Sau 15 năm quy hoạch, dự án The Diamond Park vẫn là bãi đất trống (Bài 8)
Đã 4 năm trôi qua kể từ khi Thanh tra TP.Hà Nội chỉ ra các sai phạm, dự án The Diamond Park Mê Linh do Tập đoàn Videc làm chủ đầu tư vẫn là một bãi đất trống, nằm “bất động”.
Tháng 7/2008, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định số 2365 phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với Khu nhà ở cho người thu nhập thấp (The Diamond Park) do CTCP Tập đoàn VIDEC làm chủ đầu tư tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Tp.Hà Nội. Dự án có quy mô 144.490m2 và tổng số vốn đầu tư là 582 tỷ đồng.
Nhưng thực tế sau 15 năm, dự án đang trong tình trạng "đắp chiếu, phơi sương". Về hạ tầng kỹ thuật, dự án đã thi công cơ bản hoàn thành các hạng mục đường giao thông, san nền, trồng cây xanh, chiếu sáng, phân lô các ô đất nhà liền kề, biệt thự, ô đất xây dựng nhà thu nhập thấp.
Dự án được chia làm hai khu, khu 1 có diện tích 20.296 m2, khu 2 có diện tích 147.395 m2, gồm các hạng mục đất trường học, đất nhà ở chung cư – nhà ở xã hội, đất nhà ở liên kề, nhà ở biệt thự, đất cây xanh thể dục thể thao, đất giao thông. Quy mô dân số khoảng 4.577 người, trong đó khu 1 khoảng 1.678 người và khu 2 khoảng 2.899 người.
Liên quan đến lịch sử dự án, năm 2010, Videc ký hợp đồng hợp tác đầu tư với các cá nhân để xây dựng 6 biệt thự, 68 căn liền kề để bán, tổng giá trị hợp đồng hơn 86 tỷ đồng trên tổng diện tích quy hoạch đất là 144.490 m2 gồm nhiều hạng mục.
Ngày 11/11/2010, UBND TP.Hà Nội có Văn bản số 9189 chấp thuận kết quả rà soát theo đề nghị của Liên ngành báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện công tác rà soát, khớp nối 244 đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được Thủ tướng cho phép triển khai. Dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp nằm trong danh sách dự án tiếp tục được triển khai, nhưng phải điều chỉnh, khớp nối quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Ngày 15/3/2017, UBND thành phố đã có Quyết định số 1739 phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 , quy mô 16,78 ha (tăng hơn 2,33ha).
Trong đó, đất nhóm nhà ở có diện tích 67.389 m2, bao gồm đất nhà ở liền kề khoảng 22.68 8m2, đất biệt thự khoảng 27.686m2, đất nhà ở chung cư khoảng 17.015m2 dành để xây dựng nhà ở xã hội.
Ngày 16/7/2019, UBND TP.Hà Nội đã ban hành văn bản số 2468 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra toàn diện dự án The Diamond Park tại huyện Mê Linh do VIDEC làm chủ đầu tư và chỉ ra hàng loạt sai phạm của VIDEC cùng với đó là sai phạm của các sở ngành thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Đồng thời, UBND TP.Hà Nội đã yêu cầu VIDEC nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các sai phạm kể trên, tổ chức khắc phục sai phạm, chấp hành việc xử lý hành chính của các cơ quan nhà nước về đầu tư, xây dựng, kinh doanh, nghĩa vụ tài chính. Khẩn trương lập hồ sơ trình Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư theo đúng quy định.
Việc kiểm tra, rà soát xử lý các dự án phát triển đô thị tại Mê Linh theo chỉ đạo của Thủ tướng sẽ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở liên quan rút kinh nghiệm trong công tác kiểm tra, giám sát đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị xử lý vi phạm hành chính đối với các sai phạm của chủ đầu tư.
Sau khi chủ đầu tư khắc phục sai phạm, đánh giá năng lực chủ đầu tư, tổ chức thẩm định chủ trương đầu tư theo quy định. UBND huyện Mê Linh nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra sai phạm, tồn tại trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tại dự án.
Ngoài ra, để đồng bộ trong việc xử lý, khắc phục vi phạm tại dự án, UBND Thành phố đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc rà soát thủ tục đầu tư xây dựng của dự án theo quy định (trước ngày 1/8/2008), xử lý theo thẩm quyền.
Mới đây, theo báo cáo của Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.Hà Nội về việc kiểm tra, rà soát việc thực hiện 64 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh thì dự án The Diamond Park thuộc nhóm II.
Luật sư Hà Huy Phong – Phó Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam), Giám đốc Điều hành Công ty Luật Inteco cho rằng, dự án chậm tiến độ, dự án treo gây lãng phí lớn về tài chính của chính chủ đầu tư, thị trường, người tiêu dùng và của cả ngân sách Nhà nước; làm méo mó hình ảnh về môi trường đầu tư và niềm tin vào hệ thống pháp luật, khả năng thực thi pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Việc dự án bị chậm tiến độ cũng phần nào phản ánh thực trạng lập pháp và hành pháp của chúng ta. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhưng chưa phù hợp với thực tiễn, chưa thực sự đi vào cuộc sống, còn là lực kháng trở đối với nhu cầu tự nhiên của nền kinh tế thị trường và xã hội. Nhìn tổng quan, đó là thứ mà chúng ta đang rất yếu.
Để một dự án tồn tại trên thị trường, phải qua rất nhiều cửa ải pháp luật, không chỉ liên quan đến quy định về đất đai, về đầu tư, về phòng cháy chữa cháy, về xây dựng và thuế, tài chính. Đã có nhiều hội thảo, bài báo, công trình nghiên cứu chắt lọc ra những chồng chéo, mâu thuẫn và bất cập về pháp luật trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản; nhưng thị trường nhìn nhận đơn giản và trực quan hơn, đó là hiện tượng dự án bị chậm tiến độ.
Bên cạnh đó, vấn đề triển khai thực hiện các quy định pháp luật vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, bao gồm cả cải cách hành chính, năng lực làm việc của công chức Nhà nước và ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Tất cả những vấn đề này có sự cộng hưởng với nhau để tạo nên những dự án treo, chậm tiến độ.
Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!
Nhóm PV