Chủ nhật, 28/04/2024 06:19 (GMT+7)
Thứ bảy, 11/12/2021 17:00 (GMT+7)

Rác thải nông thôn vẫn là một vòng luẩn quẩn?

Theo dõi KTMT trên

Với tốc độ đô thị hóa nông thôn nhanh chóng như ngày nay, rác vô cơ ngày càng nhiều, trở thành một vấn đề nhức nhối trong công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn.

Giai đoạn 2021-2025 cần thiết phải giải bài toán về rác thải nông thôn

Xử lý rác thải nông thôn luôn được đánh giá là “bài toán” khó trong thập kỷ nay nhưng vẫn chưa có lời giải tối ưu. So với đô thị, việc xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Trước hết, mặc dù là nước ta là nước nông nghiệp nhưng việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động xử lý rác thải ở khu vực này còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Chủ yếu kinh phí do người dân đóng góp chỉ đủ trả thù lao cho người thu gom rác.

Trong khi đó, công việc thu gom rác hàng ngày thường vất vả, tiếp xúc với chất độc hại, mà tiền công thấp, không đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động, nên ít người muốn làm. Thế nhưng, các địa điểm chỉ định để thu gom rác thải hàng ngày từ các hộ dân thường thưa thớt hơn và ở cách xa khu dân cư nên việc vứt rác không thể thuận tiện như trong thành phố.

Rác thải nông thôn vẫn là một vòng luẩn quẩn? - Ảnh 1
Thu gom rác thải ở nông thôn gặp nhiều khó khăn hơn so với thành phố. (Ảnh: moitruong24h.com)

Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng, có một lợi thế khi xử lý rác thải nông thôn, đó là lượng rác chiếm phần lớn là rác hữu cơ. Người dân thường có thói quen chôn lấp chúng ngay trong vườn nhà. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nông thôn nhanh chóng như ngày nay, rác vô cơ ngày càng nhiều lên, trở thành một vấn đề nhức nhối trong công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn.

Dễ thấy nhất trên các tuyến đường nội đồng, nội bản, liên xã, huyện, tại khu vực sinh sống đến các khu vực vắng vẻ xa khu dân cư là túi ni lông, chai nhựa, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, các loại rác sau thu hoạch nông nghiệp,…

Theo các chuyên gia, giai đoạn 2021-2025, yêu cầu chúng ta phải có những biện pháp rất tích cực, triệt để và căn cơ thì mới giải quyết được “bài toán” về rác thải nông thôn. Đáng nói, muốn giải quyết triệt để và tối ưu vấn đề rác thải sinh hoạt, bắt buộc người dân phải phân loại tại nguồn.

Tuy nhiên, bao lâu nay, việc kêu gọi người dân tự phân loại rác trước khi thải bỏ vẫn chưa đạt được hiệu quả đáng kể. Bởi còn quá nhiều vướng mắc trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ hóa quy trình phân loại tại nguồn cho tới thu gom, xử lý khiến việc tái chế, tái sử dụng rác thải cũng gần như… “đi vào ngõ cụt”.

Giảm thiểu rác thải từ gốc

Phân loại rác đầu nguồn là việc khó khăn nhưng vẫn phải làm bởi không có cách nào khác. Hiện nay, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung không chỉ đơn giản nói đến việc giữ gìn nhà cửa, làng xóm xanh – sạch – đẹp, mà đã được mở rộng hơn, bao gồm cả những hoạt động tiêu dùng bền vững như hạn chế tối đa túi ni lông, các đồ nhựa dùng một lần, sử dụng tối ưu thực phẩm, tăng cường tái sử dụng.

Rác thải nông thôn vẫn là một vòng luẩn quẩn? - Ảnh 2
Phân loại rác thải từ gốc là việc làm mà mỗi người dân đều có thể. (Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường)

Cụ thể, theo tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường mới, việc xử lý rác thải sinh hoạt cần tư duy mới về những giải pháp đồng bộ, toàn diện và sáng tạo để giải quyết được nhiều vấn đề cốt lõi.

Một là làm sao có thể hệ thống hóa được việc phân loại rác tại nguồn, vận chuyển, xử lý, tái chế, tái sử dụng.

Hai là xác định trách nhiệm của người xả rác thải vào môi trường theo nguyên tắc người xả thải nhiều sẽ phải có trách nhiệm nhiều hơn.

Ba là cần tiếp cận rác thải trên cả vòng đời của sản phẩm, nhằm hướng tới xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn – xanh, tức là chất thải ngành này phải thành nguyên liệu đầu vào cho ngành khác.

Đơn cử, theo đề xuất của một số chuyên gia, mỗi địa phương nên có một tư duy quy hoạch về vùng xử lý rác, theo đó mỗi tỉnh, thành nên cân nhắc có một kiến trúc sư trưởng về vấn đề rác để hoạch định từ công tác quy hoạch để đạt được sự đồng bộ và hiệu quả trong công tác xử lý rác nông thôn.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Rác thải nông thôn vẫn là một vòng luẩn quẩn?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới