Sáng nay (28/7), Thủ đô Hà Nội chìm trong ô nhiễm không khí
Sáng nay (28/7), chất lượng không khí ở thành phố Hà Nội giảm so với hôm qua. Nhiều khu vực có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu, đặc biệt, khu vực Chi cục Bảo vệ môi trường (Trung Hoà, Cầu Giấy) ở mức cảnh báo rất xấu.
Theo số liệu từ Cổng thông tin Quan trắc môi trường của thành phố Hà Nội, sáng nay, hầu hết các hệ thống trạm quan trắc chất lượng không khí đều cho kết quả chỉ số ở ngưỡng màu cam hoặc màu đỏ. Đây là mốc chỉ số mà mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Nhiều điểm quan trắc ở Hà Nội đo được mức chỉ số chất lượng không khí AQI màu đỏ (mức xấu) trong sáng ngày 28/7. (Ảnh chụp màn hình) |
Cụ thể, vào lúc 10 giờ sáng, chỉ số AQI ở nhiều khu vực tăng đột biến lên mức cảnh báo xấu như: Khu vực Mỹ Đình là 189, Thành Công là 154, Phạm Văn Đồng là 176, Hàng Đậu là 170,... Đặc biệt, khu vực Chi cục bảo vệ môi trường (Trung Hoà, Cầu Giấy) có chỉ số AQI là 210, đạt mức rất xấu, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người.
Trước đó, ngày 27/7, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở nhiều khu vực thuộc thành phố Hà Nội ở mức trung bình, thậm chí mức kém, dao động từ 28 đến 115.
Vào lúc 10 giờ 12 phút sáng nay (28/7), AirVisual đã xếp hạng Thủ đô Hà Nội (Việt Nam) nằm trong Top 3 thành phố có ô nhiễm không khí cao trên thế giới với chỉ số AQI là 163.
Theo nhận định của các chuyên gia, điều kiện thời tiết không thuận lợi làm bụi không khuếch tán được mà đọng lại sát mặt đất khiến ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng.
Để cải thiện chất lượng không khí, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đề nghị người dân hạn chế đốt rác thải, không sử dụng than tổ ong trong đun nấu hằng ngày; giảm sử dụng phương tiện cá nhân... Các cơ quan chức năng tăng cường xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường và điều tiết giao thông trong giờ cao điểm ở những khu vực thường xuyên ùn tắc...
Bộ Y tế khuyến cáo, khi chất lượng không khí từ ngưỡng đỏ (ngưỡng xấu) trở lên, người dân nên hạn chế ra đường phố, đi tập thể dục, lao động ngoài trời. Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Người dân nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào ở những thời điểm chất lượng không khí xấu, nhất là những gia đình ở gần đường giao thông và khu vực ô nhiễm. Người có bệnh hô hấp, người già, người bệnh tim mạch cần thực hiện các biện pháp dự phòng kể trên nghiêm ngặt hơn. Nếu có bất thường cần đến cơ sở y tế kịp thời. |
Nguyễn Luận