Thứ bảy, 23/11/2024 16:31 (GMT+7)
Thứ bảy, 06/07/2024 09:50 (GMT+7)

Quảng Nam "thất thu" gần 500 tỷ mỗi năm khi Heineken tạm dừng nhà máy bia

Theo dõi KTMT trên

Công ty TNHH nhà máy bia Heineken Việt Nam thông báo tạm ngừng hoạt động, việc tạm ngừng này có nhiều lý do bất khả kháng và việc nhà máy tạm ngừng sẽ gây mất nguồn thu cho tỉnh Quảng Nam lên tới 500 tỷ đồng.

Ngân sách thát thu 500 tỷ đồng

Liên quan đến nhà máy bia Heineken Quảng Nam thuộc diện Công ty TNHH nhà máy bia Heineken Việt Nam thông báo tạm ngừng hoạt động, việc tạm ngừng này có nhiều lý do bất khả kháng và việc nhà máy tạm ngừng sẽ gây mất nguồn thu cho tỉnh Quảng Nam lên tới 500 tỷ đồng, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã có những chia sẻ với Dân Việt.

Theo đó, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, nguồn thu của tỉnh Quảng Nam thấp là có nhiều nguyên nhân và hiện nay nhà máy bia Heineken Quảng Nam đã thông báo tạm dừng hoạt động.

"Lý do sao nhà máy ngừng hoạt động là vì toàn quốc có 6 nhà máy bia, đơn vị họ có kế hoạch rất cụ thể, bền vững. Lượng bia sản xuất ra hiện tại của 6 nhà máy bia này rất lớn, nhưng do thị trường trong nước và thế giới sụt giảm nên việc tiêu thụ bia thấp. Theo đơn vị thông tin, nếu lượng bia sản xuất ra của 6 nhà máy như hiện tại, cho đến 10 năm nữa vẫn không tiêu thụ hết nên họ mới đành lòng bắt buộc giảm 1 nhà máy. Việc này bất khả kháng chứ không ai mong muốn.

Thứ hai, nhà máy bia ngừng hoạt động, tỉnh Quảng Nam sẽ thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng. Đây là thời điểm hiện tại, chứ mấy năm trước nguồn thu đến 1.000 tỷ đồng. Dù hiện bia vẫn tiêu thụ tại Quảng Nam, nhưng không có nhà máy thì thuế thu nhập đặc biệt không có. Nói tóm lại, mỗi năm tỉnh Quảng Nam sẽ mất đi 500 tỷ đồng", ông Bửu cho biết.

Quảng Nam "thất thu" gần 500 tỷ mỗi năm khi Heineken tạm dừng nhà máy bia - Ảnh 1
Việc tạm ngừng của Heineken sẽ gây mất nguồn thu cho tỉnh Quảng Nam lên tới 500 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính dẫn đến quyết định này là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của người dân. Từ sau giai đoạn dịch, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, niềm tin và nhu cầu của người tiêu dùng sụt giảm.

Kết quả là thị trường bia Việt Nam đã chứng kiến sự sụt giảm 2 con số trong năm 2023 và tiếp tục sụt giảm 1 con số tính đến nay. Trước đây, nhà máy bia Heineken Quảng Nam đóng góp từ 1.000 - 1.200 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, con số này đã liên tục giảm trong vài năm gần đây, chỉ còn khoảng 20 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2024.

Để thích ứng với tình hình hiện tại và tiếp tục phát triển, Heineken đã quyết định tối ưu hóa hoạt động sản xuất và kinh doanh bằng cách tinh giản hoạt động và tạm dừng nhà máy tại Quảng Nam.

Liên quan đến quyền lợi của người lao động, Heineken cho biết sẽ bố trí công việc cho đội ngũ nhân sự tại các nhà máy khác. Với những người không thể bố trí được, doanh nghiệp sẽ giải quyết chính sách trên tinh thần quan tâm, tôn trọng và áp dụng gói hỗ trợ mất việc làm tốt hơn quy định hiện hành.

Heineken gửi "tâm thư"góp ý dự thảo luật thuế tiêu thụ đặc biệt

Mới đây, Công ty TNHH nhà máy bia Heineken Việt Nam  cũng đã gửi ý kiến góp ý và kiến nghị đối với dự thảo luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB - sửa đổi).

Trong ‘tâm thư’, Heineken Việt Nam cho biết, đã tạo ra gần 250.000 việc làm trong toàn bộ chuỗi giá trị, và cũng nằm trong số các doanh nghiệp góp thuế nhiều nhất cho NSNN trong nhiều năm liền. Heineken mong muốn tham gia tích cực trong ngành đồ uống có cồn, quan tâm đến quá trình xây dựng, sửa đổi Luật thuế TTĐB.

Theo Heineken, hiện Bộ Tài Chính đang đưa ra 1 phương án đề xuất tăng thuế với sản phẩm bia, đều ở mức quá cao so với mức hiện tại 65%.

Quảng Nam "thất thu" gần 500 tỷ mỗi năm khi Heineken tạm dừng nhà máy bia - Ảnh 2

Trong khi đó, theo phía Heineken, từ sau giai đoạn Covid-19, nền kinh tế nói chung, bao gồm ngành bia, đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Bên cạnh đó nghị định 100 về kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông với mức xử phạt nặng đã dần hình thành thói quen uống có trách nhiệm hơn của người tiêu dùng.

Đây là nguyên nhân khiến thị trường bia của Việt Nam đã sụt giảm 2 con số trong năm 2023 và tiếp tục sụt giảm từ đầu năm nay.

Do vậy, theo Heineken, việc tăng thuế suất giai đoạn hiện tại cần được xem xét một cách thận trọng. Nếu tăng quá nhanh, người tiêu dùng sẽ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh chi tiêu, dẫn đến sức mua giảm và tác động tiêu cực đến thị trường. Kết quả có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng như thất thu thuế cho Chính phủ, đóng cửa các nhà máy sản xuất và gia tăng thất nghiệp.

Theo Heineken, cần phải tiếp cận thận trọng hơn là giãn lộ trình tăng thuế và giảm mức tăng thuế, tránh tình trạng “sốc” khi giá cả tăng đột ngột.

Ngoài ra, đại diện Heineken nhận xét, khi quan sát biểu thuế TTĐB hiện tại, có thể thấy sự bất hợp lý khi rượu có nồng độ cồn dưới 20% chỉ chịu mức thuế TTĐB 35%, trong khi bia với nồng độ cồn dưới 12% lại phải chịu mức thuế 65%. Sự chênh lệch này gây khó khăn cho các doanh nghiệp ngành bia và thể hiện sự thiếu công bằng trong chính sách thuế.

Heineken đề xuất Bộ Tài chính xem xét lại mức thuế suất áp dụng cho các sản phẩm đồ uống có cồn, sao cho phù hợp với nồng độ cồn của từng loại. Đây cũng là cách giúp định hình hành vi tiêu dùng hợp lý hơn, khuyến khích các nhà sản xuất đổi mới, phát triển các sản phẩm có nồng độ cồn thấp.

Cuối thư, Heineken gửi 3 kiến nghị liên quan dự thảo luật thuế TTĐB:

-Thứ nhất, tách biểu thuế TTĐB hiện tại thành các mức thuế cụ thể, tương ứng với nồng độ cồn khác nhau của bia, để đảm bảo thống nhất với Luật và quy định hiện hành. 

Quảng Nam "thất thu" gần 500 tỷ mỗi năm khi Heineken tạm dừng nhà máy bia - Ảnh 3

-Thứ 2, về lộ trình tăng thuế, luật thuế TTĐB sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 1/1/2026 và thuế suất đối với bia được giữ ổn định ở mức 65% trong vòng 3 năm; lần tăng thuế đầu tiên sẽ vào năm 2029 và sau mỗi 3 năm thì tăng một lần, mỗi lần tăng không qúa 3-5%.

-Thứ 3, về chiến lược cải cách thuế lâu dài, Việt Nam có thể cân nhắc chuyển đổi từ phương pháp tính thuế tương đối hiện tại sang phương pháp tính thuế tuyệt đối theo nồng độ cồn (VND/lít cồn nguyên chất). Hệ thống thuế hỗn hợp có thể là một bước trung giaan hợp lý cho lộ trình chuyển đổi sang hệ thống tuyệt đối theo nồng độ cồn.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Quảng Nam "thất thu" gần 500 tỷ mỗi năm khi Heineken tạm dừng nhà máy bia. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới