Thứ tư, 24/04/2024 20:26 (GMT+7)
Thứ bảy, 02/01/2021 12:35 (GMT+7)

Sông Tô Lịch vẫn 'chết' sau bao nhiêu nỗ lực hồi sinh

Theo dõi KTMT trên

Nhưng năm qua, Hà Nội cũng như các cấp, ngành liên quan đã đưa ra nhiều giải pháp để xử lý ô nhiễm, hồi sinh sông Tô Lịch. Tuy nhiên cho đến nay, sông Tô Lịch vẫn là dòng sông ô nhiễm trầm trọng.

Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy), chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Theo ước tính, sông Tô Lịch chịu 150.000 m³ nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra dòng sông thông qua hơn 300 cống xả thải. Nước đen, bốc mùi hôi thối và lòng sông chỉ toàn rác và bùn lầy, sông Tô Lịch bị coi là dòng sông “chết” với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng.

Thực tế những năm qua, thành phố từng nhiều lần nghĩ tới việc cải tạo sông Tô Lịch. Cụ thể là khoảng năm 2000, sông Tô Lịch được nạo vét đáy, kè bờ với mục đích làm sạch và chống lấn chiếm. Nhớ trận lụt lịch sử năm 2008, sông Tô Lịch như được “hồi sinh” với dòng chảy cuồn cuộn, nước trong vắt chứ không lờ nhờ bốc mùi xú uế như ngày thường. Chứng kiến cảnh đó, nhiều người đã vui mừng vì tưởng dòng sông đã trở lại như xưa, nhưng chỉ được vài tuần nước sông lại đen ngòm trở lại. Dựa vào ý tưởng này, năm 2009, TP.Hà Nội từng có đề án bơm nước sông Hồng vào Hồ Tây, rồi đổ sang sông Tô Lịch để lưu thông dòng chảy…, song không khả thi nên dự án không thực hiện được.

Sông Tô Lịch vẫn 'chết' sau bao nhiêu nỗ lực hồi sinh - Ảnh 1
Từ ngày 18/5/2020 một hệ thống cống gom nước thải bên bờ sông Tô Lịch được khởi công.

Năm 2019, TP.Hà Nội cho phép một Công ty Cổ phần tập đoàn Nhật Việt (JVE) thí điểm phương án làm sạch nước sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor. Cuộc thí điểm có vẻ cũng đạt hiệu quả mong muốn, song lại dấy lên một cuộc tranh cãi khi có ý kiến cho rằng, việc khoanh vùng và xử lý một khu vực nhỏ chưa thể phản ánh mức độ thành công cho cả một con sông dài. Cũng trong năm 2019, sông Tô Lịch còn được thành phố xả hơn một triệu mét khối nước từ Hồ Tây vào, dẫn tới những ý kiến bất bình từ các chuyên gia Nhật Bản về việc lượng nước xả vào đã phá hỏng thử nghiệm dự án làm sạch bằng nano-bioreacter.

Năm 2020, rất nhiều các cuộc họp, hội nghị, hội thảo,… đã được tổ chức để mổ xẻ vấn đề, tìm ra những giải pháp tổng thể, căn cơ làm sạch và hồi sinh dòng sông này sao cho phù hợp với đặc thù và những giá trị văn hóa, lịch sử của nó. Điển hình, ngày 15/9/2020, Công ty Cổ phần tập đoàn Nhật Việt (JVE) lại một lần nữa gửi công văn tới Thành ủy, UBND TP.Hà Nội về việc đề xuất “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch” hoàn toàn miễn phí. Hay việc, ngày 18/5/2020 một hệ thống cống gom nước thải ở thải bên bờ sông Tô Lịch được khởi công với mục đích đưa hàng trăm nghìn mét khối nước thải về nhà máy Yên Xá để xử lý nhằm chặn nguồn nước thải đổ trực tiếp vào dòng sông này… 

Nhìn lại để thấy, cải tạo sông Tô Lịch là một mong muốn, khát vọng của không ít những người yêu Hà Nội. Vì thế, dù đề xuất lần này có những nội dung cụ thể hơn, song vẫn không tránh khỏi những băn khoăn, lo ngại. Điều này là hợp lý, bởi bất kỳ ý tưởng nào đưa ra dù có khả thi đến mấy cũng đòi hỏi một sự thận trọng nhất định. Một phần để những đề án này không nằm im trên giấy, một phần để tránh lặp vết xe đổ như những dự án đã được triển khai nhưng dòng sông vẫn chưa được “hồi sinh”, mà đề án bổ cập nước sông Hồng vào Hồ Tây rồi đẩy sang sông Tô Lịch là một thí dụ.

GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam từng đánh giá, nhiều năm qua, chính quyền thành phố Hà Nội và các sở, ngành “rất bí và không biết làm thế nào” để giải quyết dứt điểm ô nhiễm sông Tô Lịch. Rất nhiều dự án làm sạch sông Tô Lịch được đưa vào thử nghiệm, áp dụng nhưng cho đến nay, chưa một dự án nào được đưa ra đánh giá xem tính khả thi đến đâu, vướng mắc chỗ nào, vì sao chưa thành công. Cũng chính vì sự “rất bí” trước ô nhiễm nghiêm trọng của sông Tô Lịch, vào giữa năm 2019, đã có đề xuất “cống hóa” sông Tô Lịch theo mô hình từng thực hiện ở một số đoạn sông khác trong thành phố: phủ lớp lát bê tông lên bề mặt bên trên để tạo đường giao thông, đồng thời biến sông thành những con mương ngầm.

Sông Tô Lịch đã tồn tại hàng nghìn năm, gắn liền với nhiều câu chuyện lịch sử, văn hóa của thủ đô, nên ứng xử với dòng sông này phải hết sức thận trọng, không thể đổ bê tông “đè” lên lịch sử. Tuy nhiên, cần nhìn nhận đúng thực trạng mới mong cải tạo được sông Tô Lịch. Trước khi nghĩ đến chuyện hồi sinh Tô Lịch trở lại thành con sông trong xanh, Hà Nội nên tập trung giải quyết Tô Lịch với đối tượng là một mương nước thải. Phải giải quyết được các vấn đề như thu gom nước thải, xử lý triệt để nguồn gây ra mùi hôi thối, xử lý tầng bùn đáy, xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông, có giải pháp thoát nước chống ngập khi mưa bão… Chỉ khi xử lý dứt điểm được vấn đề ô nhiễm của con sông chúng ta mới có thể tính đến chuyện khác.

Đã có nhiều bài học về phát triển tương tự ở các thành phố lớn trên thế giới, sông Thames của London (Anh), sông Singapore của quốc đảo Sư tử, sông Hàn ở Seoul (Hàn Quốc) cũng từng ô nhiễm nặng nề, nhưng từ 50 năm hay gần nhất cũng 30 năm trước, các thành phố trên đã thay đổi chính sách, hành vi, hồi sinh các dòng sông một cách kỳ diệu. Có những nước đã có những bước đi sai lầm về cống hóa các dòng chảy, sau đó họ phải lấy lại các dòng chảy bằng mọi cách khi nhận thấy lợi ích mà các dòng chảy mang lại trong các khu đô thị. Hà Nội cũng không phải là ngoại lệ, nếu các dòng chảy trong Hà Nội không tạo nên lợi thế về giao thông thủy thì cũng giúp cân bằng môi trường sống. Nguyên tắc của con sông là phải luôn có dòng chảy. Do đó, việc tạo dòng chảy kết hợp chặt chẽ với việc ngăn chặn nguồn thải chảy xuống sông sẽ là giải pháp quan trọng để “hồi sinh” sông Tô Lịch.

Theo các chuyên gia, muốn giải quyết triệt để phải xử lý tận gốc nguồn nước thải, cần làm theo 4 bước: Trước hết gom nước thải sinh hoạt theo đường đi riêng vào các nhà máy xử lý để làm sạch mới cho ra sông, tiếp đến là dùng công nghệ xử lý ban đầu lòng sông, thứ 3 là tạo ra dòng chảy thường xuyên và bước cuối cùng là tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của người dân để giữ gìn môi trường bằng cách không xả chất thải ra sông Tô Lịch nữa.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Sông Tô Lịch vẫn 'chết' sau bao nhiêu nỗ lực hồi sinh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới