Sự trỗi dậy kinh hoàng của núi lửa khắp nơi trên thế giới tuần qua
Những ngọn núi lửa "ngủ yên" bỗng nhiên "thức giấc". Chỉ trong tuần qua, liên tiếp ba trận núi lửa phun trào trở lại tại Tây Ban Nha, Guatemala và Mỹ đã đe dọa cuộc sống của hàng vạn người dân xung quanh.
1. Núi lửa 4 triệu năm tuổi thức giấc trên hòn đảo La Palma
Núi lửa Cumbre Vieja nằm trên một sườn núi ở phía Nam của đảo La Palma, thuộc quần đảo Canaria, Tây Ban Nha, nơi có khoảng 80.000 người sinh sống. Theo đó, ngọn núi lửa này bắt đầu hoạt động trở lại ngày 19/9 với những vòi phun dung nham, mang theo khói và tro bụi vào không khí. Đến nay, sau hơn 10 ngày hoạt động, dung nham từ núi lửa Cumbre Vieja đã tràn ra biển, kết tủa tạo thành ngọn tháp cao 50 m, kèm theo những cột khói đen khổng lồ.
Đây là lần đầu tiên trong 50 năm qua núi lửa này phun trào dung nham. Hàng trăm ngôi nhà đã bị quét sạch và hàng nghìn cư dân phải sơ tán. Dung nham từ miệng núi lửa phun trào trên đảo La Palma của Tây Ban Nha đã "nuốt chửng" mọi thứ trên đường đi của chúng, khiến chính phủ Tây Ban Nha phải ban bố khu vực thảm họa trên đảo La Palma.
Theo Viện Nghiên cứu núi lửa quần đảo Canary (INVOLCAN) cảnh báo dung nham chảy ra biển sẽ gây ra tình trạng sốc nhiệt giữa dung nham và nước biển, đe dọa người dân trong khu vực. Dung nham hiện bao phủ 258 ha (637 mẫu Anh), chủ yếu là đất nông nghiệp, bao gồm cả các đồn điền trồng chuối, theo Cơ quan giám sát vệ tinh của Liên minh châu Âu.
Hiện chính quyền Tây Ban Nha vẫn hy vọng rằng các dòng dung nham sẽ không tràn ra biển, nhưng hoạt động của núi lửa rất thất thường. Trước mắt, lệnh giới nghiêm đã được áp đặt tại bốn quận lân cận, với tổng số khoảng 300 dân cư sống tại những khu vực này. Người dân được yêu cầu đóng toàn bộ cửa sổ và cửa ra vào của nhà mình để tránh khói độc.
Dự báo đợt phun trào lần này của núi lửa Cumbre Vieja sẽ kéo dài trong khoảng từ 24-84 ngày.
2. Núi lửa mạnh nhất Trung Mỹ Fuego phun trào trở lại
Ngày 23/9, núi lửa Fuego, núi lửa hoạt động mạnh nhất Trung Mỹ nằm cách thủ đô Guatemala 45 km về phía Tây, đã phun trào trở lại, tạo ra những cột tro bụi và luồng mạt vụn núi lửa lớn.
Theo Viện Địa chấn học, Núi lửa, Khí tượng và Thủy văn Quốc gia (Insivumeh), dòng nham thạch của núi lửa Fuego, nằm ở độ cao 3.763 m trên mực nước biển và giữa các khu vực Escuintla, Sacatepéquez và Chimaltenango, đã di chuyển khoảng 6 km đến chân núi lửa.
Insivumeh cảnh báo núi lửa sẽ tiếp tục phun trào dung nham, đồng thời những đám mây hình thành từ các luồng mạt vụn có thể tạo ra tro bụi rơi xuống các khu dân cư ở sườn Nam và Tây Nam của núi lửa và ảnh hưởng đến giao thông ở khu vực xung quanh.
Trong khi đó, Cơ quan bảo vệ dân sự Guatemala cho biết đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của núi lửa, song nhận định chưa cần thiết phải tiến hành sơ tán.
Núi lửa Fuego là 1 trong 3 ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trong số 32 ngọn núi lửa ở Guatemala. Hai ngọn còn lại là núi lửa Pacaya và núi lửa Santiaguito, nằm ở phía Nam và phía Tây nước này. Lần phun trào gần nhất của Fuego vào ngày 3/6/2018 đã cướp đi sinh mạng của 431 người.
3. Núi lửa KiLauea trên quần đảo Hawaii (Mỹ) phun trào
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) thông tin, núi lửa KiLauea trên quần đảo Hawaii đã phun trào dung nham trong ngày 29/9. Tuy nhiên, truyền thông địa phương đưa tin đợt phun trào này trước mắt không gây nguy hiểm đối với cư dân.
Theo đó, Đài quan sát núi lửa Hawaii của USGS (HVO) đã nâng mức cảnh báo hoạt động của núi lửa KiLauea từ cấp độ "theo dõi" lên "cảnh báo", đồng thời thay đổi mã màu cảnh báo đối với hoạt động hàng không từ "cam" sang "đỏ". Mức cảnh báo và mã màu này nghĩa là một đợt phun trào nguy hiểm "sắp xảy ra, đang xảy ra hoặc có thể xảy ra".
Được biết, vị trí phun trào dung nham không nằm trong khu vực có dân cư sinh sống và xảy ra hoàn toàn trong Công viên quốc gia Núi lửa Hawaii.
Lan Anh (T/h)