Thứ sáu, 22/11/2024 23:35 (GMT+7)
Thứ tư, 14/10/2020 11:50 (GMT+7)

Số người chết do bão lũ ở miền Trung tăng lên 36, bão số 7 đổ bộ vào đất liền

Theo dõi KTMT trên

Tính đến 23h ngày 13/10, số người chết do bão lũ ở miền Trung tăng lên 36 người, nhiều tỉnh đã đề xuất nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp.

Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về PCTT, tính đến 23h ngày 13/10, số người chết do bão lũ là 36 người (30 người do bị lũ cuốn; 03 thuyền viên trên biển, 3 người bị điện giật do dọn dẹp sau lũ, chưa đề cập đến các nạn nhân do sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 - địa phương đang xác minh).

Cụ thể: Quảng Bình 2 , Quảng Trị 10 (tăng 2), Thừa Thiên Huế 6 (tăng 1), Quảng Nam 9 (tăng 3), Đà Nẵng 3 (tăng 2), Quảng Ngãi 1, Gia Lai 1, ĐăkLăk 1, Lâm Đồng 1, Kon Tum 2.

Người mất tích: 12 người (8 người do lũ cuốn;4 thuyền viên trên biển), gồm: Quảng Trị 05, Thừa Thiên Huế 3 (tăng 2), Đà Nẵng 1 (giảm 02), Quảng Nam 2, Gia Lai 1). Về nhà ở: 585 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 135.731 nhà bị ngập.

Về giao thông: 137 điểm Quốc lộ, 14.737m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng (tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi); 19 điểm ngập (Quảng Bình 03; Thừa Thiên Huế 16). Ngành giao thông đã lập rào chắn, trực điều tiết giao thông và tổ chức khắc phục các sự cố. Hiện tình trạng ngập lụt, sạt lở còn gây ách tắc ở một số vị trí trên các tuyến giao thông chính như: Quốc lộ 1A, 49, 49B (Thừa Thiên Huế); đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Quốc lộ 9 (Quảng Trị); Quốc lộ 9B, Quốc lộ 15 (Quảng Bình). Tuyến đường sắt Hà Nội - Đông Hà chưa thông tuyến.

Số người chết do bão lũ ở miền Trung tăng lên 36, bão số 7 đổ bộ vào đất liền - Ảnh 1
Mưa bão đã khiến 135.731 ngôi nhà tại miền Trung bị ngập. (Ảnh: VGP)

Về nông nghiệp: 870ha lúa (tăng 278ha), 5.314ha hoa màu bị ngập, vùi lấp (tăng 1.726ha); 3.588ha thủy sản bị thiệt hại; 332.350 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi (tăng 176.060 con). Về giáo dục: 335 điểm trường bị ngập; 27 điểm trường bị hư hại.

Về tình hình sạt lở bờ biển: 26,3 km (Hà Tĩnh 7km, Quảng Bình 1,6km; Thừa Thiên Huế 10,6km, Đà Nẵng 2,05; Quảng Nam 5,0km).

Hiện nay, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia, gồm: 6.500 tấn gạo (Quảng Bình: 3.000; Quảng Trị 1.500; Thừa Thiên Huế 1.000; Quảng Nam 1.000); 5,5 tấn lương khô (Quảng Trị: 1,5; Thừa Thiên Huế: 2,0; Quảng Nam: 2,0); 20.000 thùng mỳ tôm (Thừa Thiên Huế:10.000; Quảng Nam: 10.000); các loại thuốc, hóa chất khử trùng và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã tổ chức họp chỉ đạo và có Công điện số 25/CĐ-TW hồi 22h ngày 13/10 gửi các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh và các Bộ, ngành liên quan để chủ động ứng phó với bão số 7.

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo đã tổ chức họp để tham mưu chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 7; có công văn số 434/VPTT hồi 13h30 ngày 10/10 gửi các tỉnh hạ du về việc đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ hồ Hòa Bình.

Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã có Công điện, văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành và các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 7; tổ chức cấm biển và chuẩn bị kế hoạch sơ tán dân khu vực ven biển và vùng trũng thấp; đôn đốc việc thu hoạch lúa đến kỳ thu hoạch.

Bão số 7 ngay trên biển Thái Bình - Nghệ An

Theo bản tin phát đi mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, hồi 10h, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An.

Đến 22h ngày 14/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 104,5 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam - Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-60km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 50km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào.

Vùng nguy hiểm do bão trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Vịnh Bắc Bộ, từ vĩ tuyến 17,5 đến vĩ tuyến 21,0 độ Vĩ Bắc. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh.

Gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng do bão vùng ven bờ: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; biển động rất mạnh. Sóng biển cao từ 2-4m. Khu vực ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa nước dâng do bão có thể cao 0,5m.

Gió mạnh trên đất liền: Ngày hôm nay (14/10), trên đất liền ven biển các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

Do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ nay đến ngày 16/10 ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, Nam Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 200-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt; các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh khoảng 50-150mm/đợt.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Số người chết do bão lũ ở miền Trung tăng lên 36, bão số 7 đổ bộ vào đất liền. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới