Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi): Không khuyến khích đầu tư bất động sản ra nước ngoài
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, kinh doanh bất động sản là ngành, nghề không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có buổi báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).
Đây là dự án luật vừa được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra sơ bộ. Trong những điều sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật này, đáng chú ý nhất là các quy định về đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài.
Cụ thể, tại quy định về ngành nghề cấm đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, dự thảo luật bổ sung thêm nhóm ngành nghề nằm ngoài các quy định tại điều 6 của Luật Đầu tư 2014
Nhóm này gồm có: ngành nghề có công nghệ, sản phẩm thuộc đối tượng cấm xuất khẩu và ngành nghề bị cấm đầu tư ra nước ngoài theo các điều ước quốc tế về đầu tư.
Ngoài ra, lần sửa đổi này cũng bổ sung quy định về ngành nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện.
Theo đó, nhóm ngành nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện sẽ gồm các ngành: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, khoa học và công nghệ, báo chí, phát thanh, truyền hình, kinh doanh bất động sản.
Liên quan đến nội dung này, Bộ Tư pháp đề nghị giải trình cơ sở của việc quy định các ngành nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện và làm rõ lý do bổ sung quy định phải có ý kiến của Bộ Ngoại giao đối với dự án đầu tư tại một số địa bàn nhằm tránh tạo thêm thủ tục hành chính không cần thiết.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật) giải thích, 4 ngành nghề là ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, khoa học công nghệ đã được quy định tại Luật Đầu tư 2014.
Ngành nghề báo chí, phát thanh, truyền hình được bổ sung trên cơ sở quy định của Luật Báo chí. Theo đó, thành lập nhà xuất bản, cơ quan báo chí là lĩnh vực độc quyền nhà nước.
Không khuyến khích đầu tư bất động sản ra nước ngoài. Ảnh minh họa |
Về ngành nghề kinh doanh, đầu tư bất động sản, cơ quan chủ trì soạn thảo dụ án Luật đầu tư (sửa đổi) khẳng định, đây là ngành, nghề không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra nhận định, dự án kinh doanh bất động sản nhằm dịch chuyển tài sản hoặc để được cư trú dài hạn ở nước ngoài đang có xu hướng tăng
Cụ thể, báo cáo giải trình cho biết, hiện nay, phần lớn dự án trong lĩnh vực này do cá nhân đăng ký thực hiện gồm 262 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 390,9 triệu USD nhằm dịch chuyển tài sản hoặc để được cư trú dài hạn ở nước ngoài và đang có xu hướng tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như thất thoát nguồn lực đất nước.
Do vậy, việc đặt ra điều kiện để kiểm soát hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là cần thiết nhằm đảm bảo nguồn lực cho hoạt động đầu tư trong nước,
Ngoài ra, tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã bỏ quy định lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao đối với dự án đầu tư tại các địa bàn đang có chiến tranh, xung đột hoặc địa bàn Việt Nam chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, chưa ký kết các hiệp định về khuyến khích, bảo hộ đầu tư... để tránh làm phát sinh thủ tục hành chính mới không cần thiết.
Theo dự kiến, dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay.
Trần Giang (T/h)