Tác động của biến đổi khí hậu đến xâm nhập mặn
Xâm nhập mặn là một trong những hệ quả tiêu biểu của biến đổi khí hậu. Hiện tượng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp, thủy sản, hạ tầng và đời sống sinh hoạt của người dân ở các khu vực ven biển và đồng bằng.
Biến đổi khí hậu đang xảy ra sớm và mạnh mẽ hơn so với dự báo của chúng ta. Điều này là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu nước và nhiều hiện tượng cực đoan khác như thiên tai, lũ lụt trên hầu hết các khu vực trong nước. Xâm nhập mặn là quá trình nước mặn từ biển hoặc cửa sông xâm nhập vào các hệ thống nước ngọt. Trong những năm gần đây, hiện tượng này đã di chuyển sâu vào đất liền ở các dòng sông thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, cảnh báo các cộng đồng ven biển về sự cân bằng mong manh giữa đất liền và biển.

Xâm nhập mặn, hay còn gọi là nhiễm mặn đất, là hiện tượng khi hàm lượng muối trong đất vượt mức cho phép do nước biển xâm nhập trực tiếp vào đất liền. Hiện tượng này xảy ra khi có triều cường, nước biển dâng cao hoặc khi nguồn nước ngọt bị cạn kiệt. Nước biển mang theo lượng muối hòa tan và kết cấu của đất giữ lại, dẫn đến tình trạng đất bị mặn hóa.
Xâm nhập mặn là hệ quả của biến đổi khí hậu. Đây là hiện tượng tự nhiên xảy ra hàng năm và có thể dự báo trước. Để giải quyết vấn đề này, trước hết cần hiểu rõ nguyên nhân gây ra xâm nhập mặn hiện nay. Theo đó, những nguyên nhân chính gây ra tình trạng xâm nhập mặn gồm:
Hiện tượng nóng lên toàn cầu gây tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu. Hiện nay, biến đổi khí hậu toàn cầu như nước biển dâng và nhiệt độ tăng đang xảy ra thường xuyên ở nhiều địa phương. Những thay đổi về lượng mưa và nhiệt độ ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ bổ sung nước ngầm cho các tầng ngậm nước, dẫn đến quá trình xâm nhập mặn.
Hoạt động kinh tế của con người có tác động mạnh mẽ đến biến đổi khí hậu. Một trong những tác động rõ nét nhất là sự thay đổi lớn trong chế độ dòng chảy trên hầu hết các sông, suối, dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng của dòng chảy. Ngoài ra, biến đổi khí hậu còn làm gia tăng tình trạng lũ lụt, lũ quét và sạt lở bờ sông. Việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm để phục vụ đời sống và phát triển kinh tế - xã hội cũng gây ra sự cạn kiệt nguồn nước. Thêm vào đó, thiếu sự bổ sung cần thiết để bù lại lượng nước đã bị khai thác càng làm gia tăng nguy cơ xâm nhập mặn. Những ảnh hưởng từ các quá trình nhân tạo, hoạt động thủy lợi và sử dụng phân bón hóa học cũng góp phần làm gia tăng tình trạng này.
Tác hại của xâm nhập mặn
Với sinh hoạt cộng đồng thì tình trạng thiếu nước ngọt là một trong những thiệt hại to lớn nhất. Người dân không thể sử dụng nước nhiễm mặn để phục vụ cho các mục đích sinh hoạt như tắm rửa, vệ sinh, giặt giũ do nước muối cho tính ăn mòn cao, gây hư hại hệ thống dẫn nước, vật dụng chứa nước.. Nước uống có chứa "2% nước biển" cũng có thể làm tăng huyết áp và gây căng thẳng cho thận.
Với cơ sở hạ tầng, sự xâm nhập của nước biển làm giảm tuổi thọ của đường sá, cầu cống và các cơ sở hạ tầng khác. Nó cũng làm thay đổi hệ sinh thái, tạo ra những khu đất nhiễm mặn mới khi cây cối chết đi và đầm lầy di chuyển sâu vào đất liền.
Bên cạnh đó, đất ven biển liên tục bị thoái hóa hoặc mất đi do xói mòn, xâm nhập mặn, ngập úng và ngập lụt kéo dài. Các vùng và ngành nghề canh tác nông nghiệp phải thay đổi để thích ứng với điều kiện mới. Các hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dù chưa hoàn thành việc khấu hao, đã phải phá bỏ hoặc điều chỉnh. Các vùng nuôi trồng và đối tượng nuôi trồng liên tục thay đổi, khiến dịch bệnh ở các vùng sản xuất này trở nên khó lường và khó dự báo.
Xâm nhập mặn ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế, đặc biệt là ở các khu vực ven biển và đồng bằng. Trong lĩnh vực nông nghiệp, sự nhiễm mặn của đất và nguồn nước làm giảm năng suất cây trồng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho thu nhập của nông dân và nguồn cung lương thực. Ngành thủy sản cũng chịu tác động khi môi trường sống của các loài thủy sản bị thay đổi, dẫn đến giảm sản lượng và thu nhập từ nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.
Ngoài ra, việc nhiễm mặn nguồn nước làm tăng chi phí xử lý nước trong công nghiệp và sinh hoạt, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và chi phí sinh hoạt của người dân. Hạ tầng cơ sở như đường sá, cầu cống cũng bị ăn mòn và hư hại do nước mặn, kéo theo chi phí bảo trì và sửa chữa tăng cao. Tổng thể, xâm nhập mặn không chỉ gây ra vấn đề môi trường mà còn tạo ra thách thức lớn về kinh tế, đòi hỏi sự quản lý và thích ứng kịp thời.
Ngày 17/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 15/CĐ-TTg về việc chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh. Công điện được gửi tới các bộ, ngành Trung ương và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, tình trạng xâm nhập mặn tại các cửa sông khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tăng cao trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4/2025, với mức cao hơn so với trung bình nhiều năm trước. Xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân, đặc biệt là tại các khu vực ven biển, gây thiếu nước ngọt cục bộ.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông cùng UBND các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống xâm nhập mặn theo Công điện số 128/CĐ-TTg ngày 8-12-2024.
Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng thủy văn, nước và xâm nhập mặn để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, đặc biệt đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân và hỗ trợ hoạt động sản xuất. Đồng thời, công tác thông tin về tình hình xâm nhập mặn cũng cần được cập nhật kịp thời để người dân chủ động ứng phó.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả và kịp thời trong thời gian tới.
Bích Ngọc