Thứ bảy, 20/04/2024 15:15 (GMT+7)
Thứ bảy, 09/01/2021 17:17 (GMT+7)

Sếu đầu đỏ không về Tràm Chim: Lời cảnh báo về môi trường

Theo dõi KTMT trên

Năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam không thấy sếu đầu đỏ bay về, trú lại tìm thức ăn. Giới khoa học quan sát và cho biết, chỉ có 7 con bay qua khu vực Phú Mỹ (Kiên Giang) mà không hề đậu lại.

Sếu đầu đỏ, loài chim đặc biệt quý hiếm có giá trị lớn trong văn hóa đời sống tinh thần của người dân Á Đông, được xem là chỉ thị môi trường thiên nhiên trong lành.

Vùng đất ngập nước ở Đồng bằng sông Cửu Long là Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) và Phú Mỹ (tỉnh Kiên Giang) là điểm lui tới trú ngụ thường xuyên của loài chim quý hiếm này từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Sếu đầu đỏ không về Tràm Chim: Lời cảnh báo về môi trường - Ảnh 1
Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) và Phú Mỹ (tỉnh Kiên Giang) là điểm lui tới trú ngụ thường xuyên của sếu đầu đỏ. (Ảnh: Internet)

Thế nhưng năm nay, lần đầu tiên nơi đây không thấy sếu đầu đỏ bay về, trú lại tìm thức ăn. Theo các nhà khoa học và giới nghiên cứu về môi sinh, đây là biểu hiện của tình trạng môi trường trong vùng bị xấu đi.

Theo thống kê của Trung tâm bảo tồn và hợp tác quốc tế thuộc VQG Tràm Chim, những năm 2014 - 2016 vẫn còn thấy sếu về, dù ít, từ 14-23 con mỗi năm thì năm 2017 đột ngột chỉ có 3 con. Năm 2018 họ đếm được 9 con, năm 2019 là 11 con. Trong cả năm 2020 không có con sếu nào về.

Sếu đầu đỏ ăn cả rễ, củ cây, côn trùng nhưng thức ăn chúng ưa thích nhất vẫn là củ năng kim mọc nhiều trên các đồng cỏ bàng. Mùa sếu đầu đỏ về là từ tháng 12 đến tháng 5 hàng năm, tháng 3 là thời điểm sếu về Việt Nam nhiều nhất. Năm 2020, sếu đã không về như trước nữa.

Ở Tràm Chim, nơi sếu đầu đỏ sống khoảng 6 tháng mỗi năm, xưa kia ít kênh rạch, phèn còn nhiều, nên bãi năng khi đó vài nghìn ha, là môi trường sống hoàn hảo. Những năm gần đây, người dân khai phá đất trồng lúa, diện tích cây năng giảm, hiện chỉ còn khoảng 300 ha. Ngoài ra, nước lũ về ít, làm giảm lượng thủy sản là thức ăn chính của chim.

Chia sẻ với báo Tuổi trẻ, Ths Nguyễn Hoài Bảo - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu đất ngập nước (thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM), cũng là một tình nguyện viên bảo tồn sếu tại Hội Sếu quốc tế cho biết, sự sụt giảm của đàn sếu ở Việt Nam và cả Campuchia cho thấy môi trường sinh thái tự nhiên đang bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là các vùng đất ngập nước tự nhiên và khu vực sản xuất nông nghiệp

Cụ thể, sinh cảnh sống của sếu bị tàn phá quá nhanh trong 10 năm gần đây, xảy ra ở cả 2 nước. Chẳng hạn ở phía Bắc Campuchia và Tây Nguyên Việt Nam, trước đây là những khu rừng khộp rộng lớn nơi sếu sinh sản, nay đã biến thành đồn điền cao su, đồng mía, rẫy điều… Khu vực đồng cỏ ngập nước quanh Biển Hồ khi trước là vùng đất hoang hoặc trồng lúa một vụ, nay hầu hết đang trồng lúa 2-3 vụ.

Đối với ĐBSCL, việc chuyển đổi đồng cỏ ngập nước tự nhiên thành đất nuôi trồng thủy sản hay trồng lúa và lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp đã làm phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái. Sếu gần như không còn cơ hội để tồn tại. Tại các khu bảo tồn, việc “trồng rừng” không phù hợp cũng dẫn đến sự biến mất của loài sếu ở Việt Nam.

Sếu đầu đỏ không về Tràm Chim: Lời cảnh báo về môi trường - Ảnh 2
VQG Tràm Chim đang bị đe dọa nghiêm trọng. 

Theo báo cáo của VQG Tràm Chim, hiện diện tích tự nhiên của vườn khoảng 7.300 ha với hơn 130 loài thực vật bậc cao, 231 loài thuộc hệ chim nước, 130 loài cá nước ngọt, 185 loài thực vật nổi, 93 loài động vật nổi, 90 loài động vật đáy…

Theo nhiều nhà khoa học, thời gian qua, tác động của biến đối khí hậu (BĐKH) đến đa dạng sinh học của VQG như lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, xói mòn, sụt lở đất… đã làm suy thoái đa dạng sinh học, tăng nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài động thực vật, biến mất các nguồn gien quý hiếm. Tác động của BĐKH cũng sẽ làm thay đổi chuỗi thức ăn của các loài thủy sản.

BĐKH có xu hướng làm nhiệt độ ngày càng tăng, gây ra hạn hán, nước cạn kiệt, dễ cháy trong mùa khô… Những tác động đó làm ảnh hưởng đến điều kiện sống của một số loài chim di cư, đặc biệt là sếu đầu đỏ. Năm 1998, lượng sếu đầu đỏ về VQG Tràm Chim là 1.052 con, đến năm 2017 còn 9 con, năm 2018 và đến tháng 2/2019 đều chỉ có 11 con.

TS Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng nguyên nhân chính ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của VQG là do thay đổi hệ sinh thái, khai thác quá mức, ô nhiễm, dịch bệnh, loài ngoại lai và BĐKH…

Lãnh đạo VQG Tràm Chim cho rằng để bảo tồn đa dạng sinh học của vườn, ngoài việc quản lý tốt mực nước tạo môi trường sống cho các thảm thực vật, các loài động vật, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sinh kế hợp lý cho người dân xung quanh khu vực VQG, qua đó cùng huy động lực lượng này trong nhiệm vụ bảo vệ đa dạng sinh học của khu Ramsar. VQG sẽ tăng cường việc bảo tồn đa dạng đàn sếu, trong đó có cải tạo lại bãi ăn, bãi nghỉ. Mặt khác, đơn vị này đang đề xuất UBND tỉnh thông qua đề án bảo tồn sếu.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Sếu đầu đỏ không về Tràm Chim: Lời cảnh báo về môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới