Sửa đổi Thông tư về quản lý chất thải nguy hại
Chiều ngày 20/2, cuộc họp về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại đã diễn ra tại Hà Nội.
"Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại cần đưa ra những quy định rõ ràng, giải quyết trực tiếp những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, đảm bảo quản lý chặt chẽ chất thải nguy hại, góp phần đảm bảo an toàn môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững", đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân tại cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp. (Nguồn: Bộ TN&MT) |
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền cho biết, việc sửa đổi Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại do có sự sửa đổi của các văn bản pháp lý liên quan, cụ thể là Nghị định số 136/2018/NĐ-CP ngày 05/10/2018 của Chính phủ sửa đổi một số điều của các Nghị định liên quan đến lĩnh vực đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo cuộc họp. (Nguồn: Bộ TN&MT) |
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại có nhiều điểm mới liên quan đến việc cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
Cụ thể, về trình tự thủ tục cấp Giấy phép: bổ sung hướng dẫn đối với việc vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải nguy hại theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP; quy trình thực hiện và hồ sơ thủ tục đối với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có lồng ghép hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định tại Điều 56b Nghị định số 40/2019/NĐ-CP; quy trình thực hiện và hồ sơ thủ tục đối với các trường hợp cấp điều chỉnh và cấp lại Giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP.
Về việc tích hợp, thay thế hoặc lồng ghép một số trình tự, thủ tục liên quan đến cấp phép xử lý chất thải nguy hại: bổ sung nội dung cấp phép xả khí thải công nghiệp đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải nguy hại hoặc có hạng mục đầu tư cơ sở xử lý chất thải nguy hại, quy định về nội dung xác nhận trong trường hợp Giấy phép hết hạn hoặc bị thu hồi thì các nội dung đã xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, hoặc được cấp phép xả khí thải công nghiệp (không thuộc phạm vi xử lý chất thải nguy hại) được bảo lưu trừ trường hợp có ý kiến khác hoặc nằm trong nội dung quyết định thu hồi.
Việc cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu đối với trường hợp dự án vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải theo quy định tại Khoản 4 Điều 56b Nghị định số 38/2015/NĐ-CP (sửa đổi), không lồng ghép vào việc cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
Ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu tại cuộc họp. (Nguồn: Bộ TN&MT) |
Ngoài ra, dự thảo Thông tư mới có một số quy định rõ về yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý đối với chủ xử lý chất thải nguy hại.
Theo đó, làm rõ vai trò chính, phụ đối với hoạt động liên kết chuyển giao trách nhiệm xử lý chất thải nguy hại, hướng dẫn tính toán về năng lực tự vận chuyển của cơ sở xử lý chất thải nguy hại nhằm đảm bảo các chủ xử lý chất thải nguy hại tập trung hoạt động chính là thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại về chính cơ sở mình xử lý.
Mặt khác, dự thảo Thông tư cũng quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại, với chủ trương thống nhất việc áp mã chất thải y tế nguy hại được thực hiện theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT; bùn thải từ hệ thống, thiết bị xử lý nước thải y tế đã được khử khuẩn theo hướng dẫn của Bộ Y tế được quản lý theo quy định đối với chất thải thông thường.
Bên cạnh đó, về việc vận chuyển chất thải nguy hại xuyên biên giới, có bổ sung làm rõ hơn quy định trong trường hợp nhà xuất khẩu đại diện thay mặt chủ nguồn thải thực hiện thủ tục xuất khẩu thì phải có văn bản ủy thác (hợp đồng).
Ngoài ra, dự thảo Thông tư còn chỉnh sửa, bổ sung tên gọi một số mã chất thải nguy hại cho phù hợp với tình hình thực tế phát sinh.
Nguyễn Luận