Phó Thủ tướng: Sớm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi
Theo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, việc sớm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi là rất cần thiết để bảo đảm thực hiện được mục tiêu Quy hoạch điện VIII đề ra.
Thông báo có nêu: Điện là yếu tố đầu vào nền tảng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước. Đầu tư phát triển ngành điện là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước; điện phải đi trước một bước để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững cả cho hiện tại và tương lai.
Trong những năm qua, kinh tế - xã hội Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu tăng trưởng nguồn điện phải ở mức 10 - 12%/năm. Chính vì thế, cần phải tập trung đầu tư các dự án nguồn điện từ sớm, từ xa để bảo đảm cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển trong tương lai, đặc biệt là các nguồn điện nền, điện năng lượng tái tạo, điện sạch như điện gió ngoài khơi, điện khí để hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Theo Quy hoạch điện VIII, tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi của Việt Nam là rất lớn, lên đến 600.000 MW. Mục tiêu đến năm 2030 công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW.
Tuy vậy, đến thời điểm hiện nay, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII (Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1/4/2024) mới chỉ phân bổ phát triển điện gió ngoài khơi theo vùng: Bắc Bộ: 2.500 MW; Trung Trung Bộ 500 MW; Nam Trung Bộ 2.000 MW; Nam Bộ 1.000 MW.
Thông báo nhấn mạnh, kế hoạch chưa xác định dự án điện gió ngoài khơi cụ thể nào và cũng chưa có dự án nào được triển khai. Thời gian từ nay đến năm 2030 không còn nhiều, vì thế việc sớm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi là rất cần thiết để bảo đảm thực hiện được mục tiêu Quy hoạch điện VIII đề ra.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) để có báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về các nội dung, thủ tục cần thiết để xem xét việc Petrovietnam thực hiện việc khảo sát điện gió ngoài khơi tại dự án cụ thể theo Thông báo kết luận 412/TB-VPCP của cuộc họp Thường thực Chính phủ ngày 12/9/2024, báo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/10/2024.
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tổng hợp ý kiến về các vướng mắc, vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực và các quy định pháp luật khác có liên quan để hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi) hoặc gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đề xuất trong dự án một Luật sửa nhiều luật, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tháng 10/2024, củng cố hành lang pháp lý triển khai thực hiện các dự án về năng lượng, trong đó có dự án điện gió ngoài khơi.
Hiện nhân loại đang chứng kiến sự biến đổi khí hậu, nắng nóng và băng tan trên toàn thế giới. IEA cho biết, nếu không có hành động quyết liệt nào thì trong năm 2030 nhiệt độ có thể tăng thêm 6°C, băng sẽ tan hết. Tại COP25 và COP26, nhiều quốc gia đã cam kết giảm thiểu khí nhà kính, trong đó nước ta cam kết đến năm 2050. Trước những yêu cầu cấp bách về chống biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo được quan tâm hơn bao giờ hết để thay thế dần nguồn năng lượng hóa thạch.
Do đó, điện gió ngoài khơi đang và ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh phát triển tại các quốc gia. Việc phát triển điện gió ngoài khơi giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, cùng với đó tạo ra nhiều việc làm mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế biển, cũng như phát triển hạ tầng công nghiệp năng lượng, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong ngành năng lượng.
Bích Ngọc