Sạt lở bủa vây miền Tây
Thời gian gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tại các tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre ngày càng nghiêm trọng. Quy mô, mức độ sạt lở lớn, xảy ra nhiều hơn các năm trước.
Địa phương cấm biển cảnh báo tại một khu vực sạt lở trên địa bàn xã Hậu Thành, huyện Cái Bè (Tiền Giang). |
Mặc dù, các địa phương đã có nhiều giải pháp để ứng phó, song tình hình sạt lở ngày càng phức tạp gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sinh kế của người dân.
Sạt lở bủa vây
Hiện nay, tuyến đường Tây Ba Rài thuộc xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đã xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Việc sạt lở này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các phương tiện lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Theo ghi nhận của chúng tôi, điểm sạt lở có chiều dài khoảng 20m và lấn sâu vào mặt đường giao thông nông thôn hiện hữu.
Để bảo đảm an toàn cho các phương tiện lưu thông, cũng như kéo dài thêm thời gian, chính quyền địa phương đã cấm phương tiện ba bánh lưu thông qua khu vực này và thống kê các điểm sạt lở khác trên toàn tuyến đường này để có giải pháp khắc phục.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy cho biết, từ đầu năm đến nay, địa bàn huyện có 10 điểm sạt lở mới, với tổng chiều dài gần 500m, ước kinh phí xử lý khoảng 14 tỉ đồng.
Huyện Cái Bè là địa phương có khá nhiều điểm sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Mới đây, con lộ cặp kênh số 7 thuộc xã Hậu Thành đã sạt hoàn toàn xuống kênh, với chiều dài khoảng 73m. Giao thông qua khu vực này bị cắt đứt hoàn toàn.
Ngoài ra, tuyến đường này còn xuất hiện thêm một điểm sạt lở khác, với chiều dài khoảng 45m, một phần đường và cây cối cặp theo lộ đã bị sụp xuống kênh.
Cán bộ địa phương đến khảo sát điểm sạt lở trên địa bàn xã Hậu Thành, huyện Cái Bè (Tiền Giang). |
Ông Trần Hữu Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hậu Thành cho biết, sau khi sạt lở xảy ra, xã đã phối hợp với huyện thống kê tuyến đường trên có hai điểm sạt lở nghiêm trọng và năm điểm rạn nứt có nguy cơ sụp lún.
Trước mắt, ngành chức năng sẽ cho đóng cừ tràm, bạch đàn kết hợp xử lý bê tông, cốt thép để gia cố ở những điểm sạt lở và có nguy cơ sụp lún. Từ đầu năm 2020 đến nay (tháng 5/2020), Tiền Giang đã xảy ra 72 điểm sạt lở, chiều dài trên 2,5km, kinh phí khắc phục gần 55 tỉ đồng.
Đầu tháng 7/2020, đoạn đê dài khoảng 50m tại khu vực ấp 4 (xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) xảy ra tình trạng sạt lở ăn sâu vào đất liền khoảng 2m đe dọa cuộc sống và sản xuất của hàng chục hộ dân tại địa phương.
Ngoài ra, nhiều đoạn đê bao khác cũng xuất hiện các vết nứt có nguy cơ sạt lở cao. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, chính quyền địa phương đã tiến hành khảo sát, tìm giải pháp khắc phục.
Chủ tịch UBND huyện Bình Đại Nguyễn Văn Dũng cho biết, hiện tại địa phương đã tiến hành khoanh vùng tại khu vực sạt lở, bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, sơ tán người dân, di dời tài sản khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời, báo cáo về tỉnh để xin hỗ trợ khẩn cấp để khắc phục đoạn đê bị sạt lở nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống người dân.
Hiện tại, vào mùa mưa là cao điểm sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng 112 điểm sạt lở bờ sông, tám điểm sạt lở bờ biển gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) Lê Văn Tiến cho biết: chiều dài bờ biển của địa phương khoảng 18,5km có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng tại khu vực cồn Bửng, cồn Lợi. Trong thời gian qua, địa phương được đầu tư đoạn kè khoảng 850m dọc bờ biển để bảo vệ Khu di tích đường Hồ Chí Minh trên biển, xây dựng một đoạn kè liền kề tại Cồn Bửng giáp với xã Thạnh Phong”.
Tại tỉnh Long An, tình hình sạt lở đang diễn biến rất phức tạp. Mới đây, ngày 6/5 xảy ra vụ sạt lở cặp bờ sông Vàm Cỏ Tây (thuộc Ấp 1, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) làm cuốn trôi 3.150m3 đất của hộ dân Nguyễn Văn Năm xuống sông và một số cây trồng trên đất. Chiều dài sạt lở khoảng 45m, đất sạt lở và lún sâu từ mặt đất hiện trạng xuống đáy sông khoảng 7m, chiều rộng sạt lở sâu vào phía bờ khoảng 10m.
Sạt lở khu vực cống Nhật Tảo, xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. |
Trước đó, vào ngày 26/2 một vụ sạt lở bờ sông Rạch Dừa (ấp Phước Thới, xã Phước lại, huyện Cần Giuộc) với chiều dài khoảng 200m làm một căn nhà bị nứt cách tường và làm mất lối đi vào đình Phước Thới (cơ sở tôn giáo). Hiện trong khu vực có 12 hộ dân đang sinh sống.
Theo thống kê, tại tỉnh Long An, từ tháng 2/2020 đến nay, do ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài làm mực nước trong sông, kênh, rạch bị hạ thấp, đất bị khô rỗng không được bão hòa đã xảy ra tám vụ sụp lún, sạt lở khoảng 500m bờ sông và lộ giao thông nông thôn đất tại các huyện Tân Trụ, Cần Đước, Thạnh Hóa, Thủ Thừa. Sạt lở đã và đang làm ảnh hưởng cuộc sống nhiều hộ dân sinh sống và đi lại khu vực này.
Khẩn cấp ứng phó tình hình sạt lở
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng đã ký Quyết định ban bố về tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh Bến Tre có bốn khu vực bờ sông, bờ biển với chiều dài gần 7.000m bị sạt lở cần khẩn cấp xử lý.
Xây dựng bờ kè chống sạt lở tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. |
Cụ thể, sạt lở bờ biển khu vực Cồn Ngoài (xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri) chiều dài 1.200m; khu vực Cồn Lợi, xã Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú) chiều dài 1.500m; khu vực xã Thừa Đức (huyện Bình Đại) chiều dài 3.000m và sạt lở bờ sông Bến Tre khu vực xã Nhơn Thạnh (TP. Bến Tre) với chiều dài 1.200m.
Đồng thời, tỉnh Bến Tre đã kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ 325 tỉ đồng để đầu tư xây dựng công trình chống sạt lở, xâm thực tại các khu vực cần xử lý cấp bách như: Cồn Lợi (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú); Cồn Ngoài (xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri); khu vực bãi biển xã Thừa Đức (huyện Bình Đại).
Trước tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Tiền Giang cho biết, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức các cuộc Hội thảo để đánh giá tình hình sạt lở và đề xuất giải pháp khắc phục.
Trong đó, các giải pháp di dời nhà ở, di dời công trình cần phải ưu tiên…để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhà nước và nhân dân. Hiện nay, đối với những điểm sạt lở nghiêm trọng, vượt quá khả năng của huyện, Sở NN và PTNT trình UBND tỉnh Tiền Giang xin chủ trương xử lý; những điểm sạt lở nhỏ, tỉnh giao địa phương sử dụng nguồn kinh phí dự phòng xử lý.
Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang đã có văn bản gửi Bộ NN và PTNT xem xét tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ vốn đầu tư các dự án. Cụ thể, tiếp tục hỗ trợ vốn cho 12 dự án xử lý sạt lở cấp bách, với tổng mức đầu tư hơn 1,4 nghìn tỉ đồng, hỗ trợ vốn để đầu tư 13 khu dân cư, bố trí cho hơn một nghìn hộ dân sống vùng có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng bão lụt và triều cường, với tổng mức đầu tư là hơn 314 tỉ đồng…
Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An Võ Kim Thuần cho biết: Để bảo vệ tài sản và tính mạnh của người dân UBND tỉnh Long An đã kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ 16 tỉ đồng để xử lý sạt lở bảo vệ Di tích lịch sử Miễu Ông Bần Quỳ, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ; xử lý chống sạt lở kênh Dương Văn Dương, đoạn từ ngã ba Tuyên Nhơn đến cầu Bún Bà Của, Quốc Lộ 62; Kè sông Bảo Định và Dự án xử lý chống sạt lở khu vực Vĩnh Đá Hàn, xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An.
Sạt lở đê bao tại xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. |
Trong những năm gần đây, do chịu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường và không theo quy luật.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ngày càng nghiêm trọng, với quy mô, mức độ sạt lớn, xảy ra nhiều hơn các năm trước và đang có xu hướng gia tăng một cách đáng lo ngại.
Các địa phương đang tập trung các giải pháp nhằm ứng phó nhằm hạn chế đến mức thấp thiệt hại do sạt lở gây ra.
Hoàng Trung - Nguyễn Sự - Nguyễn Phong