Thứ bảy, 27/04/2024 12:27 (GMT+7)
Thứ ba, 10/01/2023 09:45 (GMT+7)

Sạt lở nghiêm trọng bờ hữu sông Hồng, Hà Nội công bố tình trạng khẩn cấp

Theo dõi KTMT trên

Sạt lở có xu hướng tiếp tục phát triển và nguy cơ đe dọa trực tiếp tới an toàn tính mạng, tài sản của khoảng 30 hộ dân sinh sống ở quận Hoàn Kiếm. Do đó, UBND TP.Hà Nội ban hành lệnh khẩn cấp xây dựng công trình khắc phục tình trạng trên.

Trước nguy cơ sạt lở bờ hữu sông Hồng đe dọa an toàn của 30 hộ dân sinh sống ở quận Hoàn Kiếm, UBND TP.Hà Nội ban hành lệnh khẩn cấp xây dựng công trình khắc phục tình trạng trên.

Theo đó, bờ hữu sông Hồng đoạn tương ứng từ K67+300 đến K67+870 đê hữu Hồng, thuộc phường Chương Dương trong phạm vi khoảng 500 m, bờ sông xuất hiện nhiều vị trí sạt lở, dốc đứng. Sạt lở đã gây lún nền, nứt tường, nghiêng công trình nhà dân.

“Sạt lở có xu hướng tiếp tục phát triển và nguy cơ đe dọa trực tiếp tới an toàn tính mạng, tài sản của khoảng 30 hộ dân sinh sống sát bờ sông”, theo UBND TP.Hà Nội.

Sạt lở nghiêm trọng bờ hữu sông Hồng, Hà Nội công bố tình trạng khẩn cấp - Ảnh 1
Bờ hữu sông Hồng sạt lở nghiêm trọng đe dọa an toàn của 30 hộ dân sinh sống ở quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội. (Ảnh: Internet)

Trước tình trạng trên, thành phố yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm vận động, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn; tập trung triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân trong tình huống thiên tai. Đồng thời, địa phương phải cảnh báo, giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm.

Đơn vị chức năng được yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm an toàn đối với nhà cửa, công trình công cộng và cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng theo phương châm 4 tại chỗ; kiểm tra, phát hiện, đánh giá và xử lý sự cố công trình phòng chống thiên tai.

Sở NN&PTNT Hà Nội được giao tổ chức chỉ đạo thực hiện ngay việc khoanh vùng phạm vi có nguy cơ sạt lở; thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình diễn biến sạt lở và tiến độ khắc phục sự cố; phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm trong việc theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; thực hiện biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế cao nhất sự phát triển của các cung sạt; thông báo rộng rãi tình huống khẩn cấp nói trên.

Thành phố cũng ban hành lệnh khẩn cấp xây dựng công trình để khắc phục tình trạng lún, sụt, sạt lở bờ hữu sông Hồng, đoạn tương ứng từ K67+300 đến K67+870 đê hữu Hồng. Sở NN&PTNT được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình nhằm ngăn chặn, khắc phục tình trạng sạt lở, giữ ổn định bờ sông; đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Cụ thể, thành phố sẽ chi khoảng 60 tỷ từ ngân sách thành phố để làm kè hộ chân, gia cố bờ sông tại các vị trí sạt lở qua khu dân cư sinh sống tập trung, tổng chiều dài tương ứng khoảng 500 mét, yêu cầu thi công hoàn thành trước ngày 30/6/2023.

Trước đó, vào cuối tháng 10/2022, UBND TP.Hà Nội cũng công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ hữu sông Hồng trên địa bàn xã Thái Hòa, huyện Ba Vì và ban hành lệnh khẩn cấp xây dựng công trình để ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ sông.

Tháng 8/2022, UBND TP.Hà Nội vừa có các quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở một số vị trí đê tả Đuống, đê hữu Hồng, đê tả Cà Lồ và ban hành các Lệnh khẩn cấp xây dựng công trình khắc phục các vị trí đang sạt lở.

Cụ thể, công bố tình huống khẩn cấp sạt lở mái hạ lưu đê tả Đuống tương ứng từ K1+050 đến K1+450, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh; bờ tả sông Đuống tương ứng từ K12+540 đến K13+000 đê tả Đuống, huyện Gia Lâm và kè Xâm Thị tương ứng từ K86+389 đến K87+500 đê hữu Hồng, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín.

Để khắc phục sự cố trên, đại diện UBND TP.Hà Nội đã ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp. Đơn vị quản lý, thực hiện xây dựng công trình là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội, dự kiến chi phí đầu tư khoảng 10 tỷ đồng, hoàn thành dự án trong năm 2023.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Sạt lở nghiêm trọng bờ hữu sông Hồng, Hà Nội công bố tình trạng khẩn cấp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới