Thứ ba, 16/04/2024 13:33 (GMT+7)
Thứ bảy, 04/04/2020 09:00 (GMT+7)

Sẵn sàng ứng phó các tình huống xấu do mưa lớn trên diện rộng

Theo dõi KTMT trên

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ nay đến ngày 7/4, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén sau chịu ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió lên đến mực 5.000m cho nên ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa dông nhiều nơi. Ở Bắc Bộ trời tiếp tục rét với nền nhiệt độ thấp nhất từ 17 đến 20 độ C, vùng núi có nơi từ 14 đến 16 độ C. Ngoài ra, từ ngày 6/4, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên và Tây Nguyên có khả năng xuất hiện mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh vào chiều và đêm.

Sẵn sàng ứng phó các tình huống xấu do mưa lớn trên diện rộng - Ảnh 1
Không khí lạnh kết hợp với mưa dông gây khó khăn cho người tham gia giao thông qua cầu Long Biên (TP.Hà Nội). (Ảnh: HÀ MY)

* Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, trong hai ngày 4 và 5/4 ở các tỉnh Bắc Bộ khả năng xuất hiện mưa vừa, mưa to, vùng núi có nơi mưa rất to. Từ ngày 4 đến 7/4 ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, tổng lượng mưa phổ biến từ 50 đến 120 mm/đợt, riêng vùng núi phía bắc có nơi hơn 150 mm/đợt. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại khu vực vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nhất là tại các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Cao Bằng; ngập úng vùng trũng, thấp tại các thành phố và đô thị lớn như: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Việt Trì, Thanh Hóa, Nghệ An.

* Nhằm chủ động ứng phó và giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do mưa lớn, dông, lốc, mưa đá, ngày 3/4, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT) có Công văn số 109/TWPCTT-VP gửi các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ triển khai thực hiện nghiêm Công văn số 28/TWPCTT ngày 29/3 của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT. Theo đó, các địa phương cần rà soát những khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất nhằm bảo đảm an toàn cho người dân; sẵn sàng các phương án để ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra; huy động các nguồn lực khắc phục hậu quả, giúp người dân khôi phục sản xuất và ổn định đời sống sau thiên tai…

* Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, hiện có 311 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng thiên tai cần được sắp xếp, di chuyển đến nơi an toàn trước mùa mưa lũ năm 2020, tập trung ở các huyện Bảo Thắng, Văn Bàn, Mường Khương, Bảo Yên, Bát Xát... Tổng kinh phí để sắp xếp lại dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai là gần 5 tỉ đồng.

* Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng khu 4 (Cục Bảo vệ thực vật), niên vụ năm 2020, khu vực Bắc Trung Bộ có gần 2,6 nghìn ha sắn nhiễm bệnh khảm lá, trong đó hơn 1.868 ha nhiễm nặng. Các địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Thừa Thiên Huế gần 1.500 ha, Thanh Hóa với hơn 666 ha và Quảng Trị là 423 ha.

* Tại tỉnh Thanh Hóa, vụ đông xuân năm nay gieo cấy 116 nghìn ha lúa, hiện nay có khoảng 190 ha đang bị các loại sâu, bệnh như bọ xít dài, đạo ôn, khô vằn, chuột… gây hại. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân tăng cường điều tra, theo dõi diễn biến phát sinh phát triển của các đối tượng gây hại để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.

* Vụ đông xuân 2019-2020, tỉnh Thừa Thiên Huế gieo cấy hơn 28.600 ha lúa, hiện nay khoảng 1.200 ha bị nhiễm bệnh khô vằn tập trung ở TP Huế, hai thị xã Hương Trà, Hương Thủy và các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc. Ngoài ra, gần 3.000 ha lúa sâu cuốn lá nhỏ cùng hàng trăm ha bị chuột và các sinh vật khác gây hại.

* Theo Tổng cục Thủy lợi, nhiều diện tích cây trồng ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đang bị ảnh hưởng do hạn hán và xâm nhập mặn. Dự báo, vào thời kỳ cao điểm mùa cạn cuối vụ đông xuân, khả năng có khoảng 21 đến hơn 30 nghìn ha có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, trong đó Thanh Hóa có từ 15.500 đến 22.900 ha, Nghệ An từ 4.000 đến 6.000 ha.

* Hiện nay, khu vực Nam Trung Bộ có khoảng 1.886 ha cây trồng bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, chủ yếu là lúa. Dự báo, từ nay đến cuối vụ, nếu lượng mưa tiếp tục thiếu hụt sẽ có khoảng 4.000 ha cây trồng bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

* Dự báo vào vụ hè thu và thu đông 2020 tại huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, hạn hán khả năng ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, huyện có kế hoạch chuyển đổi 85 ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng cạn với tổng kinh phí gần 1,7 tỉ đồng.

* Trên địa bàn huyện Chợ Lách (Bến Tre) hiện có 6.500 ha cây ăn quả, do hạn, mặn kéo dài đến nay có khoảng 70% vườn cây bị héo lá, sinh trưởng chậm. Cùng với cây ăn trái, hơn 1.000 ha cây giống trên địa bàn cũng bị thiệt hại khoảng 50% vì thiếu nước tưới.

* Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sóc Trăng phát miễn phí 6.000 bình và 24.000 chai nước uống cho hơn 1.000 hộ dân ở huyện Trần Đề.

* Ngày 3/4, UBND huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã đề nghị UBND huyện Núi Thành (Quảng Nam) hỗ trợ trục vớt tàu cá QNg-50326 TS bị phá nước, chìm trên vùng biển huyện Núi Thành. Trước đó, ngày 2/4 trong lúc đang trên biển, tàu cá này với năm ngư dân bị phá nước và chìm. Các ngư dân đã bơi vào bờ an toàn.

Ngày 3/4, theo UBND huyện Bá Thước (Thanh Hóa), từ ngày 31/3 và sáng 1/4 xảy ra hiện tượng cá, tôm tự nhiên và cá nuôi trong lồng trên sông Mã bị chết. Riêng cá nuôi bị chết tỷ lệ từ 50 đến 100%. Tính đến hết ngày 2/4, có khoảng 6,5 tấn cá tự nhiên và cá nuôi bị chết. Kết quả kiểm tra ban đầu không ghi nhận dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm cho nên huyện đang lấy mẫu nước, mẫu cá để xét nghiệm, tìm nguyên nhân. Tại thời điểm cá chết, nước sông có màu nâu, váng trên bề mặt.

PV và CTV

Bạn đang đọc bài viết Sẵn sàng ứng phó các tình huống xấu do mưa lớn trên diện rộng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới