Quảng Bình: Xã đầu tiên thực hiện phân định ranh giới rừng tự nhiên
Được Viện nghiên cứu sinh thái chính sách xã hội (SPERI) hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã hoàn thành phân định toàn bộ diện tích rừng tự nhiên giao cho người dân.
Rừng tự nhiên trên địa bàn được giao cho người dân quản lý, bảo vệ từ năm 2008. Tuy nhiên, ranh giới rừng giữa các thôn, nhóm hộ, hộ chưa được phân định rõ ràng, nguồn kinh phí hỗ trợ còn hạn chế dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR). Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, phần lớn bà con sản xuất nông nghiệp, trồng rừng kinh tế nên thời gian nhàn rỗi khá nhiều, dễ phát sinh việc khai thác, lấn chiếm rừng trái phép.
Toàn xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hoá có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 10.280ha, thuộc 13 tiểu khu. Rừng tự nhiên toàn xã có trên 9.000 ha, trong đó rừng giao cho hộ gia đình, cá nhân quản lý trên 7.300ha, diện tích còn lại do UBND xã quản lý. Để BVR tự nhiên, năm 2019, SPERI đã hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí 60 triệu đồng cho xã Cao Quảng thực hiện thí điểm dự án phân định ranh giới rừng, đánh giá rừng sản xuất và rừng tự nhiên.
Theo đó, SPERI cùng chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm đã cắm mốc phân định trên 300ha rừng cho 39 hộ dân tại 4 thôn trên địa bàn xã. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm BVR của mỗi người dân. Đến năm 2023, SPERI tiếp tục hỗ trợ cho xã Cao Quảng thêm 300 triệu đồng, kỹ thuật, thiết kế để thực hiện dự án phân định ranh giới rừng, đánh giá rừng sản xuất và rừng tự nhiên cho toàn bộ người dân trong xã.
Khi thực hiện dự án, UBND xã Cao Quảng đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện dự án phân định lại ranh giới rừng và kiểm tra toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn xã. Thành lập các tổ, nhóm tuần tra, kiểm soát rừng, tổ chức hội nghị mở rộng, tuyên truyền để người dân hiểu rõ chủ trương và cùng chính quyền thực hiện dự án”.
Nhờ sự giúp đỡ từ SPERI, góp sức của người dân, đến nay xã Cao Quảng đã hoàn thành dự án phân định ranh giới rừng, đánh giá rừng sản xuất và rừng tự nhiên với diện tích trên 7.300 ha tại 8 thôn với 64 nhóm chủ rừng, 525 hộ dân. Theo một số người dân thôn Cao Cảnh, xã Cao Quảng chia sẻ, trước đây ranh giới rừng của người dân chưa rõ ràng, kinh phí hỗ trợ BVR rất hạn chế nên rừng còn bị xâm hại khá nhiều. Từ khi rừng được phân định, chúng tôi biết chính xác vị trí rừng của mình nên thường xuyên tuần tra, BVR. Trong mùa nắng nóng hoặc có thông tin rừng bị xâm hại, chúng tôi tuần tra nhiều hơn, có tháng đi 5-6 chuyến.
Được biết, riêng thôn Cao Cảnh có trên 1.500 ha rừng tự nhiên, được giao cho người dân quản lý, bảo vệ với 84 hộ tham gia, chia thành 11 tổ chủ rừng. Bình quân mỗi hộ bảo vệ khoảng 15-20 ha, mỗi tổ có 8-10 hộ. Hàng ngày, các tổ chia thành nhóm 3 người đi tuần tra rừng. Trường hợp có người lạ vào rừng, rừng bị xâm hại thì nhóm chủ động nhắc nhở, đuổi ra khỏi khu vực. Nếu có người vào phá rừng quy mô lớn thì báo cáo lại với tổ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phối hợp giải quyết.
Để rừng được phân định ranh giới, UBND xã Cao Quảng còn vận động người dân làm cột mốc, khắc tên rồi cùng chính quyền địa phương, dự án và lực lượng Kiểm lâm lên rừng cắm mốc. Công việc tuy khó khăn, vất vả nhưng được người dân đồng thuận cao nên triển khai rất thuận lợi.
Được biết, toàn huyện Tuyên Hóa có trên 79.000 ha rừng tự nhiên, trong đó diện tích giao cho dân quản lý, bảo vệ trên 36.000 ha. Hiện, Cao Quảng là xã đầu tiên trên địa bàn huyện hoàn thành phân định toàn bộ diện tích rừng tự nhiên. Việc phân định ranh giới rừng, đánh giá rừng sản xuất và rừng tự nhiên cho người dân xã Cao Quảng của SPERI rất thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm BVR rừng của mỗi người dân.
Đây là cách làm hay, vì thế trong thời gian tới, Hạt Kiểm lâm Tuyên Hoá sẽ tham mưu cho huyện, các địa phương và người dân tập trung kinh phí để phân định ranh giới rừng trên toàn huyện; xác định lại giá trị của rừng để gắn trách nhiệm cho chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, từ đó, có cơ sở đánh giá sự phục hồi rừng hàng năm cũng như xác định trữ lượng tín chỉ carbon...
Nhờ có diện tích rừng tự nhiên lớn, công tác BVR tốt nên năm 2023, xã Cao Quảng đã nhận được 1,53 tỷ đồng từ tiền bán tín chỉ carbon (170.000 đồng/ha). Năm 2024, xã dự kiến sẽ nhận gần 1,8 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon (gần 200.000 đồng/ha), trong đó, rừng của người dân bảo vệ được nhận gần 1,46 tỷ đồng (bình quân mỗi hộ khoảng 2,78 triệu đồng). Cùng với tiền bán tín chỉ carbon kết hợp với rừng được phân định sẽ là điều kiện, động lực để người dân xã Cao Quảng BVR tốt hơn trong thời gian tới.
Nguyễn Công