Chủ nhật, 24/11/2024 23:19 (GMT+7)
Thứ tư, 15/03/2023 06:50 (GMT+7)

Quy chuẩn chất lượng môi trường xung quanh: Công cụ cải thiện chất lượng môi trường sống

Theo dõi KTMT trên

Bộ TN&MT vừa ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh bao gồm 5 quy chuẩn cơ bản về chất lượng đất, không khí, nước mặt, nước dưới đất, nước biển.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư số 01/2023/TT-BTNMT ngày 13/3 về ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh.

Theo đó, 5 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh được ban hành, bao gồm:

  1. QCVN 03:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng đất.
  2. QCVN 05:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí.
  3. QCVN 08:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.
  4. QCVN 09:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất.
  5. QCVN 10:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển.
Quy chuẩn chất lượng môi trường xung quanh: Công cụ cải thiện chất lượng môi trường sống - Ảnh 1
5 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh vừa được Bộ TN&MT ban hành.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/9/2023. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các quy chuẩn sau hết hiệu lực thi hành. Cụ thể: QCVN 15:2008/BTNMT ban hành kèm theo Quyết định số 16/2008/QĐ-BTNMT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; QCVN 05:2013/BTNMT ban hành kèm theo Thông tư số 32/2013/TT-BTNMT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Thông tư cũng nêu rõ, đối với các nhiệm vụ, dự án đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ đã được phê duyệt trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành có nội dung đánh giá các thông số nitrate (NO3- tính theo N) và phosphate (PO43- tính theo P) thì tiếp tục được áp dụng ngưỡng giới hạn thông số nitrate, phosphate quy định tại QCVN 08-MT:2015/BTNMT ban hành kèm theo Thông tư số 65/2015/TT-BTNMT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, trừ các nhiệm vụ, dự án được điều chỉnh để áp dụng QCVN 08:2023/BTNMT.

Bên cạnh đó, các nhiệm vụ, dự án xử lý đất bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật hữu cơ khó phân hủy tồn lưu đã được phê duyệt trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được áp dụng QCVN 54:2013/BTNMT ban hành kèm theo Thông tư số 43/2013/TT-BTNMT quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, trừ các nhiệm vụ, dự án được điều chỉnh để áp dụng QCVN 03:2023/BTNMT.

Theo báo cáo của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường: Cục được giao xây dựng 28 quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia của Việt Nam (QCVN), bao gồm: 8 QCVN về chất lượng môi trường xung quanh; 7 QCVN về chất thải; 7 QCVN về quản lý chất thải; 5 QCVN về quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; 1 QCVN về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy trong nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa và thiết bị.

Đến nay, đã có 14 QCVN đã xong các bước thẩm định chờ ban hành; 1 QCVN đang trong quá trình thẩm định; 3 QCVN đang trong quá trình thẩm tra của Vụ KH&CN và 10 QCVN đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Cụ thể, về các QCVN về chất lượng môi trường xung quanh, có 5 QCVN đang chờ Bộ trưởng ký ban hành (gồm không khí xung quanh, nước mặt, nước dưới đất, nước biển, giới hạn tối đa cho phép của một số chất ô nhiễm trong đất) và 3 QCVN chất lượng môi trường về tiếng ồn, độ rung và trầm tích đang trong quá trình hoàn thiện.

Theo Điều 98 Luật Bảo vệ môi trường 2020, quy định việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường xung quanh phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

Thứ nhất, đáp ứng mục tiêu bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường sống nhằm bảo đảm sức khỏe của con người, phát triển của các loài sinh vật và phát triển bền vững các hệ sinh thái; phục vụ hoạt động quy hoạch, phân vùng môi trường, đánh giá chất lượng môi trường;

Thứ hai, bảo đảm tương đương với các quốc gia phát triển và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của đất nước và từng vùng.

Ngoài ra, việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường xung quanh phải bảo đảm làm căn cứ để phân loại, đánh giá chất lượng môi trường tại một vị trí hoặc một khu vực. Đồng thời, thực hiện phân vùng môi trường phù hợp với mục đích quản lý và sử dụng;

Ngoài ra, đảm bảo căn cứ để xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường, xem xét, cấp phép môi trường cho đối tượng có hoạt động xả thải vào môi trường, bảo đảm việc xả thải phù hợp với mục đích quản lý chất lượng môi trường tại khu vực đã được quy hoạch, phân vùng hoặc phân loại.

Tại cuộc họp báo cáo kết quả xây dựng các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường chính là cơ sở để thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Cần áp dụng kinh nghiệm các nước có tiêu chuẩn hiện đại như Hàn Quốc, đồng thời nghiên cứu, điều chỉnh các thông số cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường nghiên cứu, đề xuất danh sách các quy chuẩn mới cần ban hành, đáp ứng yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường. Vụ Môi trường nghiên cứu xây dựng hệ thống quy chuẩn để thực hiện có trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Quy chuẩn chất lượng môi trường xung quanh: Công cụ cải thiện chất lượng môi trường sống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới