Thứ sáu, 29/03/2024 09:10 (GMT+7)
Thứ hai, 14/03/2022 18:00 (GMT+7)

Quỹ bình ổn 'ở đâu' khi xăng dầu tăng phi mã?

Theo dõi KTMT trên

Theo thông tư của Bộ Tài chính, quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; toàn bộ để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoạt động như thế nào?

Quỹ bình ổn giá xăng dầu được lập tại doanh nghiệp khi được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm trích lập, chi sử dụng, báo cáo, công khai về Quỹ bình ổn giá xăng dầu và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định.

Quỹ bình ổn 'ở đâu' khi xăng dầu tăng phi mã? - Ảnh 1
Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể là 300 đồng/lít. (Ảnh minh họa)

Thông tư quy định, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể là 300 đồng/lít đối với các loại xăng, các loại dầu diesel, dầu hỏa và 300 đồng/kg đối với các loại dầu mazut ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa và được xác định là một yếu tố cấu thành giá cơ sở và giá bán của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở.

Bên cạnh đó, mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu này được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tế tại thời điểm điều hành giá xăng dầu.

Cụ thể, điều chỉnh giảm hoặc tạm dừng trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu dưới mức trên khi các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng, dầu kỳ công bố tăng trên 5% so với giá cơ sở xăng, dầu công bố kỳ trước liền kề hoặc việc tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.

Trường hợp cần thiết, điều chỉnh tăng mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu cao hơn mức quy định khi các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng, dầu kỳ công bố giảm trên 5% so với giá cơ sở xăng, dầu công bố kỳ trước liền kề hoặc căn cứ trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tình hình thực tế tại thời điểm công bố giá cơ sở xăng dầu.

Tổng mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong kỳ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được xác định bằng mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng, dầu quy định tại thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương nhân với sản lượng xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế đã tiêu thụ tại thị trường nội địa trong kỳ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Thông tư cũng nêu rõ, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không phát sinh cơ chế quản lý tập trung và không phát sinh tổ chức bộ máy, không có cơ chế tài chính riêng.

Quỹ bình ổn 'ở đâu' khi xăng dầu tăng phi mã? - Ảnh 2
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương). (Ảnh: Báo Sài Gòn giải phóng)

Về vấn đề này, theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết thời gian vừa qua có những thời điểm giá dầu thế giới tăng rất cao. Chúng ta biết rằng giá dầu là đầu vào của sản xuất, nên khi giá dầu tăng cao như vậy thì sẽ làm tăng chi phí các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tiêu dùng của người dân. Trong rổ hàng hóa thì giá dầu cũng chiếm một tỷ trọng tương đối cao khi tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), vì vậy nó cũng tác động tới chỉ số CPI. Tuy nhiên, trong quá trình điều hành giá xăng dầu thời gian qua, Bộ Công thương luôn bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sử dụng Quỹ bình ổn giá một cách linh hoạt, hiệu quả để đạt được mục tiêu vừa hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh bình thường mới nhưng cũng phải đảm bảo mục tiêu là kiểm soát lạm phát.

Chính phủ muốn làm rõ vai trò của Quỹ bình ổn

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.2022. Trong nghị quyết của Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương rà soát, làm rõ vai trò, sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Kịp thời báo cáo, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cấp phép, điều hành cung ứng xăng dầu theo cơ chế thị trường, bảo đảm sản lượng sản xuất trong nước và nhập khẩu đáp ứng nhu cầu thực tế tiêu thụ.

Quỹ bình ổn 'ở đâu' khi xăng dầu tăng phi mã? - Ảnh 3
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương rà soát, làm rõ vai trò, sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. (Ảnh: Báo Điện tử chính phủ)

Tăng cường quản lý thị trường, chủ động phương án điều tiết nguồn cung, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa; tập trung kiểm tra giám sát, quản lý các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, cơ sở bán lẻ xăng dầu.

Theo một thương nhân kinh doanh xăng dầu cho biết, theo quy định, mỗi lít xăng dầu trước khi bán ra thị trường được trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng. Việc trích lập quỹ thế này đang khiến người tiêu dùng thiệt thòi. Bởi bản chất của quỹ này chính là một khoản thu trước của người dân và doanh nghiệp. Việc quản lý quỹ được thực hiện tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, khi đó các doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn sẽ có quỹ rất lớn, những doanh nghiệp có thị phần thấp thì số dư quỹ thường nhỏ. 

Điều này sẽ dẫn đến việc khi thực hiện xả quỹ lớn - có thể dẫn đến các doanh nghiệp đầu mối có mức quỹ thấp sẽ âm quỹ và phải sử dụng tạm thời nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc vay ngân hàng thương mại để bù quỹ, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Trường hợp giá xăng dầu ổn định trong nhiều năm, vai trò của quỹ cũng tương tự một quỹ dự trữ từ nguồn đóng góp của người dân. Việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để tạo quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng.

Khi có thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương về mức trích lập, mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, thời gian thực hiện, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với sản lượng xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa theo quy định.

Mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tế và số dư Quỹ bình ổn giá tại thời điểm điều hành giá xăng dầu.
Trong đó, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong trường hợp các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng, dầu kỳ công bố tăng dưới 7% so với giá cơ sở xăng, dầu công bố kỳ trước liền kề, trừ trường hợp mức tăng giá xăng dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Quỹ bình ổn 'ở đâu' khi xăng dầu tăng phi mã?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Còn ai dám... ‘úp mặt’ vào sông quê!
Xin mượn lời bài hát “khúc hát sông quê” của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo để mở đầu cho bài viết này: “Con cá dưới sông, cây trồng trên bãi… Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn, một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng”…

Tin mới

Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.