Quy hoạch tài nguyên nước là “chìa khóa” giải quyết an ninh nguồn nước quốc gia
Áp lực từ gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao khiến tài nguyên nước có nguy cơ cạn kiệt. Quy hoạch tài nguyên nước là “chìa khóa” để giải quyết những yêu cầu thực tiễn trong quản lý Nhà nước về nguồn tài nguyên này.
Áp lực ô nhiễm ngày càng cao
Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên nước rất dồi dào (106 lưu vực sông với khoảng 3.450 sông, suối) song phân bố không đồng đều theo thời gian và không gian (Lượng nước trong 3-5 tháng mùa lũ chiếm tới 70-80%, trong khi đó 7-9 tháng mùa kiệt chỉ xấp xỉ 20-30% lượng nước cả năm).
Áp lực từ gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao khiến tài nguyên nước có nguy cơ cạn kiệt. Những áp lực này sẽ tạo nên các yếu tố kém bền vững cho phát triển nếu tài nguyên nước không được quản lý thống nhất và được chia sẻ, khai thác một cách hợp lý, hiệu quả.
Đặc biệt, vẫn còn tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ, suy thoái, khô hạn ở một số nơi, lưu lượng nước không đều, bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, sạt lở, nước biển dâng; áp lực phát triển kinh tế - xã hội, làm cho nhu cầu sử dụng nước gia tăng; ô nhiễm môi trường…
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới - WB, nếu chúng ta không giải quyết triệt để các thách thức này thì đến năm 2045 sẽ là quốc gia căng thẳng về nguồn nước, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Châu Trần Vĩnh cho biết.
Trong bối cảnh đó, Quy hoạch tài nguyên nước là “chìa khóa” để giải quyết những yêu cầu của thực tiễn trong công tác quản lý Nhà nước về nguồn tài nguyên này. Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia sẽ định hướng tổng thể việc điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ và phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên phạm vi toàn quốc, vùng kinh tế, lưu vực sông.
Trong quá trình triển khai lập quy hoạch, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phân tích, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng nước và nhu cầu sử dụng nước trong kỳ quy hoạch, được tổng hợp từ thông tin, số liệu của khoảng 7.490 hồ chứa (dung tích trên 50.000 m3 trở lên); 35.900 công trình khai thác, sử dụng nước khác; dữ liệu vận hành của hơn 130 hồ chứa trong 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa và khoảng 200 hồ chứa khác được cập nhật thường xuyên, liên tục trên trang web của Bộ Tài nguyên và Môi trường; số liệu quan trắc của gần 1.000 điểm quan trắc nước dưới đất.
Quy hoạch ngành đầu tiên trong lĩnh vực tài nguyên nước
Trong thời gian qua, chất lượng nguồn nước các lưu vực sông chính đã và đang dần được kiểm soát về mức độ gia tăng ô nhiễm, đặc biệt là các đoạn sông ô nhiễm nghiêm trọng như sông Cầu (tỉnh Thái Nguyên), sông Thị Vải (tỉnh Đồng Nai), sông Đồng Nai (Đồng Nai, tỉnh Bình Dương).
Mặc dù, các quy định của pháp luật về tài nguyên nước đã tạo ra khung pháp lý cho các hoạt động khai thác, sử dụng cũng như bảo vệ tài nguyên nước, tuy nhiên, thực tế quá trình thực hiện, các quy định đó đã bộc lộ một số điểm hạn chế, bất cập. Đơn cử, trên một dòng sông, ngành tài nguyên và môi trường quản lý chất lượng môi trường sông, ngành NN&PTNT sử dụng nước sông trong tưới tiêu, ngành Công Thương quản lý các công trình thủy điện trên sông, ngành Giao thông vận tải phụ trách quản lý vận tải sông và hệ thống cảng... Thế nhưng lại thiếu đi một cơ chế quản lý thống nhất. Chính vì vậy, cần đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên nước, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu có nhiều mối quan hệ tương quan khá phức tạp tới tài nguyên nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Quy hoạch tài nguyên nước đã cơ bản cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
Định hướng của quy hoạch đã tuân thủ theo quan điểm một cách nhất quán, xuyên suốt, rõ ràng và đầy đủ, bám sát mục tiêu quy hoạch. Các định hướng xác định dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, đầy đủ và khả thi, bám sát mục tiêu đặt ra.
Trong cuộc họp thẩm định Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hội đồng đã bỏ phiếu hồ sơ quy hoạch với kết quả 100% ý kiến thông qua. Đây là quy hoạch ngành quốc gia lần đầu tiên được lập trong lĩnh vực tài nguyên nước, là định hướng tổng thể cho các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch lưu vực sông và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành có khai thác, sử dụng nước.
Dù vậy, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng lưu ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát lại các số liệu, bảo đảm nhất quán. Quy hoạch phải làm rõ hơn các giải pháp về bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ chất lượng nguồn nước, như giải pháp đối với tình trạng mực nước sông Hồng xuống thấp, giải pháp khắc phục tình trạng úng ngập, hạn hán ở miền Trung, xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Giải pháp bảo vệ môi trường là hàng đầu, Phó Thủ tướng nêu rõ, giải pháp không chỉ một bộ, ngành mà phải tổng thể.
Cho rằng cần bổ sung thêm danh mục các hồ chứa như một số ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng lấy ví dụ vùng ĐBSCL cần được quy hoạch thêm một số hồ chứa quy mô đủ lớn để góp phần chủ động nguồn nước, ứng phó tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn.
Những năm gần đây, mặc dù hạn hán, xâm nhập mặn vẫn thường xuyên xảy ra tại vùng ĐBSCL, song với sự chủ động của các ngành chức năng trong việc quy hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng, tạo nguồn, tích trữ nước đã giúp cho các địa phương vùng ĐBSCL cơ bản đảm bảo nguồn nước cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.
Hiện nay, tỉnh Hậu Giang cơ bản đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi khép kín kết hợp với các cống ngăn mặn ở phía biển Đông và biển Tây, nên đã chủ động điều tiết, cung cấp đủ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đối với nguồn nước phục vụ sinh hoạt hằng ngày của người dân, các đơn vị cấp nước của tỉnh Hậu Giang đang tập trung khai thác nước mặt trên kênh Xáng Xà No, sông Hậu.
Trong khi đó, những năm gần đây, TP.Cần Thơ ngoài việc cung cấp đủ nguồn nước cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, còn đẩy mạnh hoạt động cấp nước sinh hoạt cho người dân ở khu vực đô thị và nông thôn. Theo báo cáo của ngành chức năng TP. Cần Thơ, tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ dân cư ở khu vực đô thị sử dụng nước sạch đạt 98%, khu vực nông thôn đạt 85,5%.
Lan Anh