Thứ ba, 07/05/2024 16:20 (GMT+7)
Thứ sáu, 26/07/2019 16:00 (GMT+7)

Phụ nữ có thai bị sốt xuất huyết cần lưu ý gì?

Theo dõi KTMT trên

Tại khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Bạch Mai, có tới 15 – 20% bệnh nhân có thai bị sốt xuất huyết trên tổng số bệnh nhân sốt xuất huyết. Điều này khiến chị em rất lo âu, đặc biệt là những người ở giai đoạn cuối của thai kỳ.

“Canh” muỗi suốt ngày vẫn “dính” sốt xuất huyết

TS.BS Đỗ Duy Cường – Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện khoa có khoảng 10 bệnh nhân có thai bị sốt xuất huyết đang được điều trị tại bệnh viện Bạch Mai.

“Đang mang thai, lại bị sốt cao vật vã, khó chịu, đau đầu, dùng thuốc khiến nhiều bệnh nhân luôn trong trạng thái thấp thỏm, lo âu cho em bé trong bụng mẹ”, TS Cường cho biết.

Phụ nữ có thai bị sốt xuất huyết cần lưu ý gì? - Ảnh 1

Mặc dù diễn biến của sốt xuất huyết ở phụ nữ có thai rất khó kiểm soát, đặc biệt với những người mang thai ở những tháng cuối nhưng khoa đã kết hợp với khoa Sản để điều trị và giúp nhiều trường hợp mang thai ở những tuần cuối vẫn sinh con an toàn dù đang bị sốt xuất huyết.

Điển hình là trường hợp một sản phụ mang thai ở tuần thứ 37 nhập viện trong tình trạng bị sốt cao liên tục, đau bụng và tiểu cầu xuống thấp. Bệnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu để theo dõi đặc biệt. Khi đang điều trị thì bệnh nhân chuyển dạ sinh con. Đội ngũ bác sĩ khoa Truyền nhiễm và khoa Sản, khoa Huyết học đã phối hợp với nhau để giúp sản phụ sinh con an toàn. Bé gái nặng 2,8 kg chào đời rất khoẻ mạnh được chăm sóc sơ sinh, còn người mẹ được đưa về khoa Truyền nhiễm để tiếp tục điều trị sốt xuất huyết. Đến ngày 3/8, sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định, tiểu cầu đã quay lại mức an toàn, bệnh nhân được xuất viện.

Phụ nữ có thai bị sốt xuất huyết cần lưu ý gì? - Ảnh 2
Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu nếu sốt xuất huyết nghiêm trọng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi - Ảnh minh họa.

Bệnh nhân thứ hai có thai bị sốt xuất huyết khi thai ở tuần thứ 39, sau 3 ngày điều trị tại Khoa, bệnh nhân đã chuyển dạ và sinh con an toàn. Sau đó, bệnh nhân lại được chuyển về khoa để điều trị bệnh.

Các sản phụ chia sẻ, biết đang có dịch sốt xuất huyết nên rất giữ mình, lúc nào cũng nơm nớp lo bị muỗi đốt nên bao giờ cũng có vợt muỗi trong tay, ngủ màn, nhưng không ngờ vẫn bị muỗi đốt.

“Thấp thỏm, lo âu cho cả mình, cả con. Đến khi mẹ tròn con vuông rồi mới thở phào vì đã an toàn”, một bệnh nhân cho biết.

Cần theo dõi sát sao

Theo TS.BS Đoàn Thu Trà, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm , dù phụ nữ có thai bị sốt xuất huyết là khá nguy hiểm, nhưng các thai phụ không cần quá lo lắng. Thực tế, những bà mẹ mắc sốt xuất huyết đều không ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé khi sinh ra. Trong đợt dịch 2015, khoa Truyền nhiễm cũng đã điều trị sốt xuất huyết thành công cho khoảng 100 thai phụ, tất cả đều sinh con khoẻ mạnh, an toàn.

Tuy nhiên, vẫn cần phải hết sức cẩn thận khi theo dõi và điều trị cho các thai phụ bị sốt xuất huyết. Bởi việc tiểu cầu hạ thấp có thể rất nguy hiểm với các bà bầu, có thể dẫn tới sinh non hoặc chảy máu và rối loạn máu đông khi sinh nở.

“Vì thế, phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết luôn được khuyến nghị nhập viện điều trị để được theo dõi chặt công thức máu, đông máu, chức năng gan, thận,.. cũng như tình trạng của thai nhi hàng ngày để xem có dấu hiệu: dọa sảy hay sảy thai, đẻ non (đặc biệt trong những tháng cuối của thai kỳ) hoặc rong kinh, rong huyết hay không”, TS Cường nói.

Việc chỉ định thuốc cho bệnh nhân có thai bị sốt xuất huyết một cách cẩn trọng là rất cần thiết, bởi điều này có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Việc chỉ định thuốc cần có sự thống nhất của bác sĩ khoa truyền nhiễm và bác sĩ sản khoa.

Tiến sĩ Cường khuyên các thai phụ nên phòng sốt xuất huyết bằng cách ngăn chặn muỗi đốt. Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết ưa sống ở nơi có người, thường đốt vào ban ngày, đặc biệt là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc hoặc xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các vật dụng khác.

Do vậy, thai phụ nên mặc quần áo kín chân tay, nên đi tất chân, cần ngủ trong màn, thoa kem để tránh muỗi đốt, dùng hương muỗi,…Các vật dụng đựng nước sạch dùng trong sinh hoạt nên được che đậy tránh muỗi đẻ trứng và nên thay nước hàng tuần để diệt lăng quăng. Không để nước đọng ở các nơi như lốp xe hỏng, vỏ dừa, chai lọ, ao tù, cống rãnh.

Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, người đau nhức, đau đầu,… nên đến bệnh viện khám sớm nhất có thể để được khám, điều trị kịp thời nhằm loại bỏ rủi ro cho cả mẹ và bé.

Trọng Phú (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Phụ nữ có thai bị sốt xuất huyết cần lưu ý gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Festival phở 2024 tổ chức tại Nam Định
Từ ngày 15-17/3 diễn ra Festival phở năm 2024 được tổ chức tại Nam Định - địa phương nổi tiếng với món ăn truyền thống lâu đời của người Việt, thu hút hàng nghìn người tham gia.
Hà Nam: “Trắng đêm” giữ bình yên cho người dân đón Tết
Để ngăn chặn hành vi sử dụng chất liệu nổ, pháo hoa, pháo nổ trái phép trong đêm giao thừa cán bộ chiến sỹ công an xã Nhật Tân đã tổ chức tuyên truyền, tuần tra, lập chốt tại các điểm nóng, khu vực nhạy cảm, sử dụng flycam giám sát từ trên cao.

Tin mới

Coca-Cola Việt Nam hỗ trợ người thu gom rác tại TP.Đà Nẵng
Mạng Lưới Người Thu Gom, một sáng kiến phi lợi nhuận do doanh nghiệp xã hội ReForm Plastic thực hiện nhằm cải thiện cuộc sống của những người thu gom rác thải phi chính thức tại Tp.Đà Nẵng, đạt được những tiến triển đáng kể với sự hỗ trợ của Coca-Cola.