Sàn giao dịch tín chỉ carbon là chìa khóa giúp ngành lâm nghiệp hướng tới Net Zero
Bên cạnh việc thành lập sàn giao dịch tín chỉ cácbon trong nước, ngành lâm nghiệp còn nỗ lực xanh hóa, phát triển rừng bền vững từ việc trồng gỗ lớn nhằm hướng tới mục tiêu Net Zero.
Net Zero - cơ hội cho ngành lâm nghiệp ở Việt Nam?
Phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững là xu thế mới trên toàn cầu nhằm hướng tới mục tiêu Net Zero.
Net Zero hay còn được hiểu là "Phát thải ròng bằng 0" là một mục tiêu môi trường nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính (như CO2, CH4, N2O) do con người gây ra xuống mức cân bằng với khả năng hấp thụ hoặc loại bỏ khí thải của Trái Đất, đến mức mà tổng lượng khí thải ròng được giảm xuống bằng không nhằm ngăn chặn tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải khí nhà kính ròng bằng "0" (gọi tắt là Net Zero) vào năm 2050. Cam kết này một lần nữa được tái khẳng định tại COP28 (2023) cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có trách nhiệm với toàn cầu trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam là một trong những nước có lượng phát thải khí nhà kính liên tục tăng từ mức hơn 21 triệu tấn vào năm 1990 lên 150 triệu tấn CO2 vào năm 2000. Năm 2014, tổng lượng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam là 283,96 triệu tấn CO2, trong đó, lĩnh vực vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) không phát thải và đã hấp thụ được 37,54 triệu tấn CO2 tương đương.
Theo Hướng dẫn thực hành trong lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp năm 2003, đất trên lãnh thổ Việt Nam được phân thành 6 loại, gồm: đất rừng, đất trồng trọt, đất đồng cỏ, đất ngập nước, đất ở và các loại đất khác.
Lĩnh vực LULUCF đã bắt đầu chuyển dần từ việc phát thải khí nhà kính sang hấp thu khí nhà kính từ năm 2010. Khí nhà kính phát thải trong lĩnh vực này giảm từ 19,4 triệu tấn (năm 1994) xuống còn 15,1 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2000. Trong khi đó, lượng hấp thụ khí nhà kính tăng lên 34,2 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2013, bởi đất rừng và đất trồng trọt là nguồn hấp thụ CO2 tương đương lớn nhất (MONRE 2017). Tới năm 2020, tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm tại Việt Nam vào khoảng 280 triệu tấn CO2. Trong khi đó, ngành lâm nghiệp đang giúp hấp thụ khí nhà kính mỗi năm lên đến khoảng 39,5 triệu tấn CO2.
Trước thực trạng trên của ngành lâm nghiệp, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ và phát triển rừng cũng đã được phê duyệt với mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 42%; diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt hơn một triệu ha.
Bên cạnh đó, trên thị trường cũng xuất hiện loại hàng hóa mới là tín chỉ carbon. Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải khí nhà kính, cụ thể là khí CO2. Mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn CO2, hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2, gọi chung là 1 tấn CO2 (viết tắt là CO2e).
Được biết, Việt Nam là một trong 60 quốc gia trên thế giới có khả năng bán tín chỉ carbon từ rừng và nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, việc phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam không chỉ đúng với xu hướng của thế giới mà còn góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, đúng theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong năm 2023, Việt Nam bán được tín chỉ carbon hơn 10 triệu tấn CO2, thu về hơn 50 triệu USD. Phát triển thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp Việt Nam tiến gần hơn và bắt kịp với xu hướng tăng trưởng xanh của thế giới, đồng thời giúp người dân có thêm nguồn thu.
Theo thống kê chính Lâm nghiệp Việt Nam cho thấy, năm 2021 có 14.7 triệu ha chiếm 42% độ che phủ, 2.2 triệu ha (15%) rừng đặc dụng, 4.6 triệu ha (32%) rừng phòng hộ, 7.8 triệu ha (53) rừng sản xuất. Trong đó, 60% do Nhà nước quản lý và 40% giao hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, 30.5 Tr. tCO2e –phát thải hàng năm, 2010-2020, 69.8 Tr.tCO2e – hấp thụ hằng năm, 2010-2020, 612 Tr. tấn C lưu giữ trong rừng (2020), 80% tại rừng tự nhiên, 5,800 doanh nghiệp chế biến gỗ, 515 doanh nghiệp FDI.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Đáp - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định, mô hình kinh tế tuần hoàn là chìa khóa vàng để thực hiện Net Zero.
Trong đó, ngành lâm nghiệp đã và đang dần tiếp cận với kinh tế xanh. Năm 2023, ngành Lâm nghiệp cũng đã chủ động nắm bắt tình hình điểm nóng và khoanh vùng các địa bàn trọng điểm về chặt phá rừng, các tụ điểm cất giữ, trung chuyển lâm sản lớn trên những địa bàn trọng điểm. Tiếp tục duy trì tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42,02%. Tổng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng năm 2023 là 4.130,4 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc sử dụng ứng dụng khoa học, công nghệ trong lâm nghiệp cũng có bước phát triển mạnh, nhiều đề tài nghiên cứu đã thực sự đóng góp và áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Hợp tác quốc tế về lâm nghiệp phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, qua đó tăng cường hợp tác phát triển sản xuất và thúc đẩy thị trường xuất khẩu lâm sản.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã quy định việc tổ chức và thực hiện thị trường carbon. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Đề án "Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam". Theo đó, đến năm 2025 Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Xanh hóa ngành lâm nghiệp để tiến tới Net Zero
Nhằm tiến tới mục tiêu thực hiện cam kết Net Zero (hay còn được gọi là phát thải ròng bằng 0), các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực từ kinh tế tới nông, lâm nghiệp đều đang dần chuyển đổi hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành kế hoạch “Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024 - 2030”. Theo đó, đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt khoảng 1 triệu ha, trong đó duy trì diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện có là 500.000 ha và phát triển mới giai đoạn 2024 - 2030 khoảng 450.000 - 550.000 ha.
Trong số diện tích rừng sản xuất, hiện cả nước mới chỉ có gần 500 nghìn ha rừng trồng cây gỗ lớn, còn lại 3,5 triệu ha trồng cây gỗ nhỏ. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024 - 2030, đặt mục tiêu phát triển vùng rừng trồng sản xuất gỗ lớn tập trung nhằm chủ động cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai.
Cụ thể, đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt khoảng 1 triệu ha, trong đó duy trì diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện có là 500.000 ha và phát triển mới giai đoạn 2024 - 2030 khoảng 450.000 - 550.000 ha.
Theo quy định của Chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp thuộc 6 lĩnh vực năng lượng, giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông – lâm nghiệp, chất thải phải thực hiện kiểm kê phát thải. Trong 1.912 doanh nghiệp có tên trong danh sách, ngành gỗ có 62 doanh nghiệp (16 doanh nghiệp ván gỗ, 43 doanh nghiệp đồ gỗ, 3 doanh nghiệp viên nén).
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ tại tại Hội thảo “Doanh nghiệp ngành gỗ và Hành trình tới Net-Zero: Cơ hội hay thách thức” cho rằng, các doanh nghiệp ngành gỗ tại Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi theo hướng “doanh nghiệp xanh” để đạt được chứng chỉ xanh.
Hướng tới Net Zero vào năm 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Đề án Phát triển thị trường cácbon trong nước, trong đó tập trung vào giao dịch bắt buộc của việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính từ các doanh nghiệp và trao đổi trong thị trường cácbon trong nước, định hướng kết nối với thị trường quốc tế.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết dự kiến trong tương lai, mỗi năm Việt Nam sẽ có khoảng 10,8 triệu tín chỉ cácbon tự nguyện được cung cấp, đi kèm với nhu cầu trao đổi, mua bán. Vì vậy, việc thành lập sàn giao dịch tín chỉ cácbon trong nước sẽ giúp các giao dịch liên quan được tập trung, minh bạch và hiệu quả hơn.
Ngày 5/6/2024 tới đây, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Thủ đô Hà Nội, Tạp chí Kinh môi trường phối hợp cùng Tạp chí Việt – Đức; Công ty cổ phần Nature World; Công ty CP Công nghệ và truyền thông Push Media; Công ty CP Life Media Global sẽ tổ chức Hội thảo "Phát triển kinh tế xanh và bền vững - Giảm phát thải nhà kính hướng đến mục tiêu Net Zero" tại Khách sạn JM Marriot (số 8 Đỗ Đức Dục, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Hội thảo sẽ có sự góp mặt của các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước; Đại diện các tổ chức quốc tế; Đại diện một số Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nước (Hiệp hội BĐS, Hiệp hội Công Nghiệp và các Hội ngành nghề liên quan, Ban quản lý các KCN, Các doanh nghiệp sản xuất Công nghiệp, Doanh nghiệp công nghiệp FDI, các Công ty Năng lượng)...
Hà My