Suy giảm nghiêm trọng diện tích đất, rừng phòng hộ ven biển do sạt lở
Theo thông tin của Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, trong số 254 km bờ biển (trong đó, bờ biển Tây dài 154 km, bờ biển Đông dài 100 km) hiện có 189 km đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng.
Tình trạng sạt lở bờ biển Tây ngày càng nghiêm trọng
Ngành chức năng tỉnh Cà Mau cho hay, trung bình mỗi năm Cà Mau mất từ 300 – 400 ha đất và rừng phòng hộ ven biển vì sạt lở. Năm nay, mùa mưa đến sớm, kết hợp với triều cường dâng cao khiến tình trạng sạt lở bờ biển tại địa phương này tiếp tục diễn biến phức tạp.
Kết quả quan trắc cho thấy, tại bờ biển phía Tây, bình quân sạt lở từ 20-25 m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 50 m/năm; ở bờ biển Đông bình quân sạt lở từ 45-50 m/năm.
Chiều dài bờ biển Tây sạt lở khoảng 57 km, nhiều đoạn không còn rừng phòng hộ, hoặc đai rừng phòng hộ chỉ còn vài chục mét. Hiện, tình trạng sạt lở bờ biển Tây ngày càng nguy cấp hơn.
Bờ biển Đông có chiều dài sạt lở nguy hiểm khoảng 48 km; trong đó, sạt lở rất nguy hiểm khoảng 29,5 km, tập trung trên địa bàn các xã Tam Giang Đông (huyện Năm Căn), xã Đất Mũi, xã Tân Ân và thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển).
Điều này khiến cho nhiều nơi, đai rừng phòng hộ chỉ còn vài chục mét. Thậm chí rất nhiều nơi không còn đai rừng phòng hộ, sóng biển uy hiếp trực tiếp lên thân đê, đe dọa đến đời sống của hơn chục ngàn hộ dân sinh sống ven biển và khoảng trên 120.000 ha đất sản xuất nông nghiệp.
Nhằm khắc phục và hạn chế tình trạng sạt lở, tỉnh Cà Mau đã triển khai đầu tư xây dựng đê biển được hơn 51 km, với tổng mức đầu tư khoảng 486 tỷ đồng. Tuy nhiên, tuyến đê biển Đông chưa được đầu tư. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai đầu tư kè chống sạt lở. Cụ thể, đối với bờ biển Tây, đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 41,546 km kè, đang triển khai các bước đầu tư xây dựng 26 km, so với nhu cầu thực tế vẫn còn nhiều hạn chế.
Để đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, Cà Mau kiến nghị Trung ương tiếp tục đầu tư hệ thống kè, đê biển để bảo vệ tính mạng, tài sản, sản xuất của người dân và khôi phục rừng phòng hộ ven biển. Xem xét việc nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau từ đê cấp 4 lên đê cấp 3 để phù hợp thực tế địa phương.
Phát triển rừng vùng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký quyết định phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030”.
Mục tiêu của Đề án nhằm quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng bền vững diện tích rừng vùng ven biển hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021-2030; phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng vùng ven biển trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường và hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển; chống sa mạc hóa, suy thoái đất; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Nhiệm vụ chủ yếu của Đề án là quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả diện tích rừng vùng ven biển hiện có, đặc biệt là đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên vùng ven biển; khôi phục và phát triển rừng. Cụ thể, trồng mới 20.000 ha rừng gồm 9.800 ha rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn); 10.200 ha rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay (trên lập địa đất, cát); trong đó, giai đoạn 2021-2025, trồng mới 11.000 ha.
Trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng 15.000 ha gồm: 6.800 ha rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn); 8.200 ha rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát (trên lập địa đất, cát); trong đó, giai đoạn 2021-2025, trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng đối với 9.000 ha. Tăng cường năng lực và phát triển sinh kế cho cộng đồng, người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển.
Một trong các giải pháp thực hiện Đề án là tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực, nhận thức về vai trò, giá trị của rừng vùng ven biển. Ngoài ra, thực hiện nhóm các nhiệm vụ ưu tiên: xây dựng rừng giống, vườn ươm sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng vùng ven biển; bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, chống sạt lở bờ biển, đặc biệt ưu tiên vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trồng rừng phòng hộ chắn gió bão, chắn cát bay, bảo vệ môi trường, phòng chống sa mạc hóa, vùng ven biển, đặc biệt là các tỉnh miền Trung; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm tại các khu rừng đặc dụng, các khu rừng có tính đa dạng sinh học cao tại vùng ven biển...
Bùi Hằng