Thứ bảy, 23/11/2024 10:49 (GMT+7)
Thứ bảy, 08/01/2022 07:03 (GMT+7)

Sửa đổi Luật Đầu tư để phân quyền cho địa phương trong phê duyệt dự án

Theo dõi KTMT trên

Ngày 6/1, trong phiên họp các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, nhằm tăng phân quyền cho cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư với các dự án xây dựng nhà ở.

Tại phiên họp này, các đại biểu Quốc hội khóa XV đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật liên quan đến đầu tư như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đầu tư. Bên cạnh đó là dự án Luật sử đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Ở phiên thảo luận, các đại biểu đa phần tán thành về tính cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung của 8 luật trên. Tuy nhiên cũng bày tỏ những băn khoăn về tính thống nhất, tổng thể, nhằm tránh sự chồng chéo giữa các luật.

Sửa đổi Luật Đầu tư để phân quyền cho địa phương trong phê duyệt dự án - Ảnh 1
Trong phiên họp các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư.

Trong đầu tư, tăng phân cấp phải tăng giám sát

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận tổ là việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư. Theo tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường phân quyền cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị cho các địa phương.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (đoàn đại biểu Hà Nội) cho biết, về vấn đề này cơ bản nhất trí với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý cần cân nhắc đến khả năng của nhà đầu tư trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng bất cứ loại đất nào khi có nhu cầu thực hiện các dự án nhà ở thương mại, bởi đất đầu tư là một tài sản lớn của Nhà nước.

Sửa đổi Luật Đầu tư để phân quyền cho địa phương trong phê duyệt dự án - Ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy.

"Điều này có thể dẫn đến việc thất thu tài sản của Nhà nước, rồi những tác động khi chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp sang các dự án khác”.

Cơ bản nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi góp phần tạo bình đẳng cho các nhà đầu tư có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là trong triển khai các dự án nhà ở thương mại.

Mặt khác, đại biểu cũng nêu thực tế tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác khi một số dự án đất văn hóa có giá thấp nhưng khi chuyển đổi mục đích sang dự án xây nhà ở thương mại thì giá đất lại tăng lên rất cao so với thị trường. Điều này có thể gây thất thoát tài sản của Nhà nước, bởi theo quy định giá đất của các dự án văn hóa còn thấp. Vì thế, đại biểu kiến nghị cùng với tăng cường phân cấp, phân quyền thì phải tăng cường giám sát các dự án này để bảo đảm hiệu quả.

Cùng với đó, Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) đánh giá rằng quy định như dự thảo Luật chắc chắn sẽ tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong triển khai các dự án nhà ở thương mại. Tuy nhiên, cần xem xét việc phòng ngừa trục lợi chính sách, lợi ích nhóm…

Việc quy định thêm quyền sử dụng đất khác không phải đất ở sẽ mở rộng diện giao đất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư không thông qua đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất. Vì vậy đại biểu Giang đề nghị Chính phủ đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện hơn các tác động của chính sách, ông Giang phân tích.

Sửa đổi Luật Đầu tư để phân quyền cho địa phương trong phê duyệt dự án - Ảnh 3
Đại biểu Nguyễn Trường Giang.

"Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang có quyền sử dụng hợp pháp nhiều đất nông nghiệp ở TP.HCM, Bình Định. Nếu áp dụng theo dự thảo luật, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể chuyển đổi đất đó thành đất nhà ở mà không phải thông qua đấu thầu. Điều này gây khó khăn trong việc quản lý và gây thất thu ngân sách nhà nước".

Đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn TP.HCM) cơ bản đồng tình với nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho địa phương được quy định trong dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư công.

Mặc dù vậy, đại biểu nêu thực tế một số dự án đầu tư nhóm A sử dụng vốn ODA cũng được giao cho địa phương, do đó, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần mở rộng theo hướng giao thẩm quyền quyết định đầu tư dự án nhóm A cho địa phương.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cũng nhất trí với việc ban hành luật để sửa đổi nhiều luật và mỗi kỳ của Quốc hội cần có một luật để sửa nhiều luật như hiện nay để kịp thời giải quyết các bất cập từ quá trình triển khai trong thực tiễn. Đại biểu cũng đặc biệt quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, bởi qua đó tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương để các dự án được thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Quy định rõ sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng

Trong tờ trình của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư cũng bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong đó có kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng (trừ kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự).

Đại biểu Trần Đình Chung (đoàn Đà Nẵng) cho hay, việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là hết sức cần thiết, làm căn cứ pháp pháp lý để thực hiện công tác quản lý nhà nước, cũng như xử lý đối tượng vi phạm.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP.HCM) thảo luận về vấn đề này cho biết, theo thống kê của Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Quốc phòng) và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), qua 3 năm thi hành Luật An ninh mạng đã có hơn 150 vụ lộ lọt tài liệu bí mật trên không gian mạng, trong đó có cả tài liệu tuyệt mật, tối mật. Nguyên nhân ngoài sức kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng bởi các sản phẩm dịch vụ từ nước ngoài cung cấp.

Vì thế, đại biểu Nguyễn Minh Đức nhận định, Luật An ninh mạng hiện hành chưa quy định khái niệm về sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng nên thực tiễn đặt ra cấp thiết để xây dựng hành lang pháp lý, quy định pháp luật để quản lý nhà nước các sản phẩm này.

Sửa đổi Luật Đầu tư để phân quyền cho địa phương trong phê duyệt dự án - Ảnh 4
Đại biểu Nguyễn Minh Đức.

“Xây dựng quy định pháp luật để tạo cơ sở pháp lý để xây dựng nghị định về an toàn thông tin, tạo cơ chế quản lý cho các lực lượng an ninh mạng của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thực thi nhiệm vụ”.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (đoàn Gia Lai) lại băn khoăn về việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Phụ lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Đại biểu Phương nói thêm: Dự thảo chưa đưa ra được khái niệm, chưa đưa ra được sản phẩm của dịch vụ an ninh mạng thì không rõ nội hàm để bổ sung điều kiện kinh doanh. “Căn cứ để đưa ngành nghề này vào danh mục chưa được vững chắc, chưa có cơ sở”.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Sửa đổi Luật Đầu tư để phân quyền cho địa phương trong phê duyệt dự án. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới