Thứ tư, 27/11/2024 00:34 (GMT+7)
Thứ năm, 20/05/2021 14:43 (GMT+7)

Rà soát số liệu cập nhật và công bố hiện trạng rừng năm 2020

Theo dõi KTMT trên

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố chấn chỉnh, rà soát số liệu cập nhật và công bố hiện trạng rừng năm 2020.

Rà soát số liệu cập nhật và công bố hiện trạng rừng năm 2020 - Ảnh 1
Rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN) 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, việc cập nhật, tổng hợp và báo cáo của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh chậm, quyết định công bố hiện trạng rừng nhiều địa phương chưa thực hiện; kết quả biến động diện tích tại một số địa phương giảm, đặc biệt rừng tự nhiên nhưng chưa rõ nguyên nhân.

Để thực hiện nghiêm quy định về công bố hiện trạng rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp; thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố giao các sở, ngành, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp được quy định tại khoản 4, Điều 102 Luật Lâm nghiệp.

Đối với các địa phương có diện tích rừng tự nhiên năm 2020 giảm so với năm 2019, các tỉnh, thành phố rà soát, xác định và báo cáo cụ thể về vị trí, diện tích, trạng thái rừng tự nhiên bị giảm theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2020. Đồng thời, xác định nguyên nhân giảm; xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra mất rừng; báo cáo cụ thể về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 10/6/2021.

Các tỉnh, thành phố chấn chỉnh trong quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng tự nhiên theo quy định của Luật Lâm nghiệp và Chỉ thị số 13/CT-TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đối với 6 những địa phương chưa công bố hiện trạng rừng năm 2020, gồm: Bình Thuận, Tây Ninh, Cà Mau, Thái Nguyên, TP.HCM, Gia Lai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh, thành phố thực hiện công bố hiện trạng rừng năm 2020.

Cùng đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm túc việc tham mưu quyết định ban hành công bố hiện trạng rừng theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và pháp luật về Lâm nghiệp; báo cáo nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm và đề xuất biện pháp khắc phục việc chậm ban hành quyết định công bố hiện trạng rừng.

Bên cạnh đó, các địa phương này phải kịp thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nếu có sai khác so với Quyết định số 1558/QĐ-BNN-TCLN về việc công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2020 để xem xét, điều chỉnh phù hợp.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 1558/QĐ-BNN-TCLN về việc công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2020. Quyết định công bố hiện trạng rừng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở các Quyết định công bố của UBND cấp tỉnh theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng.

Theo đó, hiện trạng rừng toàn quốc đến ngày 31/12/2020 như sau: diện tích đất có rừng bao gồm cả rừng trồng chưa khép tán 14.677.215ha; Trong đó rừng tự nhiên 10.279.185 ha; Rừng trồng 4.398.030 ha. Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỉ lệ che phủ toàn quốc là 13.919.557ha, tỉ lệ che phủ là 42,01%.

Bích Hồng

Bạn đang đọc bài viết Rà soát số liệu cập nhật và công bố hiện trạng rừng năm 2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.

Tin mới

Masan 2024: Tích cực với mảng cốt lõi tiêu dùng bán lẻ
Năm 2024 là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế xã hội Việt Nam, mặc dù được đánh giá tốc độ phục hồi không quá nhanh nhưng thị trường tiêu dùng bán lẻ đã bước đầu có những tín hiệu khả quan và dự báo có tiềm năng bứt phá hơn trong thời gian tới.