Sản xuất xanh cần thêm các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi mô hình
Trong quá trình chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo các chuyên gia, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang nền sản xuất xanh, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng xanh.
Hiện nay, xu hướng tiêu dùng xanh đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến các doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp phải thay đổi mô hình sản xuất, cách tiếp cận với nhu cầu của người tiêu dùng trong bối cảnh mới.
Trong xu hướng xanh hóa, để cạnh tranh nhiều doanh nghiệp đã phải thay đổi cách sản xuất và xây dựng thương hiệu nhằm cho ra đời những sản phẩm xanh, sạch và xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững.
Việc chuyển đổi hướng đến tiêu dùng xanh cũng được sự chỉ đạo của các bộ, ngành và sự tích cực của các doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng các sản phẩm sinh thái, túi ni lông sinh thái…
Tại Hà Nội, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đã và đang sử dụng các sản phẩm dùng một lần, như khay, hộp, đĩa, tô… được sản xuất từ bã mía thay thế túi ni lông và đồ nhựa được sử dụng phổ biến. Ngoài ra, rau, củ, quả được gói bằng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên; ống hút nhựa được thay bằng ống hút sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên như ống hút tre, giấy, cỏ…).
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ cũng đã áp dụng các chương trình khuyến mại tặng quà đối với các khách hàng đến mua sắm mang theo túi sử dụng nhiều lần, nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông khi mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Điển hình là AEON Việt Nam khi trở thành nhà bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam triển khai sáng kiến "rent a bag", khách hàng có thể mượn túi môi trường trực tiếp tại các quầy thu ngân với chi phí 5.000 đồng/túi và được hoàn lại phí thuê khi trả túi tại quầy dịch vụ.
Hệ thống WinCommerce cũng đã và đang chung tay bảo vệ môi trường bằng việc triển khai loạt giải pháp "xanh" tại hệ thống siêu thị và siêu thị mini WinMart/WinMart +. Cụ thể, WinCommerce sử dụng 100% túi ni lông tự hủy sinh học; đồng loạt giảm hoặc thay thế các vật liệu nhựa sử dụng 1 lần bằng các vật phẩm thân thiện với môi trường trong hoạt động vận hành.
Việc thay thế túi ni lông khó phân hủy trong hoạt động kinh doanh cũng được các hệ thống siêu thị, như Co.opmart, MM Mega Market, Vincom... triển khai đồng loạt.
Ngoài việc chuyển đổi sản xuất, hướng người tiêu dùng quan tâm đến tiêu dùng xanh, vấn đề đặt ra lúc này là cần thêm những trợ lực từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong việc chung tay thúc đẩy việc sản xuất và tiêu dùng bền vững. Cụ thể là những giải pháp về cơ chế, chính sách; ưu tiên, khuyến khích việc nghiên cứu khoa học, phát triển các công nghệ hiện đại để áp dụng vào sản xuất. Bên cạnh đó, việc sản xuất xanh và sạch cần một nguồn vốn dài hạn và ổn định. Vì vậy, rất cần những cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, dù khách hàng tham gia tích cực vào xu hướng tiêu dùng xanh và sẵn sàng trả chi phí cao hơn nhưng cũng phải phù hợp với khả năng chi tiêu của người tiêu dùng. Chính vì vậy, bài toán khó khăn với DN hiện nay là dù chi phí sản xuất sản phẩm xanh tăng lên nhưng vẫn cần bảo đảm giá cả có thể cạnh tranh.
Bàn luận về vần đề này, Ông Cù Huy Quang, Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương cho biết, sản xuất, tiêu dùng bền vững là một trong những xu hướng trên thế giới, nhất là trong bối cảnh các nguồn nguyên vật liệu sơ cấp ngày càng cạn kiệt. Do vậy, các doanh nghiệp cần xác định, quá trình chuyển đổi sang nền xuất xanh, tiêu dùng bền vững là con đường chiến lược để doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững.
“Nhà nước cần phải hoàn thiện những chính sách, những khung pháp lý làm sao để hỗ trợ được các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang nền sản xuất xanh, hướng đến quá trình phát triển bền vững. Từ đó có thể ưu tiên cho những lĩnh vực, những ngành áp dụng công nghệ xanh, sạch để khuyến khích các doanh nghiệp khác chuyển đổi mô hình, phương pháp, phương thức xanh hóa trong quá trình sản xuất cũng như trong quá trình tiêu dùng” - ông Quang cho biết.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vijay Kumar Pandey, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH (Tập đoàn TH) cho hay, khi đầu tư cho xanh hóa, chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ tăng đáng kể.
Theo ông Vijay Kumar Pandey, Tập đoàn TH đã triển khai nhiều giải pháp để hướng tới chuỗi giá trị sản phẩm xanh hoàn thiện như: Sử dụng cỏ tự nhiên để chăn nuôi, sử dụng tối đa ánh sáng ban ngày để tiết kiệm điện, ngừng sử dụng các loại nguyên liệu có phát thải khí nhà kính, hạn chế túi nhựa dùng một lần; tích cực làm việc với các tổ chức, đơn vị sản xuất bao bì bảo đảm tiêu chí xanh để chuyển sang túi có thể phân hủy được... Song, việc chuyển sang sản xuất xanh, tạo sản phẩm xanh khiến doanh nghiệp phải tăng thêm chi phí so với thông thường.
Với ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang cho biết, chỉ riêng việc sử dụng nguyên liệu xanh giá đầu vào cao hơn 300% so với sản phẩm truyền thống. Đây cũng là lực cản đáng kể cho DN dệt may bước tiếp trên con đường xanh hóa. “Khó khăn hiện nay để thực hiện chuyển đổi sang sản xuất xanh hóa đó là nhận thức, tài chính và nguồn lực về con người. Trong đó, vấn đề về tài chính, nhu cầu vốn để xanh hóa rất lớn mà không phải DN nào cũng có tiềm lực đủ mạnh về tài chính để thực hiện”.
Ngoài ra, Ông Vũ Đức Giang cũng đề xuất Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp dệt may, từ lãi suất cho vay đến cơ chế tiếp cận vốn vay. Chính phủ có thể xây dựng quỹ tài nguyên môi trường cho DN vay với lãi suất 0% hoặc 1-2%/năm để đầu tư cho xanh hóa. “Chính sách này triển khai càng nhanh càng tốt, bởi luật chơi toàn cầu không chờ đợi bất cứ ai”, ông Vũ Đức Giang đề xuất.
Để giải quyết những khó khăn vướng mắc các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích và ưu tiên những đơn vị sản xuất xanh, sạch hơn, hoàn thiện khung cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang nền sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững.
Phạm Thạch