Thứ bảy, 23/11/2024 11:07 (GMT+7)
Thứ bảy, 06/07/2019 10:06 (GMT+7)

ROS đã là “dĩ vãng”, FLC tính đường niêm yết cổ phiếu GAB lên HoSE

Theo dõi KTMT trên

Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa chấp thuận niêm yết lần đầu hơn 13,8 triệu cổ phiếu GAB của Công ty cổ phần GAB. Đây là mã cổ phiếu thứ 7 mà Tập đoàn FLC đang sở hữu 8,99% vốn cổ phần tiếp tục lên sàn chứng khoán.

Công ty gạch có lợi nhuận… 2 tỉ đồng

Tính đến tháng 4/2019, GAB có vốn điều lệ 138 tỉ đồng, tương ứng 13.800.000 cổ phần.

Công ty Cổ phần GAB (Global Asset Business, tên cũ là CTCP Vật liệu xây dựng FLC) hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực gồm: sản xuất - phân phối vật liệu xây dựng, thương mại các hàng hóa không hạn chế, tập trung cung ứng cho các khách hàng lớn, hoạt động đầu tư tài chính…

ROS đã là “dĩ vãng”, FLC tính đường niêm yết cổ phiếu GAB lên HoSE - Ảnh 1

Công ty cổ phần GAB niêm yết 13,8 triệu cổ phiếu trên sàn HoSE

Trước thời điểm triển khai kế hoạch niêm yết cổ phiếu lên sàn HoSE, kết quả kinh doanh của GAB bất ngờ có tăng trưởng đột biến. Cụ thể năm 2018, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt trên 92,2 tỉ đồng, tăng 123% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế chỉ đạt gần 7,8 tỉ đồng, giảm gần 1 tỉ đồng so với năm 2017.

Hết quý 1/2019, GAB ghi nhận doanh thu đạt hơn 16 tỉ đồng và lợi nhuận gộp đạt hơn 10,1 tỉ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 2,6 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 2 tỉ đồng.

Theo nghị quyết Đại hội cổ đông năm 2019, công ty đặt mục tiêu sẽ đạt doanh thu 150 tỉ đồng trong năm nay, lợi nhuận dự kiến là 14 tỉ đồng, tức tăng gấp đôi so với năm 2018.

ROS đã là “dĩ vãng”, FLC tính đường niêm yết cổ phiếu GAB lên HoSE - Ảnh 2
Kết quả kinh doanh của GAB trong 2 năm qua. Nguồn: Báo cáo tài chính công ty

Được biết, Công ty cổ phần GAB tiền thân là Công ty cổ phần gạch Tuynel FLC - Đò lèn Hậu Lộc thành lập ngày 20/5/2019, có địa chỉ Thôn Châu Tử , xã Châu Lộc, Huyện Hậu Lộc, Tỉnh Thanh hóa.

Đến ngày 7/5/2019, công ty đổi tên từ CTCP Vật liệu Xây dựng FLC thành Công ty cổ phần GAB với tên nước ngoài là Global Asset Business JSC.

Cổ đông lớn nhất là bà Trần Thị Thúy góp 50,7 tỉ đồng, tương đương 36,74% vốn điều lệ và giữ vị trí Chủ tịch HĐQT công ty.

Ông Nguyễn Công Nam góp 23 tỉ đồng, tương đương 16,67% cổ phần. Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC góp 12,4 tỉ đồng, tương đương 8,99% cổ phần.

Theo các thông tin trước đó, tại ngày 31/12/2018, cổ đông cá nhân lớn nhất của GAB là ông Trần Thế Anh góp vốn 10 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ sở hữu 7,25% vốn điều lệ. Ông Trần Thế Anh được bổ nhiệm làm Ủy viên HĐQT của GAB vào ngày 15/3/2019 thay cho Ủy viên HĐQT cũ là ông Đặng Tất Thắng – cùng tên với một Phó tổng giám đốc của Tập đoàn FLC. Và hiện nay, ông Trần Thế Anh cũng đang là Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn FLC.

Biến động giá có “sốc”?

GAB sẽ là mã cổ phiếu thứ 7 có liên liên quan tới Tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết lên sàn HoSE, nhằm tăng thanh khoản và huy động vốn từ thị trường chứng khoán tiếp sau các mã họ “F” như FLC, ROS, KLF, HAI, ART, AMD.

Hiện, chưa rõ mức giá chào sàn của GAB là bao nhiêu và cũng chưa có đủ dữ liệu để đánh giá cụ thể giá trị doanh nghiệp, xác định giá trị cổ phiếu này?

Qua tổng hợp diễn biến giao dịch, một số mã cổ phiếu có liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết khi chào sàn HoSE đều có mức giá dưới mệnh giá như ROS có giá chào sàn 12.000 đồng/CP, ART chào sàn giá 5.000 đồng/CP. Nhưng các cổ phiếu này có biến động giá rất lớn trên sàn, chỉ sau một thời gian ngắn đã tăng giá gấp từ 8 – 20 lần giá chào sàn ban đầu, trở thành những cổ phiếu “siêu đầu cơ” được nhiều nhà đầu tư giao dịch.

Tuy nhiên, kể từ xác lập đỉnh giá cao và tạo thanh khoản lớn, các mã cổ phiếu có liên quan tới Tập đoàn FLC và ông Trịnh Văn Quyết đều rơi vào chu kỳ giảm rất mạnh, đơn cử: ART rơi từ mức giá đỉnh 25.400 đồng/CP xuống chỉ còn 2.500 đồng/CP ở thời điểm hiện tại, khiến không ít nhà đầu tư bị thiệt hại, cắt lỗ…

Hay “ngôi sao sáng” của sàn HoSE là cổ phiếu ROS đã tăng một mạch từ 12.000 đồng/CP lên đỉnh giá 225.000 đồng/CP (giá sau chia tách là 187.000 đồng/CP) nhưng sau đó đã giảm liên tục. Hiện giá ROS chỉ còn quanh mức 30.000 đồng/CP.

Một điểm đáng chú ý là, sau khi đưa cổ phiếu lên sàn, các công ty “họ F” đều thực hiện hành trình tăng vốn nghìn tỉ thông qua việc phát hành cổ phiếu, chia cổ tức bằng cổ phiếu, chào bán… Các đợt tăng vốn được báo cáo đã thực hiện thành công, song các nhà đầu tư nào mua vào và nguồn tiền tăng vốn đến từ đâu hiện vẫn còn là điều bí ẩn?

Do đó, chưa rõ GAB sau khi lên sàn HoSE có tiếp tục hành trình “phát hành cổ phiếu tăng vốn” như nhóm doanh nghiệp cùng “họ F” hay không, và dòng tiền tăng vốn ra sao?

Trung Thành

Bạn đang đọc bài viết ROS đã là “dĩ vãng”, FLC tính đường niêm yết cổ phiếu GAB lên HoSE. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới