Rác thải điện tử những 'sát thủ' nguy hại cho môi trường
Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), trong rác thải điện tử có chứa hơn 1.000 hợp chất khác nhau, chủ yếu là thành phần kim loại nặng, kim loại quý, các chất hữu cơ cao phân tử khác… trong đó có chứa nhiều chất độc hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Rác thải điện tử là gì?
Rác thải điện tử là một nhóm chất thải đặc thù, nó bao gồm bất kỳ sản phẩm nào có dùng pin và dây dẫn điện, thường chứa các vật liệu độc hại cho con người và môi trường. Khi hết thời hạn sử dụng, bị lỗi mốt, bị hỏng không còn khả năng phục hồi chúng sẽ bị thải bỏ và trở thành rác điện tử.
Trong các dòng rác thải hiện nay, rác thải điện tử được quan tâm chú ý đến nhiều nhất vì đây là dòng rác thải có tốc độ tăng nhanh gấp 3 lần so với các loại rác thải khác.
Ở Việt Nam, rác thải điện tử còn được quan tâm bởi cơ sở hạ tầng hạn chế đối với việc tái chế và xử lý loại chất thải này, cũng như sự phân biệt còn mơ hồ giữa một dạng chất thải nguy hại và một dạng tài nguyên đô thị điển hình.
Rác thải điện tử đang có tốc độ tăng nhanh gấp 3 lần so với các loại rác thải khác. |
Rác thải điện tử có tác hại thế nào đến sức khỏe con người?
Những rác điện tử như điện thoại, tủ lạnh... nhìn bề ngoài thì hoàn toàn thấy vô hại nhưng những chất cấu tạo nên nó mới thực sự độc hại. Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), trong rác thải điện tử có chứa hơn 1.000 hợp chất khác nhau, chủ yếu là thành phần kim loại nặng, kim loại quý, các chất hữu cơ cao phân tử khác… trong đó có chứa nhiều chất độc hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ngoài ra, chất độc có trong đồ điện tử cũ khi bị phát tán ra môi trường sẽ khó có thể nhận biết, dễ gây tâm lý chủ quan với những tác hại mà các chất độc này có thể gây ra, những hóa chất này tiềm ẩn nguy cơ gây ra các chứng bệnh rất khó chữa trị và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người như bệnh ung thư, bệnh về đường hô hấp, bệnh tim mạch và thần kinh…
Ở Việt Nam, các vựa ve chai thường thu mua loại rác này và họ tự tháo gỡ những bộ phận bên trong để bán lại. Chính vì sự vô tình này đã làm các chất độc hại bám vào đất và tích tụ dần thẩm thấu vào nguồn nước ngầm.
Không chỉ vậy, tay chân họ cũng dính những chất kim loại nặng đó, mặc dù rửa với xà bông nhưng nó vẫn sẽ còn bám lại và dễ gây bệnh cho những người tiếp xúc trực tiếp. Các kim loại và hoá chất ở rác thải điện tử có thể chưa gây ra mối nguy hại với liều lượng rất nhỏ, bởi khi đi vào cơ thể, chúng sẽ bị cơ thể đào thải. Tuy nhiên, nếu cơ thể đào thải chậm, chúng sẽ là mối nguy lớn. Nhiều hoá chất và kim loại trong số này được biết đến như là nguyên nhân của những căn bệnh nghiêm trọng như ung thư, suy giảm nhận thức, hay các cơ quan nội tạng bị huỷ hoại …
Tiếp xúc với rác thải điện tử là nguy hại với con người. |
Hiện nay, có nhiều nhà máy xử lý rác điện tử còn thô sơ, không được vận hành một cách an toàn. Đốt cháy rác thải điện tử một cách bừa bãi, làm khí đốt độc hại lẫn vào không khí gây ô nhiễm không khí, trong đó có cả chất thải dioxin rất dễ gây ra quái thai, dị tật đối với thai nhi...
Rác thải điện tử là tivi, camera, màn hình máy tính thường có ống tia cực âm bên trong, ống chứa những chất như chì và baric dễ ngấm vào đất và nước ngầm nơi tái chế. Điều này không chỉ nguy hiểm cho người uống và tắm bằng nguồn nước này mà còn cho cả nhiều loại động thực vật sinh sống dựa vào nguồn nước đó.
Ngoài các nguy cơ đối với môi trường, rác thải điện tử cũng tạo ra mối đe doạ về an ninh thông tin đối với các cá nhân và tổ chức. Nếu một ổ cứng không được xoá đi đúng cách trước khi bị bỏ đi, nó có thể bị xâm nhập và lấy đi các thông tin nhạy cảm. Số thẻ tín dụng, dữ liệu tài chính và thông tin tài khoản có thể bị lấy đi theo cách này. Có hàng loạt tội phạm có tổ chức ở Ghana chuyên khai thác thông tin mật từ các ổ đĩa máy tính bị vứt bỏ.
Xuân Đoàn