Thứ bảy, 23/11/2024 11:49 (GMT+7)
    Thứ hai, 07/12/2020 13:50 (GMT+7)

    Lát đá vỉa hè - phải thể hiện được yếu tố lịch sử, văn hoá

    Theo dõi KTMT trên

    Vỉa hè “đào lên đào xuống”, chưa lát đã hỏng khiến cho những công trình này mất đi dấu tích lịch sử của thành phố nghìn năm tuổi. Vậy phải làm thế nào để phát triển nhưng phải hài hòa và giữ được nét đặc trưng văn hóa, lịch sử của từng tuyến phố?

    Hà Nội giờ tan tầm, không hiếm trường hợp người đi xe máy trèo cả lên vỉa hè, luồn lách... Trên các hè phố lớn, ô tô cũng “được phép” đỗ trên vỉa hè. Đây là một trong những lý do khiến vỉa hè mới lát xong đã hỏng. Tuy nhiên, còn có nhiều lý do khác mà người dân cho rằng, khi quyết định “thay áo” hàng loạt các tuyến phố, Hà Nội đã không xem xét đến yếu tố đặc trưng của từng tuyến phố nên chuyện “đào lên, đào xuống” diễn ra như cơm bữa thời gian qua.

    Ông Nguyễn Ngọc Hiền ở quận Hoàn Kiếm và ông Nguyễn Thế Hùng, ở quận Hai Bà Trưng Hà Nội bày tỏ: “Bây giờ đi đường nào cũng đi được, đều đẹp, đều thuận lợi, trước kia đi phải tránh chỗ mấp mô, vỡ lở. Bờ Hồ thay lần thứ 3, thứ 4 rồi, nhưng lần này cảm thấy mĩ mãn, gạch đi chắc chắn, bám chân, Bờ Hồ được thiết kế lại đẹp, không như hồi xưa. Đợt này lát có lẽ là lâu dài, bền vững. Không nhất thiết phải dùng đồng bộ hết, tùy mức độ sử dụng, mức độ bền của vật liệu”.  

    Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư TP.Hà Nội, câu chuyện lát đá vỉa hè ở Hà Nội đã được đặt ra từ lâu, những vấn đề bất cập liên quan đến lát đá tự nhiên trên nhiều tuyến phố đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia khoa học, Hội Kiến trúc sư.

    Lát đá vỉa hè - phải thể hiện được yếu tố lịch sử, văn hoá - Ảnh 1
    Vỉa hè “đào lên đào xuống”, chưa lát đã hỏng khiến cho những công trình này mất đi dấu tích lịch sử của thành phố nghìn năm tuổi.

    Trong số hơn 1.000 tuyến phố tại Hà Nội, mỗi tuyến phố có một đặc trưng riêng, có tuyến phố thể hiện diện mạo mới hiện đại của Thủ đô nhưng cũng có tuyến phố cổ gắn với địa danh lịch sử. Vì vậy, lát vật liệu nào cần gắn với hạ tầng kỹ thuật, mật độ dân cư đi lại. Vật liệu lát các tuyến phố phải đảm bảo phù hợp và được người dân tán thành, phải nghiên cứu phân loại các tuyến phố để chỉ định được các loại vật liệu thích hợp, chứ không phải áp đặt một loại vật liệu duy nhất cho các tuyến phố.

    “Thực tế khu phố cổ đã thử lát đá đầu tiên. Tôi có rất nhiều ảnh chụp, lát đá xong lại cậy lên làm điện ngầm, cáp ngầm… Chúng ta phải thấy rằng, cần coi đô thị là một hệ thống, thành phố làm gì mà dùng tiền của người dân thì phải lấy con người làm trung tâm chứ không phải lấy vật chất, lấy cái lòe loẹt hào nhoáng làm trung tâm, phải làm cho con người có chất lượng cuộc sống tốt hơn chứ không phải vì độ bền 70 năm, 80 năm. Hay là tiêu tiền dự án một cách tùy tiện để ưu tiên hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng. Những điều đó là chủ quan và thiếu nhân tính trong cách hành xử, trong cách tiếp cận những nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng đời sống”, ông Trần Huy Ánh cho hay.

    Không nên đồng loạt lát đá vỉa hè vẫn là mong muốn của không chỉ kiến trúc sư Trần Huy Ánh mà của nhiều người dân Hà Nội. Bởi việc đồng loạt xới tung trên diện rộng để lát lại đá tự nhiên với mục đích chỉnh trang vỉa hè là không phù hợp.

    “Bản chất đá đã có nhiều bất lợi như tàn phá thiên nhiên. Ngoài ra, vỉa hè cũng phải thường xuyên duy tu và sửa chữa, rất công phu, tốn kém, thiếu hạ tầng bảo vệ đá. Như vậy thể hiện suy nghĩ chưa thấu đáo, chưa đồng bộ. Ý kiến của người dân cũng có cơ sở, những tác động khiến đá vỡ là chuyện bình thường, nên nếu muốn bền thì phải bảo vệ nó, phải có những hàng cọc để ngăn chặn việc đi xe máy hay ô tô đỗ trên vỉa hè”, kiến trúc sư Trần Huy Ánh nói.

    Lát đá vỉa hè - phải thể hiện được yếu tố lịch sử, văn hoá - Ảnh 2
    Lát đá vỉa hè phải thể hiện được yếu tố lịch sử, văn hoá.

    Theo bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, lát đá vỉa hè bền vững theo thời gian là bài toán kinh tế văn hóa và khả năng quản trị của chính quyền đô thị. Về văn hóa ứng xử, việc lát đá vỉa hè phải đồng bộ với nếp sống mới của người dân Thủ đô. Vỉa hè nên được trả lại đúng chức năng phục vụ người đi bộ, chứ không phải để buôn bán. Đối với những nhà mặt phố được hưởng lợi ở vỉa hè phải có trách nhiệm giữ gìn, thực hiện đúng theo quy định, quy chế riêng của thành phố khi sử dụng vỉa hè làm dịch vụ buôn bán.

    Bà Bùi Thị An nêu ý kiến: “Trước khi Sở Xây dựng tiến hành thì đề nghị Sở Văn hóa phải vào cuộc, phải nghiên cứu kỹ xem màu sắc nào phù hợp với từng tuyến phố, phố Trần Phú nên lát đá gì, Điện Biên Phủ, Phan Đình Phùng nên lát loại gì…, phải nghiên cứu kỹ trước khi thi công. Tôi nghĩ làm một lần hơn là làm nhiều lần, cứ lát xong lại đào lên mất cả thẩm mỹ, ảnh hưởng đến giao thông. Cho nên tôi đề nghị đồng chí Chủ tịch thành phố mới cho rà soát lại toàn bộ và cho nghiên cứu việc này. Vừa rồi thấy hiện trạng như vậy và người dân phản ánh không đẹp, không đảm bảo thẩm mỹ, không thể hiện được tính cổ kính, truyền thống kết hợp hiện đại. Cho nên phải nghiên cứu kỹ, đừng vội vàng để gây lãng phí”.

    Chủ trương “mặc áo mới” cho vỉa hè nói riêng và bộ mặt đô thị nói chung là chủ trương tốt. Tuy nhiên, để việc lát đá vỉa hè không chỉ cần độ bền của gạch lát mà phải phù hợp với đặc trưng của từng tuyến phố, phát huy được cả giá trị thẩm mỹ và giá trị văn hóa, lịch sử, nhận được sự hài lòng của người dân. Tiến trình bảo tồn không chỉ đòi hỏi sự chuẩn mực, khôn ngoan đối với công trình, mà còn cả trách nhiệm về văn hóa và lịch sử cho chính cộng đồng hưởng thụ công trình đó.

    Kim Thanh

    Bạn đang đọc bài viết Lát đá vỉa hè - phải thể hiện được yếu tố lịch sử, văn hoá. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới