Hà Nội xây dựng kế hoạch khắc phục khẩn cấp sạt lở ven sông Hồng
UBND TP.Hà Nội giao Sở NN&PTNT quản lý và thực hiện xây dựng 2 công trình xử lý khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở kè Linh Chiểu, kè Phương Độ và kè Cẩm Đình. Tổng mức đầu tư là 145 tỷ đồng; dự kiến hoàn thành thi công trước 30/6/2023.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian qua tại khu vực kè Linh Chiểu, tương ứng từ K31+980 đến K32+215 đê hữu Hồng xuất hiện một số cung sạt; mỗi cung sạt dài từ 3-10m, rộng 0,5-1,0m; tạo vách đứng từ -2m.
Hiện trạng toàn bộ lăng thể đá hộ chân mái bờ sông (kè Linh Chiểu) đã bị dòng chảy cuốn trôi rất nhiều, một số vị trí không còn đỉnh cơ kè. Khu vực này tuyến kè gần chân đê thượng lưu tuyến đê hữu Hồng (đê cấp I).
Các vị trí sạt lở có xu hướng tiếp tục phát triển, mở rộng đặc biệt là trong mùa mưa bão do dòng chảy trên sông đang có xu hướng áp sát bờ sông, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định công trình đê điều.
Đối với kè Phương Độ, đoạn tương ứng từ K34+800 đến K35+500 hê hữu Hồng đang xuất hiện một số cung sạt, mỗi cung sạt dài từ 10m đến 30m; cung sạt rộng từ 1,5m đến 2m, tạo vách đứng từ 1m đến 4m.
Hiện trạng phần lăng thể đá hộ chân mái bờ sông (kè Phương Độ) đã bị dòng chảy cuốn trôi rất nhiều, một số vị trí không còn đỉnh cơ kè. Bờ sông khu vực bảo vệ của tuyến kè có khoảng 15 hộ sinh sống. Các vị trí sạt lở có xu hướng tiếp tục phát triển, mở rộng đặc biệt là trong mùa mưa bão do dòng chảy trên sông đang có xu hướng áp sát bờ sông, đe doạ an toàn đến tính mạng và tài sản của các hộ dân sinh sống ven sông.
Nghiêm trọng nhất là kè Cẩm Đình, đoạn tương ứng K0+200 đến K1+300 đê Vân Cốc, xã Xuân Đình đang xuất hiện 3 vị trí sạt lở nghiêm trọng. Các cung sạt có chiều dài từ 20m đến 25m, rộng từ 1m đến 1,5m, sâu từ 2 đến 2,5m; toàn tuyến xuất hiện nhiều điểm xung yếu, chân kè đã bị xói lở mất chân, mái bờ sông bị sụt lún.
Trong phạm vi bảo vệ tuyến kè có khoảng 200 hộ dân sinh sống ở vùng bãi sông. Tại vị trí sạt lở, phần lớn vật liệu hộ chân đê đã bị dòng chảy cuốn trôi, một số cung sạt lở đã ăn sâu vào mái bờ sông, sạt lở có xu hướng tiếp tục phát triển, mở rộng đặc biệt là trong mùa mưa bão do dòng chủ lưu sông Hồng có xu hướng áp sát bờ sông, đe dọa an toàn an toán đến tính mạng và tài sản của các hộ dân sinh sống ven sông.
Theo đó, các vị trí sạt lở có xu hướng tiếp tục phát triển, mở rộng do dòng chảy trên sông Hồng đang có xu hướng áp sát bờ sông. Đặc biệt, bờ sông có các tuyến kè bảo vệ có nhiều hộ dân đang sinh sống, chính vì vậy, nguy cơ đe dọa tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân sinh sống ven sông…
Để ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai hoặc sự cố công trình gây ra, UBND TP.Hà Nội giao UBND huyện Phúc Thọ khẩn cấp vận động, sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn; tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân trong tình huống thiên tai.
Đồng thời, giao Sở NN&PTNT quản lý và thực hiện xây dựng 2 công trình xử lý khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở kè Linh Chiểu, kè Phương Độ và kè Cẩm Đình. Hai dự án có tổng mức đầu tư lần lượt là 70 tỷ và 75 tỷ đồng; dự kiến hoàn thành thi công trước 30/6/2023.
Mục tiêu của 2 dự án nhằm ngăn chặn, khắc phục tình trạng sạt lở, giữ ổn định bờ sông Hồng; bảo đảm an toàn công trình đê điều, an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước, Nhân dân trong khu vực...
UBND TP.Hà Nội đề nghị Sở NN&PTNT (chủ đầu tư) phê duyệt phương án xây dựng khẩn cấp. Kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện dự án đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng, quản lý chất lượng công trình. Cùng với đó, thực hiện thanh quyết toán vốn đầu tư theo đúng quy định hiện hành.
Trước đó, TP.Hà Nội đã ban hành các quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở một số vị trí đê tả Đuống, đê hữu Hồng, đê tả Cà Lồ và ban hành các lệnh khẩn cấp xây dựng công trình khắc phục các vị trí đang sạt lở.
Với hạ lưu đê tả Đuống tương ứng từ K1+050 đến K1+450, xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, chiều dài sạt lở khoảng 400 m, diễn biến rất phức tạp, làm sạt trượt 2 cung sạt trên mái đê với chiều dài 150m và 100m.
Với bờ tả sông Đuống tương ứng từ K12+540 đến K13+000 đê tả Đuống, huyện Gia Lâm, diễn biến sạt lở đang rất phức tạp, làm nứt đường dân sinh sát bờ sông và khu dân cư sinh sống tập trung, ảnh hưởng trực tiếp đến 35 hộ dân xã Dương Hà, huyện Gia Lâm đang sinh sống trong khu vực sạt lở.
Với kè Xâm Thị tương ứng từ K86+389 đến K87+500 đê hữu Hồng, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, mái và đỉnh kè chưa được gia cố đã bị sạt lở ảnh hưởng đến khoảng 150 hộ dân gây lún nứt nhà dân, công trình phụ, tường bao, đường dân sinh… ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn về người và tài sản của nhân dân sinh sống trong khu vực sạt lở.
Với kè Yên Phú tương ứng từ K4+200 đến K4+800 đê tả Cà Lồ, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, phần chân kè nhiều đoạn trôi xuống sông. Tại vị trí K4+300 đê tả Cà Lồ đỉnh kè và mái kè bị sạt, chiều dài khoảng 20m, mái kè bị sạt khoảng 25 mét vuông. Do mái kè là mái đê, hiện trạng sạt lở, hư hỏng tuyến kè Yên Phú đã làm ảnh hưởng đến khả năng chống lũ của tuyến đê tả Cà Lồ.
Lam Anh