Sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỉ kWh năng lượng tái tạo trong năm 2021
Việt Nam đã và đang tiếp tục giảm công suất năng lượng điện tái tạo do vấn đề thừa nguồn. Thời gian tới phải tiếp tục cắt giảm thêm.
Tại hội nghị tổng kết của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) diễn ra ngày 12/1, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia cho biết, Việt Nam đã và đang tiếp tục giảm công suất năng lượng điện tái tạo do vấn đề thừa nguồn. Thời gian tới phải tiếp tục cắt giảm thêm.
Theo tính toán của cơ quan này, khoảng 1,3 tỉ kWh, trong đó hơn 500 triệu kWh sẽ cắt giảm do vấn đề thừa nguồn điện mặt trời vào các điểm trưa và quá tải đường dây 500 kV từ miền Trung ra Bắc. "Đây là khó khăn lớn nhất trong việc vận hành năm nay", ông Ninh nói.
Năm 2020, ông Ninh cho biết, ngành điện đã chứng kiến sự tăng trưởng đột biến của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời áp mái.
Theo đó, tháng 6 năm ngoái, sản lượng điện mặt trời áp mái từ 6.000 MWp đã lên 10.000 MWp. Trong đó, 1 tuần cuối của năm, con số ghi nhận thêm là 3.000 - 4.000 MWp. Trong năm 2020, cơ quan điều tiết phải giảm 365 triệu kWh điện mặt trời không khai thác được.
Theo phân tích của ông Ninh, số điện này do quá tải lưới nội vùng, chủ yếu là khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh miền Trung. Đến nửa cuối tháng 11/2020, do tăng trưởng nóng trang trại điện mặt trời và điện mặt trời áp mái, ngành điện phải thực hiện khoảng 20 lần cắt giảm số giờ do thừa nguồn, tổng sản lượng cắt giảm là 35 triệu kWh. Ngày 27/12 là ngày có công suất cắt giảm lớn nhất.
Theo ông, trong các giờ thấp điểm trưa không thể giảm các nguồn điện khác mà bắt buộc phải cắt nguồn năng lượng tái tạo. Nếu không tính theo công suất đặt năng lượng tái tạo ứng với giờ thấp điểm trưa, tỉ trọng điện mặt trời lên tới 50 - 60% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia, đặc biệt các ngày cuối tuần. Trước đó, báo cáo tổng kết của EVN đưa ra con số 25%.
Trong năm 2021, sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỉ KWh năng lượng tái tạo, trong đó có hơn 500 triệu do vấn đề thừa nguồn vào các thời điểm trưa, quá tải đường dây 500kw
Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia kiến nghị EVN phê duyệt phương thức phân bổ nghĩa vụ cắt giảm công suất điện mặt trời áp mái và điện mặt trời mặt đất. Đồng thời kiến nghị EVN có báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt nguyên tắc huy động nguồn năng lượng tái tạo khi hệ thống thừa nguồn hoặc quá tải lưới điện.
Chủ trì cuộc họp để thông báo với các chủ đầu tư năng lượng tái tạo các phát sinh cũng như giải pháp xử lý để phối hợp với EVN thực hiện việc giảm phát một cách công bằng, minh bạch cho đến khi xử lý dứt điểm vấn đề thừa nguồn cung và quá tải.
Phát triển hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo đang là nhu cầu cấp thiết với Việt Nam để đáp ứng nhu cầu cung cấp điện ngày càng tăng cao và góp phần bảo vệ môi trường.
Sau khi Thủ tướng ban hành cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, nhiều nhà đầu tư đã tích cực tham gia nghiên cứu và đề xuất đầu tư các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo.
Tính đến cuối tháng 8/2020, tổng công suất các nguồn điện gió và điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch gần 23.000 MW (trong đó, điện mặt trời khoảng 11.200 MW; điện gió khoảng 11.800 MW).
Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư điện mặt trời hòa lưới, kịp thời hưởng cơ chế ưu đãi của Chính phủ, EVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường tối đa nhân lực, kể cả làm thêm ngoài giờ và các ngày nghỉ lễ, cuối tuần để kịp thời hỗ trợ tối đa cho các chủ đầu tư triển khai công tác đấu nối lưới điện, kết nối hệ thống, thử nghiệm tấm pin năng lượng...
Nhờ vậy, đến nay, trên cả nước đã đưa vào vận hành được thêm 102 dự án điện mặt trời với tổng công suất 6.314 MWp (tương đương 5.245 MWac).
Tuy nhiên, theo EVN báo cáo, do các nguồn điện năng lượng tái tạo được đưa vào vận hành đồng loạt trong một thời gian rất ngắn, tập trung với mật độ lớn tại các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, nên xuất hiện tình trạng quá tải cục bộ lưới điện vào thời điểm các dự án điện mặt trời phát công suất cao đồng thời.
TS Nguyễn Duy Khiêm (Trường ĐH Quy Nhơn), người tham gia lắp đặt nhiều dự án điện mặt trời lớn, nhận định: Thách thức lớn nhất đối với việc phát triển năng lượng tái tạo hiện nay chính là hạ tầng truyền tải điện do trước đây không tính đến các loại năng lượng này. Về lý thuyết, thiếu cái gì thì bổ sung cái đó nhưng thực tế không hề đơn giản. Đường truyền tải điện xưa nay vẫn được coi là vùng cấm, độc quyền Nhà nước.
Mọi thủ tục đầu tư liên quan đều nhiêu khê, thời gian kéo dài. Ước tính, để làm thêm 1 đường dây truyền tải khoảng 20 km, EVN sẽ phải mất khoảng 5 - 6 năm nếu mọi thủ tục đều thuận lợi. Nghị quyết 55 mới được Bộ Chính trị ban hành tuy đã nói rất rõ là bỏ độc quyền, bỏ các rào cản bất hợp lý để xã hội hóa cho tư nhân đầu tư vào truyền tải nhưng để doanh nghiệp có thể tham gia vẫn còn nhiều khó khăn.
“Muốn nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng truyền tải điện, gỡ nút thắt cho điện gió, điện mặt trời, không còn cách nào khác ngoài việc khuyến khích doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia truyền tải điện. Doanh nghiệp chỉ đầu tư đường truyền tải, sau đó giao lại cho nhà nước quản lý, thu hồi vốn theo kiểu BOT nên không lo mất an toàn, an ninh năng lượng. Giống như giải bài toán hạ tầng, cấp phép cho xây dự án thì doanh nghiệp làm luôn đường, hoàn thiện hạ tầng, mới tránh khỏi tắc nghẽn”, vị này đề xuất.
Hà Linh