ảnh 1
Tình trạng rác thải vẫn ngổn ngang, bừa bãi và nhếch nhác. Ảnh: Hoàng Minh

Mọi nỗ lực quản lý, xử lý rác thải đều vấp phải thói quen cố hữu của người dân là sống sao cho tiện, cho nhanh, cho đơn giản, tiết kiệm,… khiến tình trạng rác thải lại đâu vào đấy, vẫn ngổn ngang, bừa bãi và nhếch nhác.

Cũng có một thời, dự án phân loại rác từ nguồn (3R) do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ được giới thiệu khá rầm rộ, khiến nhiều người khấp khởi rằng, tới đây, người dân sống ở Hà Nội sẽ “văn minh”... như ở phương Tây! Họ sẽ biết bỏ các loại rác vào thùng khác nhau, sẽ trân trọng những loại rác có thể tái sử dụng, tái chế. Nhất là khi thấy nhiều nơi đã lắp đặt hệ thống hai thùng rác song song, màu xanh lá cây và màu vàng, gắn biển “Rác hữu cơ” và “Rác vô cơ”.

Tiếc thay, những người muốn bỏ rác đúng chỗ phần lớn bất lực, bởi người bỏ rác trước mình đã vứt lung tung tự bao giờ. Cũng phải thôi, mấy ai hiểu rõ khái niệm hữu cơ, vô cơ đã được học từ thuở nào, còn hình ảnh minh họa trên thân thùng rác đã mờ nhạt hoặc rách từ lâu.

Và bởi tâm lý, dự án phân loại rác tại nguồn chỉ là dự án. Dù có 4 triệu USD, chứ cả tỉ USD cũng chỉ là dự án, hết dự án thì biết làm sao?! Chưa kể, dự án chỉ mang tính chất thí điểm tại 4 phường của nội thành Hà Nội, 18.000 gia đình được tập huấn phân loại rác tại nguồn chỉ là những con số “bỏ bể”, nếu không được nhân rộng theo cấp số nhân mà không cần chờ một dự án khác.

Rõ ràng câu chuyện phân loại, tái chế rác thải vẫn rối “bòng bong”. Đến hôm nay, “cái bóng” 10% tái chế tiếp tục được nhiều các cơ quan quản lý nhắc đến như một giới hạn bất biến và chưa biết khi nào có đột biến?!

Và viễn cảnh nhiều bãi rác không còn khả năng tiếp nhận thêm rác buộc phải đóng cửa, những nội đô tráng lệ sẽ ngập ngụa, bốc mùi… tưởng tượng thôi đã thấy rùng mình.

Bạn đang đọc bài viết Tái chế rác thải: Cái bóng 10%. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ cháy rừng
Thời gian gần đây, các vụ cháy rừng đã trở thành một thách thức lớn cho nhiều quốc gia trên thế giới. Biến đổi khí hậu, với hiện tượng nhiệt độ toàn cầu tăng cao tạo ra những điều kiện thuận lợi cho các vụ cháy rừng phát sinh và lan rộng.

Tin mới