Thứ sáu, 19/04/2024 16:37 (GMT+7)
Thứ ba, 07/06/2022 15:55 (GMT+7)

Sẵn sàng triển khai dự án Vành đai 3

Theo dõi KTMT trên

Các địa phương có đường Vành đai 3 TP.HCM đi qua đã chuẩn bị kỹ phương án đền bù giải phóng mặt bằng để triển khai. Nếu được thực hiện sớm, dự án đường Vành đai 3 là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của khu vực "đầu tàu" kinh tế cả nước.

Tại phiên thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP.HCM của Quốc hội ngày 6/6,, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi khẳng định: "Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM rất cấp thiết rồi. Nó giống như liều thuốc cấp cứu cho bệnh nhân nguy kịch.

Gần 20 năm qua, đặc biệt những năm gần đây, TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang đối mặt với tình trạng ách tắc giao thông, dư địa đất đai, không gian đô thị phát triển quá chật chội. Động lực phát triển giảm dần. Chính vì vậy, tuyến đường này sớm triển khai đưa vào sử dụng sẽ giải quyết những bất cập hiện tại, mà còn tạo ra động lực mới thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển". 

Sẵn sàng triển khai dự án Vành đai 3 - Ảnh 1
Khu vực đường Mỹ Phước - Tân Vạn, tỉnh Bình Dương nằm trong phạm vi dự án đường Vành đai 3. (Ảnh: NLĐ)

Theo chia sẻ của đại diện UBND TP.HCM, việc giải phóng mặt bằng đảm bảo có mặt bằng sạch đúng tiến độ và tổ chức thực hiện dự án là 2 nhiệm vụ trọng tâm lúc này. Về công tác giải phóng mặt bằng, TP.HCM và các tỉnh trong vùng dự án đã có sự chuẩn bị. Các địa phương đã lên kế hoạch, thống nhất các chính sách, cách thức triển khai việc này.

Ngay khi Quốc hội có chủ trương đầu tư, các địa phương sẽ bắt tay vào công tác kiểm kê, lên chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng. Các địa phương cũng đều đang có một quỹ nhà có thể dùng để đảm bảo tái định cư cho người dân.

Các chuyên gia cho rằng, nếu được triển khai thực hiện sớm, dự án đường Vành đai 3 là động lực hết sức quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đầu tàu kinh tế cả nước. Với ý nghĩa đó, 4 địa phương trong dự án (gồm: TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An) đã sẵn sàng để triển khai.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương, ông Mai Hùng Dũng cho hay: "Sắp tới khi chủ trương đầu tư được phê duyệt thì trong từng giai đoạn thực hiện tỉnh sẽ tích cực phối hợp với TP.HCM, nhất là đơn vị tư vấn của Bộ để phối hợp đồng bộ và đúng trình tự thủ tục nhất giúp dự án triển khai nhanh".

Ông Trần Thiện Trúc, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An cho biết: "Chỉ chờ kỳ họp Quốc hội cuối năm này thông qua chủ trương đầu tư thì tỉnh Long An sẽ bắt tay ngay. Về công tác giải phóng mặt bằng, chung tôi đã xin chủ trương Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho huyện Bến Lức là chủ đầu tư. Hiện nay huyện cũng đã cơ bản đi khảo sát sơ bộ về mặt hiện trạng người dân, cũng đang chuẩn bị sẵn khu tái định cư, dành sẵn 20 ha ngay trung tâm thị trấn Bến Lức để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng".

Còn theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, để công tác quản lý điều hành một dự án liên vùng của 4 địa phương được đồng bộ thống nhất từ khâu thiết kế đến khâu thi công, khai thác sử dụng sau này hiện đã có Ban chỉ đạo liên vùng và tổ công tác chuyên môn duy trì giao ban định kỳ, phối hợp thường xuyên với Ban quản lý dự án, lãnh đạo cấp cao các địa phương.

Chia sẻ của một doanh nghiệp khi làm phép so sánh giữa việc chở hàng từ cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) đến Tây Ninh còn tốn kém hơn chở từ Trung Quốc về TP.HCM, báo Nhân dân bình luận: "Việc đầu tư đường Vành đai 3 đã rất cấp thiết, chậm ngày nào thiệt hại thêm ngày đó. Xây dựng đường Vành đai 3 chính là hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh, giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Song song đó, nhiều lợi ích khác do dự án mang lại chưa thể lượng hóa được như: tăng hiệu quả sử dụng đất đai; hiệu quả về thay đổi cơ cấu xã hội, dân cư; hiệu quả về chính trị, quản lý hành chính; nâng cao năng lực vận tải; cải thiện điều kiện sinh hoạt cho nhân dân trong khu vực…".

Đường Vành đai 3 có tổng chiều dài tuyến là 76,34 km, bao gồm: TP.HCM: 47,51 km, Đồng Nai: 11,26 km, Bình Dương: 10,76 km, Long An: 6,81 km. Điểm đầu của dự án là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Đường Vành đai 3 được đầu tư thành đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Dự án sơ bộ có tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ (giai đoạn 1) khoảng 75.378 tỷ đồng. Dự kiến, dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2025, hoàn thành toàn bộ vào năm 2026, quyết toán năm 2027.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Sẵn sàng triển khai dự án Vành đai 3. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .