Thứ sáu, 29/03/2024 01:35 (GMT+7)
Thứ tư, 16/03/2022 10:13 (GMT+7)

Quỹ an sinh sẽ được sử dụng nếu giảm thuế không kìm hãm được giá xăng

Theo dõi KTMT trên

"Nếu thuế, phí giảm hết cỡ mà giá vẫn cao thì phải sử dụng quỹ an sinh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu" - Bộ trưởng Công Thương cho biết.

Sẽ phải áp dụng các chính sách an sinh

Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên về xăng dầu tại phiên họp Thường vụ Quốc hội, ông Trần Văn Sáu (đại biểu tỉnh Đồng Tháp) đặt câu hỏi vì sao giá bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới biển động mạnh, 44-60%, nhưng giá trong nước chỉ tăng 25-40%. "Quá trình điều hành giá xăng dầu như vậy có gì mâu thuẫn, thiệt hại đó do ai gánh chịu?", ông hỏi.

Quỹ an sinh sẽ được sử dụng nếu giảm thuế không kìm hãm được giá xăng - Ảnh 1
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn sáng 16/3.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Công Thương giải thích, giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá thế giới do chủ yếu sử dụng linh hoạt các công cụ bình ổn giá, như Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Tại nhiều kỳ điều hành, nhà điều hành đã trích 500-1.500 đồng một lít xăng, dầu tuỳ loại. Nếu không trích quỹ này, ông Diên nói, "chúng ta không thể có giá thấp hơn thế giới".

Theo Bộ trưởng, bối cảnh thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý Nhà nước thì việc duy trì Quỹ bình ổn rất quan trọng, nhưng quỹ có hạn, hiện chỉ khoảng 600 tỷ đồng trong khi quỹ này tại nhiều doanh nghiệp đã âm lớn.

Khi hiện quỹ này không còn nhiều, hai Bộ đã đề xuất và Chính phủ có Nghị quyết đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Nếu chính sách này được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua, áp dụng từ 1/4 tới thì "hy vọng giá sẽ giảm".

Về khả năng giảm giá xăng dầu, ông Diên nói, sẽ phải phụ thuộc thị trường thế giới. Bộ Công Thương cam kết, biên độ giá thế giới tăng quá cao thì liên Bộ điều hành tăng ở mức có thể chấp nhận được.

"Công cụ là Quỹ bình ổn, rồi quỹ này không còn thì sử dụng thuế, phí. Nếu thuế, phí giảm hết cỡ mà giá vẫn cao thì phải sử dụng quỹ an sinh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu", ông nói.

Nhà máy lọc dầu trong nước hoạt động không hiệu quả

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đại biểu Kiên Giang) tranh luận với Bộ trưởng Công Thương về vấn đề của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Bà nói, nguồn cung xăng dầu được Bộ trưởng giải thích là không thiếu, do việc tăng nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung, tức là phụ thuộc nguồn bên ngoài. "Vậy vai trò của các nhà máy lọc dầu trong nước trong đảm bảo nguồn cung thế nào?", bà đặt vấn đề.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, vai trò của nhà máy trong nước hiện nay là một ẩn số trong phương trình giải bài toán nguồn cung trong nước.

Việt Nam có thời điểm không có nhà máy lọc dầu nào nhưng trong nước vẫn không thiếu xăng dầu, các nước bên cạnh không có nhà máy lọc dầu cũng không thiếu. Trong khi đó, các nước có nhà máy lọc dầu thì cũng không có giá chênh lệch quá xa so với giá thế giới.

Việt Nam hiện có hai nhà máy lọc dầu lớn. Nhà máy Bình Sơn do PVN đầu tư hoạt động ổn định, công suất cung cấp 30-35%. Nhưng Nghi Sơn là nhà máy liên doanh với đối tác nước ngoài thì hoạt động không hiệu quả.

Vấn đề nội tại của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, theo Bộ trưởng, chủ yếu là vấn đề tài chính. PVN, với tư cách là một bên trong liên doanh, đã báo cáo vấn đề này với Ủy ban quản lý vốn tại doanh nghiệp. PVN đang phối hợp với các cơ quan chức năng để đấu tranh, yêu cầu hai liên doanh còn lại thực hiện đúng cam kết cung ứng dầu ra thị trường trong nước. Nguồn nguyên liệu đầu vào của Nghi Sơn là nhập hoàn toàn từ dầu thô của Kuwait, trong bối cảnh biến động giá, việc khan hiếm nguồn cung là không thể tránh.

Bộ trưởng khẳng định, "khi nào PVN cam kết chắc chắn trước Bộ Công Thương rằng sản lượng lấy từ Nhà máy Nghi sơn đảm bảo nguồn cung theo kế hoạch thì Bộ Công Thương mới dừng nhập xăng dầu".

Cơ cấu tính giá xăng dầu phức tạp, nhiều loại thuế chưa hợp lý

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) đặt ra hai vấn đề liên quan tới xăng dầu trong phiên chất vấn. Cụ thể, theo đại biểu, cử tri băn khoăn thời gian tới xăng dầu có giảm giá được không. Thứ hai, cử tri cho rằng cơ cấu tính giá xăng dầu phức tạp, nhiều loại thuế chưa hợp lý.

"Cử tri muốn Bộ trưởng làm rõ vì sao xăng dầu là mặt hàng thiết yếu lại chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và việc thu thuế bảo vệ môi trường thời gian qua đã được đầu tư vào công tác bảo vệ môi trường ra sao?", đại biểu đề nghị với câu hỏi này thì Bộ trưởng Tài chính cùng chia sẻ làm rõ.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết giá xăng dầu có giảm hay không phụ thuộc vào xu hướng thế giới. Tuy nhiên, lúc giá xăng dầu tăng quá cao thì các bộ sẽ phối hợp tham mưu, điều hành tăng ở mức chấp nhận được.

"Công cụ là quỹ bình ổn. Quỹ bình ổn không còn thì sử dụng thuế phí. Thuế phí không còn thì hỗ trợ, an sinh", Bộ trưởng Diên cho biết.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Quỹ an sinh sẽ được sử dụng nếu giảm thuế không kìm hãm được giá xăng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội dự kiến xây đường tàu dọc 2 bờ sông Hồng
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Thủ đô sẽ nghiên cứu hệ thống xe buýt hiện đại hoặc tuyến monorail (hệ thống đường tàu một ray) chạy ven 2 bờ sông Hồng để kết hợp du lịch, cảnh quan.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.