Nhiều tỉnh, thành hướng tới mục tiêu Net Zero để phát triển bền vững
TP.HCM, Hải Phòng, Đồng Nai, Quảng Bình,... là những tỉnh, thành tiên phong đi đầu hướng tới phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết sẽ hướng tới tại COP26 và COP28.
Để ứng phó với những thách thức biến đổi khí hậu đồng thời đạt mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero) được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại COP26 (2021), nhiều tỉnh, thành đã nghiên cứu đề ra khung chiến lược phát triển xanh, bố trí nguồn lực để thực hiện.
TP.HCM: Xây dựng hàng loạt chiến lược hướng tới Net Zero
TP HCM là trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Biến đổi khí hậu là thách thức lớn của TP.HCM, đòi hỏi thành phố phải từng bước thay đổi, có kế hoạch hành động, định hướng phát triển xanh, bền vững,
Chia sẻ tại một chương trình, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cam kết bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện, ứng phó với những thách thức biến đổi khí hậu, kẹt xe, môi trường...hướng tới phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050. Để thực hiện cam kết trên, TP.HCM đang tái cơ cấu kinh tế, trong đó xác định kinh tế xanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng phát triển bền vững giai đoạn tới.
Mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh mà TP.HCM đang hướng tới như, sử dụng điện năng sạch, cải thiện hạ tầng giao thông đường bộ, xử lý rác thải,... TP.HCM sẽ thí điểm xây dựng Cần Giờ trở thành địa phương xanh, là địa phương tiên phong thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2035. Với lợi thế phần lớn diện tích là rừng ngập mặn, giáp biển, hệ sinh thái phong phú và độc đáo, kênh rạch chằng chịt, huyện Cần Giờ đang được TP Hồ Chí Minh triển khai thí điểm thực hiện mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống bằng 0 vào năm 2035.
Lựa chọn huyện Cần Giờ để xây dựng thí điểm Net Zero, TP.HCM sẽ tập trung vào chuyển đổi các phương tiện thuỷ bộ trên địa bàn sử dụng nhiên liệu thân thiện, tập trung vào sử dụng năng lượng sạch, tập trung xử lý rác thải, chất thải với công nghệ tiên tiến; tập trung đánh giá và thí điểm giao dịch tín chỉ Carbon trên địa bàn Cần Giờ.
Ngoài ra, TP.HCM còn khởi động kế hoạch hành động hướng tới mục tiêu thành phố không phát thải về năng lượng sạch. Mục tiêu thành phố không phát thải (Net Zero city) nhằm tăng cường môi trường thuận lợi tại địa phương, huy động nguồn lực đầu tư và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, TP.HCM còn xây dựng đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng phát triển bền vững từ năm 2025 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thành phố sẽ từng bước tái cơ cấu sản xuất các khu công nghiệp hướng tới sử dụng công nghệ cao, giảm phát thải, ít thâm dụng lao động qua đó thực hiện lộ trình tiến tới phát thải ròng bằng 0, Net Zero vào năm 2050.
TPHCM cũng rà soát chiến lược quy hoạch, đặc biệt ban hành các hệ thống chính sách TPHCM hướng tới chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Các chính sách phải tập trung hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, công nghệ, mô hình sản xuất, tiêu dùng.
Đồng thời, TP.HCM còn tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xanh, xây dựng nguồn nhân lực xanh, có những cơ chế thúc đẩy hợp tác quốc tế, hợp tác công – tư để TP triển khai chuyển đổi xanh, phát triển bền vững nhanh hơn và đúng hướng. TP đặt mục tiêu trong mục tiêu chung tiến đến trung hòa carbon đến năm 2050.
Hải Phòng: Cam kết thực hiện mục tiêu Net-Zero vào năm 2050
Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 15/9/2022 triển khai hành động thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2050, trong đó thể hiện tầm nhìn và bằng mọi nỗ lực đạt được mục tiêu về lượng khi thải ròng bằng 0.
UBND thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng khi cấp phép đầu tư luôn chú trọng thẩm định yếu tố sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, tái sử dụng nước trong sản xuất, cam kết xử lý nước thải đạt, sử dụng hiệu quả các diện tích đất mặt nước, bãi bồi ven sông, bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, bảo đảm duy trì tỷ lệ cây xanh trong khu công nghiệp ở mức 20%.
Các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế đều bắt buộc phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, từng bước chuyển đổi sử dụng năng lượng truyền thống sang các dạng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện biomass, điện LNG, hydrogen…
Ông Hoàng Minh Cường, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết thành phố Hải Phòng đang tìm kiếm những giải pháp, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế nhằm tạo ra những đột phá về năng lượng sạch để đạt được mức phát thải bằng 0. Chính quyền thành phố sẵn sàng hợp tác với các đối tác hàng đầu của quốc tế trong ứng dụng thế hệ công nghệ hiện đại để tạo ra những nguồn cung cấp năng lượng mới, tiến tới một nền kinh tế xanh, sạch trong tương lai.
Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên nói thêm, ngoài việc thích ứng và bắt kịp với xu hướng toàn cầu về chuyển đổi xanh trong phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, thành phố Hải Phòng đang tập trung nguồn lực, tăng cường các công tác chuyển đổi xanh, giảm phát thải CO2 trong các khu công nghiệp, tiến tới xây dựng và phát triển mở rộng mô hình khu kinh tế sinh thái trên địa bàn thành phố.
Quảng Bình: Hướng tới du lịch "Net Zero"
Với lợi thế về tài nguyên du lịch thiên nhiên, các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ với hệ sinh thái đa dạng cùng thương hiệu “Điểm đến thiên nhiên, hấp dẫn, khác biệt”, du lịch Quảng Bình có lợi thế lớn và đã chủ động trong việc phát triển các sản phẩm du lịch theo xu hướng du lịch Net Zero của thế giới.
Thực hiện Kế hoạch số 1614/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủvề nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xác định nhiệm vụ về “Xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023-2025, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm đến du lịch trọng điểm theo định hướng “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”.
Sở Du lịch Quảng Bình đã chủ động phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị trong việc phát triển các sản phẩm du lịch Net Zero; liên kết với các công ty lữ hành quốc tế để hình thành các chương trình du lịch theo xu hướng giảm thiểu carbon tiêu thụ; phổ biến hướng dẫn thực hiện các tiêu chí của Nhãn Bông Sen Xanh cho các cơ sở lưu trú; các tiêu chí ASEAN (Du lịch bền vững, Thành phố du lịch sạch, Du lịch cộng đồng, Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (Homestay), Khách sạn xanh, Địa điểm tổ chức MICE, Dịch vụ Spa, Nhà vệ sinh công cộng); 17 tiêu chí bền vững của Liên hợp quốc…
Đồng Nai: Hướng tới Net Zero để phát triển bền vững
Triển khai cam kết của Chính phủ và hướng đến mục tiêu phát triển xanh và bền vững, tỉnh Đồng Nai tiên phong xây dựng và thực hiện Đề án giảm thiểu khí carbon trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng Nai là tỉnh thuộc tốp đầu cả nước về phát triển công nghiệp với 33 khu công nghiệp và 27 cụm công nghiệp. Toàn tỉnh có hơn 53.000 doanh nghiệp với hơn 1.600 dự án FDI và hơn 1.000 dự án đầu tư trong nước. Trước tình hình tiêu thụ năng lượng trên địa bàn tỉnh hằng năm lớn và tốc độ tăng trưởng nhanh, mức phát thải khí nhà kính dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới. Do vậy, Đồng Nai đang theo đuổi mục tiêu chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững.
Đồng Nai đã đưa ra khung định hướng với 5 trụ cột phát triển và 6 yếu tố hỗ trợ làm nền tảng để hiện thực hóa mục tiêu nói trên, trong đó chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, góp phần hoàn thành mục tiêu Net Zero trước năm 2050.
Ngày 2/2/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định 261/QĐ-UBND thành lập Ban Chỉ đạo về tăng trưởng xanh cấp tỉnh do quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức làm trưởng ban. Tiếp đó, ngày 19.2/2024, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định 385/QĐ-UBND phê duyệt đề án giảm thiểu khí carbon trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong đề án này, tỉnh Đồng Nai chọn 7 lĩnh vực để tập trung nghiên cứu hiện trạng, tìm giải pháp giảm phát thải ròng về 0, bao gồm: năng lượng; giao thông; công nghiệp; môi trường; nông nghiệp, lâm nghiệp; xây dựng và khu đô thị. Đây đều là những ngành nghề, lĩnh vực có tỷ lệ phát thải cao và nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết Đồng Nai đã và đang xây dựng, triển khai kế hoạch tăng trưởng xanh. Kết quả ban đầu đạt được trong thời gian qua là nhiều doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sản xuất xanh, tuần hoàn. Về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đang tái cơ cấu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để hướng đến nền nông nghiệp sinh thái. Ngoài ra, các lĩnh vực khác cũng được chú trọng phát triển xanh như đô thị xanh, thương mại dịch vụ xanh, logistics xanh và tiêu dùng xanh…
Ngày 5/6/2024 tới đây, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Thủ đô Hà Nội, Tạp chí Kinh môi trường phối hợp cùng Tạp chí Việt – Đức; Công ty cổ phần Nature World; Công ty CP Công nghệ và truyền thông Push Media; Công ty CP Life Media Global sẽ tổ chức Hội thảo "Phát triển kinh tế xanh và bền vững - Giảm phát thải nhà kính hướng đến mục tiêu Net Zero" tại Khách sạn JM Marriot (số 8 Đỗ Đức Dục, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Hội thảo sẽ có sự góp mặt của các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước; Đại diện các tổ chức quốc tế; Đại diện một số Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nước (Hiệp hội BĐS, Hiệp hội Công Nghiệp và các Hội ngành nghề liên quan, Ban quản lý các KCN, Các doanh nghiệp sản xuất Công nghiệp, Doanh nghiệp công nghiệp FDI, các Công ty Năng lượng)...
Hà My