Robot đe dọa công việc của 70% lao động ngành công nghiệp?
Trong những năm gần đây, ứng dụng robot ngày càng phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp. Cũng vì thế, người lao động tăng thêm mối lo lắng về tình trạng thất nghiệp có thể diễn ra.
Tăng khả năng ứng dụng robot
Thị trường robot tại Việt Nam đang bùng nổ và được xếp hạng thứ 7 trên thế giới nhờ làn sóng đầu tư trong lĩnh vực điện tử. Mức tăng trưởng nhu cầu sử dụng robot tại các công ty sản xuất ôtô, thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng, kim loại… đạt khoảng 10%/năm.
Đối với nhà cung cấp robot cho Việt Nam, đa phần là các thương hiệu ở nước ngoài. Trong đó, robot xuất xứ Trung Quốc có giá chỉ bằng khoảng một nửa so với sản phẩm cùng loại có nguồn gốc Nhật Bản, châu Âu. Một phần do giá rẻ nên robot Trung Quốc thiếu độ ổn định, khả năng thực thi các nhiệm vụ không cao và độ bền kém.
Trong nước, nhiều doanh nghiệp bắt đầu tham gia sản xuất, lắp ráp robot với chi phí phù hợp, đáp ứng được phần nào nhu cầu của thị trường. Các doanh nghiệp nội chủ yếu đi vào sản xuất robot với thiết kế đơn giản, dễ dàng lập trình. Loại robot này vừa có giá thành phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ, lại vừa có tính linh hoạt, khả năng ứng dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau như điện tử, dịch vụ, du lịch, chế biến thực phẩm…
Doanh nghiệp sản xuất robot của Việt Nam cũng có lợi thế tiết kiệm được chi phí thiết kế, chiếm khoảng 40% giá thành sản phẩm robot. Đồng thời, nhân lực tại chỗ giá rẻ, chi phí vận chuyển thấp và khả năng nội địa hóa các thiết bị phụ trợ trong lĩnh vực cơ khí, điện - điện tử.
PGS-TS Trương Nguyễn Luân Vũ, Phó trưởng Khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết: “Nhiều năm, khoa đã nhận chế tạo nhiều loại robot cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, chế biến gỗ; Trường học, bệnh viện… với giá chỉ bằng 50% sản phẩm nhập từ châu Âu. Trong đó có những loại robot có thiết kế, cấu tạo đơn giản với giá chỉ vài chục triệu đồng, loại thiết kế phức tạp hơn có giá khoảng vài trăm triệu đồng”.
“Nếu trước Covid-19 các nhà sản xuất còn đang băn khoăn về việc đưa người máy về Việt Nam thì ngay sau đợt dịch này, hàng loạt robot sẽ được đưa vào Việt Nam. Giá của robot giảm đi rất nhanh, từ mức khoảng 300 nghìn USD, giờ giảm xuống chỉ còn khoảng 40 nghìn USD", Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến chia sẻ.
Nguy cơ mất việc làm
Chuyển đổi số đang và sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho con người, cho quốc gia, nhưng cũng đồng thời tạo nên những thay đổi lớn về thị trường lao động.
Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến nhận định rằng, những người có thể sẽ mất việc làm bởi tác động của kinh tế số trong 5-7 năm tới là các lao động trong ngành may, da giày, lắp ráp điện tử… Khoảng 70% số người đang làm việc trong các nhóm ngành trên có thể sẽ bị thất nghiệp trong vòng 10 năm tới.
Theo ghi nhận của báo cáo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” của AlphaBeta, nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại hơn 1,733 triệu tỉ đồng (74 tỉ USD) cho Việt Nam vào năm 2030. Khoản tiền này tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020. Dự kiến, các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất là sản xuất, nông nghiệp và thực phẩm, giáo dục và đào tạo.
Việt Nam có nhiều cơ hội để hưởng lợi từ nền kinh tế số. Đồng thời, có nền kinh tế Internet tăng trưởng nhanh thứ hai Đông Nam Á (sau Indonesia). Người trẻ Việt Nam không thua kém các quốc gia khác. Tuy nhiên, số lượng nhân sự này còn hạn chế và gặp một số rào cản trong khai thác lợi ích từ công nghệ số như: Các quy định pháp lý, khả năng kết nối kỹ thuật số, thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng số….
Nhìn trước viễn cảnh này, Chính phủ cần phải quan tâm đào tạo đến lực lượng hàng triệu lao động trẻ trong thời gian tới. Đồng thời, các trường đại học cũng như doanh nghiệp cũng cần phải đào tạo thế hệ trẻ tài năng trở thành công dân toàn cầu, để có thể cạnh tranh sòng phẳng với thế giới về công nghệ cũng như trình độ.
Việt Nam cần phát triển một môi trường thuận lợi cho thương mại số. Điều này đòi hỏi thúc đẩy dòng dữ liệu xuyên biên giới mở, nới lỏng chính sách hạn chế về dữ liệu, khuyến khích khả năng tương tác của các khuôn khổ kỹ thuật số và giảm thiểu xung đột biên giới.
Thu Hà (t/h)