Thứ bảy, 23/11/2024 03:47 (GMT+7)
Thứ sáu, 10/01/2020 06:30 (GMT+7)

Quyết định của Nhật mở ra 'những cánh cửa mới' cho vải thiều Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Việc Nhật Bản cho phép nhập khẩu quả vải thiều của Việt Nam sẽ mở ra cơ hội mới cho mặt hàng này, đồng thời giúp các doanh nghiệp Việt Nam hạn chế sự phụ thuộc vào 1 thị trường.

Quyết định của Nhật mở ra 'những cánh cửa mới' cho vải thiều Việt Nam - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Ngày 9/1, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, đã khẳng định việc Nhật Bản cho phép nhập khẩu quả vải thiều của Việt Nam sẽ giúp mở ra “những cánh cửa xuất khẩu” mới cho mặt hàng này, đồng thời giúp các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam hạn chế sự phụ thuộc vào một thị trường nào đó.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, ông Tạ Đức Minh nói: “Vải thiều là mặt hàng hoa quả tươi thứ 4 của Việt Nam sau thanh long, xoài và chuối được phép nhập khẩu vào thị trường này. Vì Nhật Bản là một trong những thị trường có tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe nhất thế giới nên việc quả vải tươi của Việt Nam thâm nhập thành công vào thị trường này sẽ giúp chúng ta mở thêm những cánh cửa xuất khẩu sang các nước phát triển khác".

Để tận dụng tốt cơ hội này, theo ông Tạ Đức Minh, các doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả Việt Nam cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về kiểm dịch và tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản.

Đáng chú ý, cần phải đặc biệt lưu ý về khâu kiểm dịch bởi vì, bất cứ lô vải thiều tươi nào có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức quy định của Nhật Bản đều sẽ bị trả lại hoặc bị tiêu hủy cho dù lô hàng này đã được xử lý côn trùng.

Bên cạnh đó, ông Tạ Đức Minh khuyến cáo hoa quả xuất khẩu phải từ nơi có quy hoạch vùng trồng, được kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có thể truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm và tuyệt đối không được dùng thuốc bảo vệ thực vật mà phía Nhật Bản không cho phép.

Ngoài ra, theo ông Tạ Đức Minh, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu áp dụng công nghệ bảo quản tiên tiến để giữ được quả vải tươi lâu hơn.

Tháng trước, Bộ Nông-lâm-ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã thông báo cho Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam về việc nước này mở cửa thị trường cho quả vải thiều của Việt Nam kèm theo các quy định về kiểm dịch thực vật đối với vải thiều nhập khẩu.

Quy định này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2019.

Cụ thể, MAFF yêu cầu quả vải thiều tươi xuất khẩu vào Nhật Bản phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ Thực vật kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản.

Lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng methyl bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ Thực vật và MAFF công nhận với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian 2 giờ, dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, các lô quả vải thiều xuất khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ Thực vật cấp.

Trước đó, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá quả vải Việt Nam tại thị trường Nhật Bản.

Cụ thể, từ năm 2018, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã nhiều lần đưa các doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam đi khảo sát vùng trồng vải thiều Lục Ngạn và có những buổi làm việc với đại diện Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang và lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Lục Ngạn nhằm xem xét khả năng nhập khẩu mặt hàng hoa quả này của Việt Nam.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Quyết định của Nhật mở ra 'những cánh cửa mới' cho vải thiều Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới