Thứ sáu, 29/03/2024 06:35 (GMT+7)
Thứ năm, 26/12/2019 16:00 (GMT+7)

Khi biến đổi khí hậu không còn là câu chuyện của tương lai

Theo dõi KTMT trên

Những hình thái thời tiết "chưa từng có tiền lệ" cùng những tác động tàn phá môi sinh cũng đã khiến con người nhận thức và hành động quyết liệt hơn để chống biến đổi khí hậu.

Khi biến đổi khí hậu không còn là câu chuyện của tương lai - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: ethailand).

"Tình trạng khẩn cấp về khí hậu" - từ điển tiếng Anh uy tín hàng đầu thế giới Oxford đã chọn đây là "Từ của năm 2019", khi biến đổi khí hậu không còn là mối nguy cơ, không còn là chuyện sẽ xảy ra trong tương lai, mà là những gì người dân trên toàn thế giới, cả nước phát triển lẫn nước nghèo, đã và đang phải hứng chịu từng ngày.

Những hình thái thời tiết "chưa từng có tiền lệ" cùng những tác động tàn phá môi sinh cũng đã khiến con người nhận thức và hành động quyết liệt hơn để chống biến đổi khí hậu.

Năm 2019, một trong 20 năm nóng nhất lịch sử, cũng phản ánh sức "nóng" của các phong trào bảo vệ Trái Đất, từ các mặt báo cho tới đường phố.

Tuy nhiên, đây cũng là năm chứng kiến những bước thụt lùi trong cuộc chiến ngăn nhiệt độ toàn cầu nóng lên khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong khi Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) lún sâu vào chia rẽ sâu sắc trong những nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Nói 2019 là năm của những thảm họa thiên nhiên không có gì là quá khi hầu hết các vùng trên toàn cầu đều trải qua những hình thái thời tiết đáng báo động nhất từ trước tới nay, như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo rằng loài người đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.

Những đợt cháy rừng có tàn phá khủng khiếp tại "lá phổi Xanh" Amazon hay Australia đều được cho là nghiêm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu.

Ít nhất 74.155 vụ cháy rừng đã xảy ra tại Brazil chỉ trong 8 tháng đầu năm, con số cao kỷ lục kể từ năm 2013.

Hơn một nửa trong số này lan rộng ở khu rừng nhiệt đới Amazon đã phát đi tín hiệu cảnh báo nguy cấp và là bằng chứng rõ ràng nhất về sức tàn phá do hoạt động của con người gây ra đối với thiên nhiên.

Biến đổi khí hậu khiến mùa cháy rừng năm 2019 tại Australia bắt đầu sớm hơn mọi năm và diễn biến khắc nghiệt hơn. Ít nhất 3 triệu ha rừng đã bị thiêu rụi trong vài tháng gần đây.

Khi biến đổi khí hậu không còn là câu chuyện của tương lai - Ảnh 2
Một nhân viên chữa cháy tại New South Wales. (Ảnh: Stuff.co.nz).

Chìm trong màn khói bụi ô nhiễm từ các đám cháy, thành phố Sydney phải ban bố cảnh báo y tế khẩn cấp. Hỏa hoạn nghiêm trọng hơn do tình trạng hạn hán kéo dài thời gian trước đó, lại càng như được "tiếp sức" khi diễn ra trong những ngày nóng nhất từ trước tới nay tại quốc gia này.

Thiên tai khắc nghiệt, dường như bởi mang theo sự tức giận của thiên nhiên, trút lên những chủ nhân của hành tinh. Nước Mỹ mở đầu năm 2019 với một đợt lốc xoáy vùng cực làm tê liệt toàn bộ khu vực Trung Tây và duyên hải phía Đông trong vài ngày.

Khi đó, hàng chục triệu người Mỹ đã trải qua một đợt lạnh giá sâu, nhiệt độ tương đương Bắc cực và có lúc còn rơi xuống -49 độ C.

Khoảng hai tháng sau, một trận "bom bão tuyết" với những đợt tuyết tan chảy nhanh đã nhấn chìm các vùng đất rộng lớn ở 9 bang thuộc vùng Đồng bằng Mỹ và Trung Tây trong ngập lụt, gây thiệt hại tới hàng trăm triệu USD.

Siêu bão Kenneth hồi tháng 4 san phẳng nhiều vùng ở Mozambique khiến hơn 40 người thiệt mạng và hàng chục nghìn nhà cửa tan biến.

Tuần đầu tiên của tháng 9, bão cấp 5 Dorian với sức gió lên tới 320km/h tấn công quần đảo Bahamas, khiến ít nhất 70 người thiệt mạng trong khi 250 người khác mất tích, tàn phá hàng nghìn nhà cửa và cơ sở sản xuất.

Đây là một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử trên biển Caribbe và là thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng nhất trong lịch sử quần đảo này.

Tháng 10, Nhật Bản "oằn mình" hứng chịu hậu quả của bão Hagabis. Cơn bão mạnh đã cướp đi sinh mạng của gần 40 người và khiến hơn 200 người mất tích.

Trong khi đó, các nước châu Á khác như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh, Hàn Quốc, Thái Lan, Sri Lanka và Philippines... đều hứng chịu các trận bão mạnh, khiến hàng chục người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người phải đi sơ tán và chịu thiệt hại hàng triệu USD.

Lũ lụt và hạn hán ở các quốc gia như Somalia và Cộng hòa dân chủ Congo, khiến hàng triệu người dân rơi vào cảnh đói ăn khi vụ mùa bị mất trắng. Những trận lụt lịch sử, mưa lớn chưa từng có tàn phá hàng triệu ngôi nhà, đẩy người dân vào cảnh "màn trời chiếu đất".

Các đợt thiên tai liên tiếp nối nhau, thảm họa chồng thảm họa, người dân tại các quốc gia này thậm chí không có thời gian để xây lại nhà cửa hay tìm kiếm nguồn thực phẩm khác.

Hồi tháng 5, Liên hợp quốc phải huy động nguồn quỹ hỗ trợ khắc phục hạn hán tại Somalia thì tới tháng 11, cơ quan này lại tiếp tục phải kêu gọi một đợt khác để khắc phục lũ lụt.

Không chỉ riêng Somaila, cả vùng Đông Phi trải qua tháng 10 với những ngày mưa tầm tã, khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng triệu người mất nhà cửa.

Tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất từ năm 1982 đã khiến hàng triệu người dân ở Nam Phi, Angola, Zambia... thiếu nước uống và thiếu lương thực.

Trong năm nay, các vụ lũ lụt, lở đất do mưa lớn gây ra đã tàn phá Ấn Độ, Nepal, Pakistan và Bangladesh, khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Ở châu Âu, tháng 7/2019 là tháng đáng nhớ trong ký ức người dân khi nhiều quốc gia tại châu lục này trải qua hình thái thời tiết "nóng như đổ lửa".

Nhiệt độ lên mức kỷ lục trên 45 độ C ở nhiều nước; Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan... liên tục ban hành báo động đỏ vì nắng nóng bất thường.

Nền nhiệt tăng cao khiến cháy rừng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha khó kiểm soát. Theo báo cáo của tổ chức World Weather Attribution, biến đổi khí hậu nhiều khả năng đã khiến cho mức tăng nhiệt độ cao hơn ít nhất gấp 5 lần so với trước đây.

Phía bên kia Đại Tây Dương, một đợt sóng nhiệt gây nắng nóng bất thường trên diện rộng thiêu đốt các khu vực Trung Tây, duyên hải phía Nam và Đông nước Mỹ khi nhiệt độ có lúc lên tới 37,8 độ C, cướp đi sinh mạng của hơn 20 người.

Tháng 7/2019 được ghi nhận là tháng nóng nhất trên Trái Đất trong 140 năm qua.

Những diễn biến trên đã thực sự làm thay đổi nhận thức của các công dân toàn cầu, từ đó thổi bùng phong trào đấu tranh chống biến đổi khí hậu.

Điển hình là chiến dịch mang tên "Thứ Sáu vì tương lai" do nữ sinh trẻ tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg khởi xướng, đã nhận được sự ủng hộ của hàng triệu người bạn trên toàn thế giới, với hàng trăm cuộc tuần hành hằng tuần ở khắp nơi, yêu cầu chính phủ các nước có hành động và kế hoạch khí hậu cụ thể.

Không chỉ một chiến dịch đơn lẻ, năm 2019 còn chứng kiến làn sóng tuần hành của phong trào "Extinction Rebellion" khởi phát từ Anh và sau đó lan rộng trên toàn thế giới.

Càng về cuối năm, các cuộc tuần hành càng được tổ chức nhiều hơn tại khắp nơi từ châu Âu đến châu Á, thúc ép hành động để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu.

Trước những bằng chứng không thể chối cãi và áp lực từ các phong trào, nhiều chính phủ cũng đã bắt đầu điều chỉnh chính sách dù còn chậm. Liên minh châu Âu (EU) và tổng cộng 66 quốc gia đã lên kế hoạch đạt mục tiêu triệt tiêu carbon trước năm 2050. Các thành phố London và Paris cũng đã ban bố các cơ chế khẩn cấp khí hậu và sinh thái chính thức.

Tuy nhiên, vẫn không ít quan ngại rằng những tiến triển trên có thể suy yếu khi các nền kinh tế đang phát triển vẫn cần tới nhiên liệu hóa thạch để thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng.

Nhiều nước có lượng khí phát thải lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Brazil "mập mờ" về việc thực hiện các cam kết về khí hậu trong ngắn hạn.

Ngày 4/11, chính quyền Tổng thống Donald Trump bắt đầu tiến trình chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đưa Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi thỏa thuận toàn cầu này.

Đây được cho là một bước thụt lùi không hề nhỏ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu bởi Mỹ từng là quốc gia phát thải nhiều nhất trong lịch sử.

Hội nghị COP 25 diễn ra từ 2/12-15/12 cũng đã kết thúc với một tuyên bố chung chung vì các bên tham gia không ngừng tranh cãi về trách nhiệm và cách phân chia gánh nặng tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Khi tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu đã trầm trọng tới "điểm không thể cứu vãn", chỉ có con người mới có khả năng cứu hành tinh, cũng là tự cứu chính mình. Năm 2020 được kỳ vọng sẽ là một năm của "sự thay đổi", của hành động thực chất vì khí hậu trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.

Bạn đang đọc bài viết Khi biến đổi khí hậu không còn là câu chuyện của tương lai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.
ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.