Thứ hai, 06/05/2024 16:06 (GMT+7)
Thứ ba, 22/08/2023 10:50 (GMT+7)

"Sốc" với phí tái chế, 14 hiệp hội gửi kiến nghị tới 9 bộ trưởng

Theo dõi KTMT trên

Mới đây,14 hiệp hội, gồm 13 hiệp hội ngành hàng trong nước và Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), vừa có thư kiến nghị gửi tới Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và 8 bộ trưởng khác phụ trách các lĩnh vực có liên quan.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, bắt đầu từ năm 2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì thải bỏ (EPR). Để thực hiện trách nhiệm này, doanh nghiệp được lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.

Các hiệp hội khẳng định hoàn toàn ủng hộ chính sách bảo vệ môi trường để hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, dự thảo định mức chi phí tái chế Fs vừa được Bộ TN-MT trình Thủ tướng Chính phủ ngày 27/7, mặc dù đã được điều chỉnh so với ban đầu, nhưng vẫn có nhiều định mức tái chế Fs cao bất hợp lý, gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp.

Cần tính toán lại công thức Fs

Cụ thể, tại dự thảo, một số định mức Fs cao hơn cả mức Fs trung bình của 14 nước Tây Âu - là các nước rất phát triển và có chi phí đắt đỏ, như Fs nhôm cao gấp 1,26 lần, Fs thủy tinh cao hơn 2,12 lần... Trong khi, chi phí tái chế của Việt Nam chỉ bằng 1/2-1/3 Tây Âu.

Các hiệp hội này cho rằng, nguyên nhân chính của dự thảo Fs cao bất hợp lý là do chưa áp dụng kinh tế tuần hoàn để tính Fs khi chưa trừ đi giá trị thu hồi được. Chẳng hạn, chỉ riêng 3 loại bao bì giấy, nhựa và kim loại, phí tái chế phải nộp ước tính là 6.127 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, hơn 50% phí tái chế phải nộp (khoảng 3.064 tỷ đồng/năm) là để hỗ trợ tái chế bao bì giá trị cao như bao bì kim loại, giấy carton…

Trong khi, các nhà tái chế chính thức (chuyên tái chế) đang có lãi lớn, riêng tái chế lon nhôm, ước tính thu lãi khoảng 700 tỷ đồng đến 1.286 tỷ đồng/năm. Tái chế bao bì sắt và giấy cũng đang có lãi lớn.

"Sốc" với phí tái chế, 14 hiệp hội gửi kiến nghị tới 9 bộ trưởng - Ảnh 1
14 hiệp hội, gồm 13 hiệp hội ngành hàng trong nước và Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), vừa có thư kiến nghị gửi tới Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và 8 bộ trưởng khác phụ trách các lĩnh vực có liên quan.

Bởi, công thức tính Fs như trong dự thảo là hoàn toàn bỏ qua yếu tố lợi nhuận của doanh nghiệp tái chế từ vật liệu tái chế, hay giá trị thu hồi của bao bì.

Cộng thêm nhiều ngàn tỷ đồng phí tái chế cho các loại bao bì, phương tiện giao thông, sản phẩm thải bỏ khác, đây là những khoản chi phí rất lớn, sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy giá sản phẩm tăng cao, đặc biệt là trong tình trạng kinh tế khó khăn như hiện nay.

Đề xuất điều chỉnh định mức

Từ những dẫn chứng trên, các hiệp hội đề xuất điều chỉnh định mức Fs hợp lý hơn.

Cụ thể, áp dụng hệ số 0,1 cho các vật liệu có giá trị vật liệu thu hồi được cao hơn nhiều chi phí tái chế, bao gồm: bao bì nhôm; sắt; bao bì giấy (hiện trong dự thảo, nhôm và giấy có hệ số 02; bao bì sắt là 0,4). Các vật liệu này cần điều chỉnh vì nhà tái chế chính thức đã có lãi lớn hàng nghìn tỷ khi chưa có EPR.

Ngoài ra, các hiệp hội cũng kiến nghị tháo gỡ bất cập trong triển khai thực hiện đóng góp tái chế (EPR) ở Việt Nam như:

Thay đổi cách nộp đóng góp tái chế từ tạm ứng trước vào đầu năm 2024 sang quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm (tức nộp vào 4/2025), giống với cách nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là nộp vào đầu kỳ sau.

Cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm cho cùng một loại bao bì, sản phẩm thải bỏ, thay vì bắt buộc chọn một trong hai hình thức trên...

Danh sách một số hiệp hội gửi thư đồng kiến nghị gồm: Hiệp hội Sữa Việt Nam; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam; Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Hiệp hội Nhựa Việt Nam; Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam; Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam...

Trước đó, trao đổi với báo chí, nhiều đại diện hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng ách tính toán định mức chi phí tái chế chất thải quá cao, chưa phù hợp với thực tế ở Việt Nam, cần tính toán lại cho hợp lý với từng sản phẩm, bao bì để khuyến khích các nhà sản xuất có trách nhiệm hơn trong việc thu gom, xử lý, tái chế.

Là đơn vị trực tiếp tham gia thu gom rác thải nhựa và tái chế, đại diện Công ty Green Future cho biết tổng chi phí thu gom, vận chuyển, tái chế mà công ty đang thực hiện khoảng 10.600 đồng/kg. Nếu so với chi phí mà dự thảo (7.350 - 7.450 đồng/kg) đưa ra, chi phí đề xuất của nhóm chuyên gia tư vấn và nhóm hiệp hội tái chế đều thấp hơn so với thực tế công ty đang làm.

"Chi phí cho hỗ trợ tái chế nhựa cứng đang từ 10.250 - 11.750 đồng/kg, trong khi nhựa bao bì mềm đang đầy rẫy, chất thành các núi rác ở vùng ven đô nhưng chỉ được hỗ trợ khoảng 7.400 đồng/kg. Việc hỗ trợ tái chế như vậy chưa thỏa đáng", vị này nói và đề nghị chi phí thu gom tái chế rác thải nhựa mềm không thể thấp hơn nhựa cứng (như PET, HDPE, LDPE, PVC) vì nhựa mềm thải ra nhiều và đang gây ô nhiễm môi trường.

Cũng theo các đại biểu, cần tính toán lại quãng đường vận chuyển từ nơi thu gom đến nhà máy bởi quy định 20km là quá ngắn, trừ khi địa phương nào cũng có nhà máy tái chế. Ngoài ra, cần đưa túi ni lông vào danh mục rác thải nhựa được hỗ trợ.

"Nếu không quan tâm tới lĩnh vực nhựa mềm, Việt Nam vẫn trở thành những núi rác về nhựa mềm và không thể giải quyết được bài toán về nhựa mềm khi FS ra đời", một đại biểu nói.

Ông Hoàng Trung Dũng, tổng giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP), cho biết mỗi năm Việt Nam có khoảng 600.000 tấn dầu nhớt được sử dụng. Trong quá trình sử dụng tiêu hao khoảng 10%, vậy còn 540.000 tấn thải bỏ đi đâu vẫn chưa có câu trả lời. Trong thực tế, Việt Nam chưa có nhà tái chế nào chuyên nghiệp và đúng theo yêu cầu tái chế dầu nhớt vì chi phí đầu tư rất lớn.

"Định mức phí tái chế FS trong dự thảo là 12.978 đồng/lít dầu nhớt, tôi thấy cực kỳ sốc. Nếu được áp dụng, các nhà máy sản xuất nhớt trong nước sẽ cộng vào chi phí sản xuất, giá bán sản phẩm tới người tiêu dùng sẽ tăng khủng khiếp, người tiêu dùng sẽ không chấp nhận" - ông Dũng chia sẻ và đề nghị trước mắt chỉ áp dụng ở mức 3.000 - 4.000 đồng/lít trong năm đầu tiên, rồi sau đó mới tăng dần.

Cần tính toán lại định mức phí tái chế

Ông Đậu Anh Tuấn, phó tổng thư ký VCCI, khẳng định các doanh nghiệp luôn ủng hộ Chính phủ trong việc bảo vệ môi trường cũng như thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đồng thời cam kết thực hiện một cách tốt nhất trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. "Vấn đề là cần tính toán định mức chi phí tái chế FS sao cho hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam", ông Tuấn nói.

Theo bà Vân Anh, cần lộ trình, phương thức triển khai yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm trong việc thu gom, xử lý, tái chế sản phẩm cần phù hợp, giảm khó khăn cho doanh nghiệp. Trong hai năm đầu (2024 và 2025), tập trung vào hướng dẫn thi hành, chưa áp dụng hình thức xử phạt bởi khảo sát nhanh đối với ngành đồ uống trong tháng 4-2023 cho thấy 70% số doanh nghiệp cho biết gặp từ khá nhiều cho đến rất nhiều khó khăn với tỉ lệ tái chế bắt buộc hiện nay.

"Cũng cần cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và đóng góp hỗ trợ tái chế cho một loại bao bì trong cùng năm thay vì bắt buộc chọn một trong hai hình thức" - bà Vân Anh kiến nghị.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết "Sốc" với phí tái chế, 14 hiệp hội gửi kiến nghị tới 9 bộ trưởng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Kiến nghị "lệnh cấm" tiền mặt khi mua bán vàng
Để siết quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, Tổng cục Thuế đã có kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng.