Thứ tư, 09/10/2024 10:47 (GMT+7)
Thứ sáu, 18/11/2022 12:00 (GMT+7)

Quyền sử dụng đất trong trường hợp hộ gia đình có nhiều thành viên

Theo dõi KTMT trên

Cần xây dựng lại khái niệm hộ gia đình sử dụng đất trong Luật Đất đai sửa đổi trên cơ sở làm rõ phạm vi và chủ thể có quyền sử dụng đất của hộ gia đình trong trường hợp hộ gia đình có nhiều thành viên, thuộc nhiều thế hệ.

Luật Đất đai có tác động đến mọi mặt đời sống và đến mọi người dân. Sửa đổi Luật lần này đã cơ bản bao quát nội dung phạm vi điều chỉnh. Trong đó, nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung đã đủ rõ, đủ chín, khắc phục những hạn chế, bất cập hiện hành hướng đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản, bảo đảm quyền người sử dụng đất và thúc đẩy sự phát triển. Nhiều đại biểu tại trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV cũng bày tỏ tán thành với cách tiếp cận của dự thảo Luật theo nhóm nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Luật Đất đai sửa đổi cần xây dựng lại khái niệm "hộ gia đình" sử dụng đất trên cơ sở làm rõ phạm vi và chủ thể có quyền sử dụng đất trong trường hợp hộ gia đình có nhiều thành viên.

Quyền sử dụng đất trong trường hợp hộ gia đình có nhiều thành viên - Ảnh 1

Luật Đất đai sửa đổi cần xây dựng lại khái niệm "hộ gia đình" sử dụng đất trên cơ sở làm rõ phạm vi và chủ thể có quyền sử dụng đất trong trường hợp hộ gia đình có nhiều thành viên. (Ảnh minh họa)

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai và Kinh doanh bất động sản, Khoa Pháp luật Kinh tế (Đại học Luật Hà Nội) cho biết: Việc công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân gặp nhiều khó khăn, phức tạp khi khái niệm hộ gia đình theo khoản 26 Điều 3 về hộ gia đình không hợp lý, trên thực tế không thể thực hiện được.

Cùng với đó PGS.TS Nga phân tích: "Có rất nhiều hệ lụy và nhiều quan điểm khác nhau về hộ gia đình sử dụng đất mà nguyên nhân bắt nguồn từ Luật Đất đai hiện hành không quy định rõ ràng, cụ thể về khái niệm hộ gia đình, về cơ sở xác lập quyền sử dụng đất của hộ gia đình, về giải quyết những tồn động do lịch sử trước đây cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình mà không ghi rõ ai trong hộ gia đình có quyền sử dụng đất và hiện tại phát sinh tranh chấp và những mâu thuẫn giữa Luật Đất đai và Luật khác có liên quan đến hộ gia đình. Điều đó làm phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai".

Đồng thời, bà Nga dẫn giải: Theo Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013, để được xem là thành viên "hộ gia đình" sử dụng đất phải đáp ứng các dấu hiệu sau: Thứ nhất, là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Thứ hai, những chủ thể trên phải đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất". Những thành viên không đáp ứng được hai yếu tố trên thì không được xem là thành viên của hộ gia đình sử dụng đất. Điều này phát sinh một số vướng mắc sau đây:

Một là, xem xét vấn đề huyết thống khi công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình còn nhiều quan niệm khác nhau. Việc xác định quan hệ huyết thống theo quy định của pháp luật Việt Nam không thống nhất, theo đó, khi xem xét để công nhận quyền sử dụng đất nếu dựa trên cơ sở các luật khác nhau sẽ có kết quả khác nhau.

Cụ thể: Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì việc xác định quan hệ huyết thống làm cơ sở cho việc xác định quan hệ thừa kế theo pháp luật được tính đến 03 đời. Tương tự, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cũng xác định khái niệm gia đình, thành viên trong hộ gia đình và cách thức xác định quan hệ huyết thống cũng được xác định đến 03 đời. Trong khi đó, Luật Quốc tịch năm 2018 khi xác định quốc tịch theo nguyên tắc huyết thống thì lại chỉ tính đến đời cha mẹ thôi.

Như vậy, khi xem xét công nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp đất không có bất kỳ loại giấy tờ nào, song đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 101 Luật Đất đai 2013 mà trong hộ gia đình có nhiều thành viên thuộc nhiều thế hệ sinh sống và căn cứ vào quan hệ huyết thống để công nhận quyền sử dụng đất cho các thành viên thì không biết áp dụng pháp luật nào trong trường hợp này để thực hiện cho chính xác?

Trên thực tế, việc xác định quan hệ huyết thống để xác định quan hệ tài sản thường được áp dụng theo tinh thần của Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình và Luật Thuế thu nhập cá nhân, và xem xét để công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình theo quan hệ huyết thống cũng không phải là ngoại lệ. Luật Quốc tịch hoàn toàn không được áp dụng trong trường hợp này.

Hai là, vấn đề nuôi dưỡng: Việc xét công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình được dựa trên quan hệ nuôi dưỡng cũng là một phạm vi khá rộng và gây nhiều phức tạp, vướng mắc. Theo đó, nếu xét theo quan hệ nuôi dưỡng sẽ không còn giới hạn theo huyết thống hay quan hệ hôn nhân, khái niệm hộ gia đình trong trường hợp này thường dựa theo hộ khẩu (bao gồm cả người được xác định theo quan hệ hôn nhân, huyết thống và cả những người không có quan hệ hôn nhân, huyết thống) cũng được đứng tên trên giấy chứng nhận nếu họ chứng minh có quan hệ nuôi dưỡng.

Điều này sẽ hợp lý trong trường hợp đất mà các thành viên đang sử dụng không có sự biến động về diện tích, sổ hộ khẩu cũng không có sự sai khác về số lượng các thành viên sinh sống trên đất đó. Tuy nhiên, vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn và không thể xác định được quyền sử dụng đất một cách chính xác và công bằng khi xét công nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp có sự biến động về diện tích và có sự sai khác về số lượng thành viên trong hộ gia đình đó.

Ba là, hộ gia đình được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp đất mà hộ gia đình sử dụng không có bất kỳ loại giấy tờ gì song nguồn gốc đất khi xét công nhận và cấp giấy chứng nhận có diễn biến phức tạp, rất khó để xác định quyền sử dụng đất thuộc về thành viên nào trong hộ gia đình cho hợp lý và chính xác.

PGS.TS Nguyễn Thị Nga cho biết thêm, cần xây dựng lại khái niệm hộ gia đình sử dụng đất trong Luật Đất đai sửa đổi trên cơ sở làm rõ phạm vi và chủ thể có quyền sử dụng đất của hộ gia đình trong trường hợp hộ gia đình có nhiều thành viên, thuộc nhiều thế hệ, có nhiều mối quan hệ đan xen như: quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng… để bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng đất là con dâu, là vợ, là cháu gái khi ở cùng với gia đình mà đất đó chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho biết: Cần sửa đổi, bổ sung về cách giải thích khái niệm hộ gia đình sử dụng đất như sau: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người thành viên có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất” đảm bảo sự tương thích, thống nhất với quy định tại Điều 20, Điều 21 của Bộ luật dân sự năm 2015”.

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, khi chọn lọc ghi tên ai vào "sổ đỏ" sẽ chính xác hóa được quyền tài sản thực sự với thửa đất đó. Việc này có lợi cho người dân. Tuy nhiên, điều này cũng phát sinh thủ tục hành chính để chứng minh được tài sản đó thuộc về ai. Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể để làm rõ thế nào là quyền tài sản, quyền tài sản chung và khi ghi vào "sổ đỏ" phải ghi thế nào cho chính xác.

Đất đai là lĩnh vực nóng nhất những năm qua, cũng là lĩnh vực có số cán bộ cấp cao sai phạm nhiều nhất. Để đất đai không chỉ là nguồn lực cho phát triển mà còn góp phần ổn định xã hội và tâm lý người dân... là điều người dân kỳ vọng ở Luật Đất đai sửa đổi.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Quyền sử dụng đất trong trường hợp hộ gia đình có nhiều thành viên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa Phát nộp ngân sách 10.000 tỷ đồng trong 9 tháng
Sau 9 tháng của năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát đã nộp vào ngân sách Nhà nước 10.000 tỷ đồng. Trong đó, các công ty thành viên có đóng góp ngân sách nhiều nhất là Thép Hòa Phát Dung Quất, Thép Hòa Phát Hải Dương, Ống thép Hòa Phát...