Thứ bảy, 23/11/2024 05:22 (GMT+7)
Chủ nhật, 26/01/2020 08:30 (GMT+7)

'Sói biển' cứu nạn kể chuyện về những lần 'ngược sóng'

Theo dõi KTMT trên

Chỉ khi quyết định rời con tàu viễn dương bôn ba nay đây mai đó để trở về làm trên tàu cứu nạn, anh Nguyễn Mạnh Dũng mới được kết nạp Đảng. 15 năm qua, tàu Sar 411 là nơi anh vừa là thuyền trưởng, vừa là tổ trưởng tổ đảng gồm sáu đảng viên, vừa được mệnh danh là “Sói biển”, thủ lĩnh một đội quân dạn dày kinh nghiệm xông pha cứu nạn giữa dông bão.

'Sói biển' cứu nạn kể chuyện về những lần 'ngược sóng' - Ảnh 1
Thuyền trưởng tàu Sar 411 Nguyễn Mạnh Dũng.

“Sói biển” của vịnh Bắc Bộ

Trong số tám vị thuyền trưởng của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, anh Nguyễn Mạnh Dũng được coi là một “Sói biển” can trường với kinh nghiệm 15 năm làm nghề cứu nạn.

Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam Vũ Việt Hùng kể, để liều mình vượt bão, lực lượng cứu nạn có những thuyền trưởng quả cảm, là những “Sói biển”. Để trở thành "Sói biển", người thuyền trưởng phải hội đủ các điều kiện: phải đủ sức khỏe, có chuyên môn tốt, có lòng gan dạ, có bản lĩnh và đặc biệt phải có tính chủ động, linh hoạt cao.

“Giữa biển khơi mênh mông, trong tích tắc thời gian đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, người “Sói biển” phải có những quyết định nhanh chóng, kịp thời để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người cứu nạn và người bị nạn. Người “Sói biển” phải luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, xông pha vào các điểm nóng, qua đó quy tụ, phát huy sức mạnh của toàn tổ đội cứu nạn. Trong hầu hết các vụ tai nạn, các nạn nhân thường rơi vào tình trạng hoảng loạn, “Sói biển” phải có khả năng động viên, an ủi, phục hồi sức khỏe cho họ nhanh chóng vượt qua sự sợ hãi và phối hợp với lực lượng cứu nạn”, anh Hùng nói.

Cũng như rất nhiều các thuyền trưởng kỳ cựu của các tàu Sar thời kỳ đầu, anh Dũng nhận vị trí Đại phó Sar 411 khi đang là một thuyền viên trên những con tàu quốc tế, lênh đênh trên biển cả tháng trời.

'Sói biển' cứu nạn kể chuyện về những lần 'ngược sóng' - Ảnh 2

Gần 10 năm đi hết các con tàu vận tải lớn, đi khắp các nước trên thế giới, anh Dũng ngấm hơn giá trị của quê hương, của gia đình khi những đứa trẻ lớn lên không thể thiếu vắng sự đồng hành của bố. Bước ra khỏi cổng trường Đại học Hàng hải năm 1994, đúng 10 năm sau, anh quyết định về Việt Nam và chọn tàu Sar để tiếp tục vẫn bám biển. “Những ngày đầu, Trung tâm đặt ra yêu cầu tuyển dụng phải là những người đã có kinh nghiệm trên các tàu lớn, đặc biệt, vị trí thuyền trưởng yêu cầu phải “ngoại hạng”, anh Dũng kể.

Cũng không khó khăn gì để anh chinh phục được vị trí Đại phó lúc đó, bắt đầu làm quen với một nghề khác hoàn toàn với công việc mưu sinh trước đây. Sự khác biệt thời điểm đó, cũng là cả một thách thức. Đầu tiên là lương tụt thảm, từ 1.400 USD/tháng, anh chỉ cầm vẻn vẹn có bốn triệu đồng về cho gia đình. Từ việc đứng trên một tàu vận tải lớn, độ an toàn cao, trú tránh khi bão tố đến thì ở tàu Sar, những điều đó dường như ngược lại. Nhân lực trên tàu xáo trộn, nhiều anh em nghỉ việc, bỏ Sar lại ra biển lênh đênh trên các tàu hàng hải quốc tế. “Cứ làm đã rồi tính tiếp, miễn là đổi điều kiện gần gia đình”, anh Dũng tự nhủ.

Và rồi những năm tháng tôi luyện, học tập ở những tàu nước ngoài, phản xạ công việc tinh tường đã giúp anh trở thành một người “cầm cương” Sar 411 vững vàng trong dông bão. Anh vừa là người anh em, người bạn, vừa là một phiên dịch viên giúp cho công tác cứu nạn thuyền viên trong nước và quốc tế được suôn sẻ.

“Mặc dù ăn ở sinh hoạt cùng nhau nhưng để quý mến nhau phải là công việc trên hết”, anh Dũng nói thêm. “Người nào chưa đủ kinh nghiệm còn thiếu sót thì với vai trò thuyền trưởng, anh sẽ phải thường xuyên đào tạo qua kiểm tra để giúp các em hoàn thành tốt công việc”.

'Sói biển' cứu nạn kể chuyện về những lần 'ngược sóng' - Ảnh 3
Những chuyến đi cứu nạn xuyên đêm.

Về tàu năm 2004, ba năm sau anh được kết nạp Đảng. Tàu Sar 411 có 6 đảng viên/20 chiến sĩ và đều hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, không để lại sai sót gì từ công việc đến quy trình, quy chế của trung tâm. Trong mắt các anh em của Sar 411, anh Dũng luôn nêu cao tinh thần hăng hái, nhiệt tình, mẫn cán, có tinh thần trách nhiệm cao và sáng tạo trong công việc, thực hiện nghiêm túc công tác hoạt động tàu, duy trì trực ca theo quy định, thực hiện duy tu bảo dưỡng trang thiết bị đúng quy trình kỹ thuật, khai thác, sử dụng các trang thiết bị đúng kỹ thuật, yêu cầu thuyền viên thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn trong lao động.

Những chuyến đi ngược sóng

Ngược các đoàn tàu cá xuôi về bờ, ngược biển động, sóng lớn giật cấp 6-7, ngược mọi sự bình an trước mắt… đó là những gì mà vị thuyền trưởng tàu Sar 411 đã vững vàng chèo lái con tàu cứu nạn để ứng cứu kịp thời những ngư dân đang vật lộn giữa biển khơi.

Cơn bão số 5 của năm 2007 đổ vào vùng biển Cửa Sót, Nghệ An. Sar 411 được lệnh tập trung về nơi thường trực tìm kiếm cứu nạn tại Cửa Hội, sông Lam. Khi tàu vừa yên vị, thì nhận được thông tin cứu nạn từ Biên phòng Cửa Sót. Một tàu cá có bốn ngư dân đang bị mắt kẹt, cách Cửa Sót 20 hải lý. Sóng to, gió lớn chặn mọi nỗ lực về bờ của con tàu cá.

'Sói biển' cứu nạn kể chuyện về những lần 'ngược sóng' - Ảnh 4
Sar 411 lai dắt tàu cá về bờ.

Sar 411 nhổ neo lao ra phía biển, đi ngược chiều với những tàu cá đang lũ lượt về Cửa Hội. “Gió to, sóng lớn đánh mù mịt trời đất. Trên boong lái, chúng tôi nhận được những cánh tay vẫy ngược của ngư dân như ngụ ý quay về bờ tránh bão. Nhưng chúng tôi không thể bỏ những ngư dân đang chờ đợi một phép màu ngoài kia”, anh Dũng nói. Một mình tàu Sar ngược sóng, vượt gió mịt mù hướng ra biển.

Sóng mỗi lúc một mạnh hơn, gió giật cấp 6-7, chùm những đợt sóng qua boong tàu. Phía bên kia, tàu cá bé xíu như chiếc lá giữa đại dương, chực lật nhào. “Chỉ sợ tàu Sar chồm lên sẽ nhấn chìm tàu cá. Ngư dân nhất quyết không chịu sang tàu Sar, không một ai chịu bỏ phương tiện kiếm sinh nhai là con tàu”, anh Dũng chia sẻ.

Bằng mọi nỗ lực, dây văng cũng tới được tàu cá. Vào gần tới Cửa Sót thì biển cạn, tàu Sar không thể cập cảng. Ngư dân vẫn không chịu bỏ tàu. Anh Dũng và đồng đội loay hoay trước nguy cơ nếu Sar tiếp tục tiến vào cảng có thể mắc cạn, nếu tháo dây, tàu cá sẽ không kịp về bờ khi bão đến. Tàu Sar buộc phải cắt dây hỗ trợ. Từ đó, con thuyền vừa may mắn thoát nạn lại tiếp tục may mắn đi về bờ an toàn, trước khi cơn bão số 6 ập tới. Sar xuyên đêm về tránh trú tại sông Lam sau 10 giờ vật lộn cứu tính mạng bốn ngư dân.

'Sói biển' cứu nạn kể chuyện về những lần 'ngược sóng' - Ảnh 5
Với sự chèo lái của thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng, Sar 411 vững vàng vượt qua dông bão, giúp đỡ ngư dân trên biển.

Anh Vũ Đức Dũng, thuyền viên cứu nạn tàu Sar 411 kể lại, thời điểm ấy nếu như không có sự nhanh nhạy của thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng, tính mạng của bốn thuyền viên kia e khó giữ được. Hai năm sau, trong một chuyến đi công tác tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở Hà Tĩnh, một ngư dân đã gặp được các chiến sĩ tàu Sar gửi lời cảm kích đã mang lại sự sinh tồn cho mình trước sự mong manh giữa biển khơi.

Trung bình mỗi năm, Sar 411 tham gia hơn 10 vụ cứu nạn. 15 năm qua, trải qua hơn 100 cuộc hải trình vượt sóng gió để cứu giúp ngư dân, anh Dũng đã có rất nhiều quyết định cân não trước những cơn sóng gió lên tới cấp 8-9 để thực hiện được những nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Mặc dù, phải bảo đảm an toàn cho tàu Sar trước mới thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, nhưng Sar 411 cũng từng phải chịu không ít tổn thất, gẫy lan can vì những va đập do sóng. Có lần, Sar 411 bị sóng đánh xô về tàu vận tải lớn, toàn bộ phía mặt boong sau bị thiệt hại, các thuyền viên chỉ có một tích tắc để thoát thân.

Trong một chuyến đi năm 2017, “Sói biển” Nguyễn Mạnh Dũng lại có một quyết định quyết liệt để tránh cho Sar bị mắc cạn. Đó là chuyến đi cứu tàu cá Kiên Giang tại khu vực biển Cửa Đáy, Nam Định bị phá nước. Tiếp cận tàu cá, Sar 411 có nguy cơ mắc cạn và đổ nhào. Bằng kinh nghiệm được tôi luyện nhiều năm, anh Dũng và các đồng đội tính toán lại tọa độ để thay đổi hướng lái, lách ra khỏi bãi sình.

Cũng như những chiến sĩ áo cam khác, anh Dũng coi tàu là biển cả, nhà là quê hương. Cuộc đời anh đã có 10 năm gắn bó với biển để mưu sinh. 15 năm sau đó, anh vẫn gắn bó với biển, nhưng ngoài mưu sinh, anh còn mang thêm một nhiệm vụ cao cả mà thiêng liêng, là người chỉ huy trực tiếp, là người chèo lái con tàu Sar vượt dông bão để giành giật lại tính mạng và thi thể của những ngư dân trên biển.

“Làm bạn với ngư dân trên biển” – đó là những câu chuyện mang đầy nước mắt hạnh phúc và bi thương. Mong ước kiếm một công việc “ổn định” để gần gia đình của anh Dũng, có lẽ chỉ là cơ hội để anh được tạt về, ghé qua, ăn vội trong những dịp biển lặng. Đổi lại, anh phải gánh trên vai nhiệm vụ nặng nề hơn của một “Sói biển”, một đảng viên được giao trọng trách làm thủ lĩnh một con tàu xông pha cứu người trong bão. Và những ngày cuối năm này, “Sói biển” đang được trở về với gia đình hiền hòa trong những phút hiếm hoi, để rồi lại sẵn sàng ra đi khi có lệnh.

Vì sự cống hiến lặng thầm ấy, “Sói biển” Nguyễn Mạnh Dũng cùng Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã trở thành tập thể duy nhất được mời tham gia cuộc Giao lưu điển hình tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác vào tháng 8/2018.

Hồng Vân-Bích Ngọc

Bạn đang đọc bài viết 'Sói biển' cứu nạn kể chuyện về những lần 'ngược sóng'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới