Thứ sáu, 26/04/2024 17:07 (GMT+7)
Thứ hai, 26/10/2020 16:25 (GMT+7)

Sự thật 'phũ phàng' về nhựa sinh học

Theo dõi KTMT trên

Trước thực trạng ô nhiễm rác nhựa đe dọa toàn cầu, nhựa sinh học được xem như là một giải pháp cứu nguy. Nhưng một nghiên cứu mới đây lại cho thấy nhựa sinh học không thật sự tốt như chúng ta nghĩ.

Trong những năm gần đây, nhựa sinh học đã xuất hiện trên thị trường như một chất thay thế cho nhựa thông thường. Nhựa sinh học có một số ưu điểm rõ ràng: nó thường được làm từ vật liệu tái chế hoặc cellulose thực vật, có thể phân hủy sinh học. Nhưng một nghiên cứu mới đây lại cho thấy nhựa sinh học không thực sự an toàn như chúng ta nghĩ.

Khả năng tự phân hủy không tốt như mong đợi

Khác với các loại nhựa truyền thống làm từ dầu mỏ, nhựa sinh học được chế tạo từ thực vật hoặc các nguyên liệu sinh học khác.

Có 2 dạng nhựa sinh học chính là PLA (polyactic acid) và PHA (polyhydroxyalkanoate).

PLA được làm từ chất đường trong củ quả thực vật như bắp ngô, mì sắn, mía đường; có thể phân hủy sinh học hoàn toàn và cũng có thể ăn được; thường dùng làm bao bì thực phẩm.

PHA thì được tạo ra bởi vi sinh vật được cung cấp chất hữu cơ giàu nguyên tố Carbon (C). Vi sinh vật tạo ra PHA như một cách dự trữ Carbon dạng túi hạt có cấu trúc hóa học tương tự nhựa truyền thống. Có thể phân hủy sinh học hoàn toàn và không gây hại cho các mô tế bào sống, PHA thường dùng trong y khoa, như làm chỉ khâu vết thương, nẹp xương, đĩa xương, da thay thế…

Sự thật 'phũ phàng' về nhựa sinh học - Ảnh 1
Nhựa sinh học và phân hủy sinh học không an toàn hơn các loại nhựa khác. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, cả hai loại nhựa sinh học này đều không được sử dụng rộng rãi bởi không sánh nổi với độ bền và các đặc tính khác của nhựa truyền thống, đồng thời giá cao hơn hẳn. Thị phần nhựa sinh học chỉ vỏn vẹn 9 tỉ đô la trong khi thị trường nhựa toàn cầu trị giá tới 1,2 nghìn tỉ.

Mặc dù cả hai loại nhựa sinh học hiện được sử dụng đều có thể bị vi sinh vật phân hủy và trở lại là một phần của thế giới tự nhiên trong một thời gian ngắn nhưng điều này chỉ xảy ra nếu nhựa được thu gom và ủ trong các cơ sở ủ phân công nghiệp nhiệt độ cao, được kiểm soát cẩn thận. Vấn đề là chưa có nhiều cơ sở kiểu này, đặc biệt ở các nước đang phát triển – nơi vấn đề ô nhiễm nhựa là nghiêm trọng nhất.

Nếu nhựa sinh học được đưa đến các bãi chôn lấp – như nhiều nước đang làm – thì không có đủ oxy để phân hủy chúng, và như vậy nhựa sinh học có thể tồn tại hàng thế kỷ và giải phóng mêtan – một loại khí nhà kính mạnh. Nếu thải ra môi trường, nhựa sinh học cũng gây ra những mối đe dọa tương tự như nhựa dùng một lần.

Rebecca Burgess, Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận về môi trường City to Sea cho biết: “Về cơ bản nhựa sinh học cũng giống như nhựa thông thường và không phân hủy theo cách hầu hết mọi người vẫn nghĩ. Chúng thường bị vứt bừa bãi trên đường phố hoặc ra đại dương và giết chết các sinh vật biển. Nhựa sinh học là một “giải pháp sai lầm” vì cũng chỉ sử dụng một lần và điều kiện để ủ chúng rất hạn chế… Giảm lượng bao bì dùng một lần là giải pháp duy nhất”.

Nhựa sinh học chứa đến 20.000 chất khác nhau

Theo bài báo đăng trên tạp chí Environment International, Thạc sĩ, nghiên cứu sinh Lisa Zimmermann, Đại học Goethe ở Frankfurt, Đức cho biết, các sản phẩm làm từ cellulose và tinh bột chứa nhiều hóa chất nhất. Chúng cũng gây ra các phản ứng độc hại mạnh hơn trong điều kiện phòng thí nghiệm.

Phó giáo sư Martin Wagner, Khoa Sinh học của Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy (NTNU) cho biết: “Trong phòng thí nghiệm, ba trong số bốn sản phẩm nhựa sinh học mà chúng tôi biết có chứa các chất nguy hiểm giống như đối với nhựa thông thường”.

Anh Wagner là một trong những cộng tác viên cho PlastX, một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Sinh thái - Xã hội (ISOE) ở Frankfurt.

Nhóm này vừa dẫn đầu cuộc khảo sát lớn nhất cho đến nay về hóa chất trong nhựa sinh học và chất dẻo làm từ vật liệu gốc thực vật.

Đặc biệt, nhóm đã xem xét các chất độc hại trong nhựa sinh học. Trong các thí nghiệm, các chất này có thể gây độc trực tiếp cho các tế bào, hoặc chúng có thể hoạt động như các hormone làm xáo trộn sự cân bằng của cơ thể.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu 43 sản phẩm nhựa khác nhau, như dao kéo dùng một lần, giấy đóng gói sô cô la, chai nước uống và nút chai rượu vang.

80% các sản phẩm chứa hơn 1.000 hóa chất khác nhau. Một số trong số chúng có tới 20.000 hóa chất”, Phó giáo sư Wagner cho biết.

Hầu như không thể theo dõi được tuyệt đối tất cả các tác hại có thể có của rất nhiều vật liệu nhựa sinh học khác nhau.

Ngay cả những sản phẩm tưởng như tương tự cũng có thành phần hóa học đặc biệt của riêng chúng. Túi ni lông làm bằng polyetylen sinh học có thể chứa các chất hoàn toàn khác với nút chai làm bằng chất liệu tương tự.

Phó giáo sư Wagner nói: “Vì thế, không thể đưa ra tuyên bố chung về tác hại của một số vật liệu nhựa sinh học”.

Các nhà khoa học cho rằng, hiện tại, hậu quả của điều này đối với môi trường và sức khỏe của người dân vẫn chưa chắc chắn. Chúng ta không biết các chất trong nhựa sinh học có thể truyền sang con người ở mức độ nào.

Chúng ta cũng không biết liệu các lựa chọn thay thế cho nhựa sinh học và nhựa thông thường có tốt hơn cho con người và môi trường xung quanh chúng ta hay không, vì có rất nhiều yếu tố tác động. Biết đâu, các giải pháp thay thế lại có thể gây ô nhiễm và hạn chế cơ hội tái chế hoặc sản xuất thực phẩm phải nhường chỗ để có được nguyên liệu cho các sản phẩm thay thế. Vì thế, các nhà khoa học đề xuất cần có những nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Sự thật 'phũ phàng' về nhựa sinh học. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới